Thứ Hai, 26/09/2022, 13:20 (GMT+7)
.

Đôn đốc, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm trong việc giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 26/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng tham dự hội nghị.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Lê Văn Thành đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru) rất mạnh dự kiến sắp đổ bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo nóng về phòng, chống lụt bão, theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, nhất là các tỉnh miền trung tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác này.

a
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thủ tướng cho biết vừa gọi điện cho lãnh đạo một số tỉnh, thành phố khu vực ở miền trung để nắm tình hình và chỉ đạo phòng, chống bão; lưu ý tâm lý người dân vẫn chủ quan trước khi bão đổ bộ mà “trời quang, mây tạnh”; nêu rõ một số bài học kinh nghiệm trước đây khi bão lớn đổ bộ vào.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; theo dõi sát diễn biến của bão số 4, triển khai nghiêm các công điện, chỉ đạo phòng, chống bão của Trung ương; phải rà soát kỹ nhiều công việc, đó là phải kêu gọi ngư dân đánh cá về bờ tránh bão, không cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản; kiểm tra kỹ, bảo đảm an toàn các hồ, đập thủy lợi, thủy điện, lồng bè thủy hải sản, có phương án bảo vệ, gia cố, khắc phục, tránh mọi sự cố đáng tiếc; Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải chú ý đề phòng sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ khi mưa lớn. Theo Thủ tướng, người dân vẫn có tâm lý chủ quan, lúc bão to, mưa lớn mới sơ tán thì khó ứng cứu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan phải tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bão, di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm; có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Thủ tướng khẳng định, biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, do đó, các cấp, các ngành, các địa phương phải có trách nhiệm tích cực phòng, chống thiên tai, lụt bão, góp phần chung tay bảo vệ Trái đất.

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.

Về việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ, đây là công việc hết sức quan trọng nhưng cũng là điểm yếu của chúng ta ngay từ đầu năm. 9 tháng qua, tình hình giải ngân vẫn chưa được cải thiện nhiều. Theo Thủ tướng, giải ngân tốt sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong thời điểm khó khăn này.

Thủ tướng nêu rõ, trong chính sách tài khóa và trong phương châm “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không” của Chính phủ cũng đều nêu rõ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm đã xảy ra nhiều năm nay. Sau đại dịch Covid-19, chúng ta phải thúc đẩy tăng trưởng, tạo sinh kế cho người dân bằng nhiều giải pháp, trong đó có thúc đẩy đầu tư công bởi việc này sẽ tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề cần phải “mổ xẻ” hết sức nghiêm túc tại hội nghị này. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng liên tục có các Nghị quyết, Chỉ thị về vấn đề này; phân công rõ trách nhiệm trong đôn đốc, kiểm tra. Vậy tại sao tình hình vẫn không chuyển biến ? Thủ tướng đề nghị làm rõ vấn đề yếu ở khâu nào? Khâu chuẩn bị đầu tư hay các văn bản pháp luật có vướng mắc không, vướng ở đâu, Nghị định nào, Thông tư nào, cơ chế, chính sách nào? Có phải khi có dự án được phê duyệt mới lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng không? Chỗ này khắc phục thế nào?

a
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Về chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng đặt vấn đề có nên lấy vốn thường xuyên ra làm không hay sử dụng vốn đầu tư phát triển theo quy trình rườm rà? Xử lý như thế nào? Khâu tổ chức thực hiện ở cấp dưới như thế nào? Trong cùng điều kiện hoàn cảnh, có địa phương làm nhanh, có nơi triển khai “ì ạch”? Có phải thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc giải ngân hay không?

Theo Thủ tướng, phải kiểm tra, đôn đốc hàng tuần; phải giao ban thường xuyên giữa các đơn vị. Vấn đề liên quan kiểm tra, đôn đốc, phân công nhiệm vụ đã được hay chưa? Việc chậm trễ dứt khoát phải có lý do; phải chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai. Từ trước đến nay, Chính phủ thống nhất trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Nếu kéo dài tình trạng này thì dân mòn mỏi mong chờ. Cơ chế, chính sách nào để giải quyết rốt ráo tình trạng này để việc giải ngân đi vào nền nếp? Chính phủ đã quyết liệt, thành lập các Tổ công tác, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến nhiều. Không lẽ chúng ta bất lực? Trong khi đó, luật pháp, chính sách, chủ trương đều do chúng ta cả.

Thủ tướng mong các đại biểu hiến kế giải pháp để đẩy nhanh việc giải ngân. Chính phủ không thể làm thay hết mọi việc bên dưới. Chính phủ đang vướng gì, các bộ, ngành, địa phương đang vướng gì thì hội nghị này cũng phải nêu lên. Theo Thủ tướng, liệu có phải do dàn trải, manh mún, đấu thầu đấu giá mà dẫn đến giải ngân chậm hay không? Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đóng góp ý kiến trung thực, khách quan, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, nêu rõ những gì làm được, chưa làm được để tìm ra giải pháp; không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được” bởi điều đó là có lỗi với nhân dân.

a
Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo.

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022: tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội là 526.105,895 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương (NSTƯ) là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 304.105,895 tỷ đồng. Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 542.105,895 tỷ đồng.

Đến ngày 23/9/2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 508.362,783 tỷ đồng, đạt 93,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó vốn trong nước đạt 93,4% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 98,7% kế hoạch. Số vốn ngân sách nhà nước còn lại chưa phân bổ là 33.051,093 tỷ đồng (bằng 6,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương với 8/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch).

Trên cơ sở Nghị quyết số 584/NQ-UBTVQHI5 ngày 31/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 6205/TTr-BKHĐT ngày 4/09/2022 và văn bản số 621/BKHĐT-TH ngày 16/9/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022: theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2021, trong đó:

Vốn trong nước là 246.525,55 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 51,74%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.514,5 tỷ đồng. Vốn nước ngoài là 6.622,57 tỷ đồng, đạt 19,03% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 12,69%).

Có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình.

Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.

a
Quang cảnh hội nghị.

Minh chứng rõ ràng là kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân đã có sự thay đổi tích cực khi đạt tỷ lệ 46,7%. Đồng thời lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 cao hơn khoảng 80 nghìn tỷ đồng so năm 2021 (chưa tính số vốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 khoảng 38 nghìn tỷ đồng từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội) cùng với khó khăn đặc thù do năm 2022 là năm thứ hai của Kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch (do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiến độ giải ngân đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, số tuyệt đối giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021. Riêng vốn ngân sách trung ương giải ngân 89,911 tỷ đồng, đạt 37,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 cả về số tuyệt đối 13,664 tỷ đồng và về tỷ lệ giải ngân (cùng kỳ năm 2021 đạt 37,01%).

Theo nhandan.vn



 

.
.
Vị trí đất Lợi nhuận từ tài sản đất đẹp Sinh lời từ tiềm năng Công ty nào chuyên chứng minh tài chính doanh nghiệp uy tín nhấtCông ty nào chuyên chứng minh tài chính du lich uy tín nhất
.