.

Nỗ lực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Cập nhật: 17:23, 12/09/2022 (GMT+7)

Chiều 12-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, một số tổ chức quốc tế.

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này để tiếp tục cập nhật, đánh giá, thích ứng tình hình mới sau 1 tháng kể từ hội nghị lần trước; chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, không cầu toàn; nêu rõ, chủ đề của hội nghị này không mới nhưng luôn mang tính thời sự. Sự tham gia hội nghị này của các đại biểu quốc tế thể hiện sự quan tâm đặc biệt, tình cảm, trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới các đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi, lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng nêu rõ, trong hơn 1 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, ảnh hưởng lớn Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Những biến động đó là: cạnh tranh chiến lược diễn ra căng thẳng, gay gắt hơn; xung đột Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt; áp lực lạm phát tăng cao, chính sách chống Covid-19 của các nước; Mỹ dự kiến tăng lãi suất, làm suy giảm tăng trưởng, thị trường thu hẹp, ảnh hưởng xuất nhập khẩu; giá dầu thô, khí đốt biến động mạnh; giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu phức tạp, cực đoan.

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải đi tìm sự ổn định trong sự bất định; tìm sự chủ động trong thế bị động; tìm ổn định, nhất quán trong sự chuyển đổi và xáo trộn; phải thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái, khủng hoảng là một thuộc tính không thể thiếu trong kinh tế thị trường; thiết lập phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập.

Quá trình này được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp, sự tham vấn của các chuyên gia, kinh tế vĩ mô. Nhờ đó tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định; kiểm soát được lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng; kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, nhờ đó thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế đều ở 3 khu vực; thực hiện tốt an sinh xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế vẫn rất khó khăn và chúng ta phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, từ đó luôn tìm ra, thiết lập công cụ quản lý rủi ro chống lại thuộc tính cơ bản của kinh tế thị trường là khủng hoảng và suy thoái. Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình, những quan điểm, định hướng, mục tiêu; đề xuất kiến nghị các giải pháp cấp bách, lâu dài.

Theo nhandan.vn



 

.
.
.