Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách trong Nghị quyết 30
Cập nhật: 14:37, 27/09/2022 (GMT+7)
(ABO) Sáng 27-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương để lấy ý kiến đối với dự thảo “Báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19”.
Đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang. |
Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 30 ngày 28-7-2021. Trên cơ sở nội dung của nghị quyết, Chính phủ đã thực hiện chủ động điều hành ngân sách nhà nước và giải pháp tiết kiệm chi để bổ sung nguồn phòng, chống dịch theo quy định…
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đã chủ động đưa ra các biện pháp và tổ chức triển khai thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh; thể hiện sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch.
Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Nghị quyết 30, đặc biệt là thực hiện thành công chiến lược vắc xin và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương…
Đồng chí Nguyễn Thành Diệu chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang. |
Tuy nhiên, do dịch bệnh chưa có tiền lệ; thực tiễn phát sinh nhiều tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải quyết định nhanh chóng, kịp thời để đưa ra các biện pháp cần thiết, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong tình trạng khẩn cấp và các biện pháp chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh…
Tại hội nghị, các địa phương đồng tình cao với dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách trong nghị quyết, nhất là tiếp tục thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc ổn định trên thị trường, bảo đảm có đủ thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành, triển khai, vận dụng, trong đó có Nghị quyết 30 của Quốc hội để tạo cơ sở pháp lý giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác phòng, chống dịch tại cơ sở.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Bộ Y tế nghiên cứu để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội kéo dài thêm thời gian thực hiện một số chính sách trong Nghị quyết 30, nhất là liên quan đến mua sắm thuốc men, vật tư y tế để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt trong công tác tiêm phòng vắc xin; các địa phương phải vào cuộc tháo gỡ khó khăn về thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế.
VĂN THẢO