Phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
(ABO) Sáng 15-9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang có các đồng chí: Huỳnh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh…
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo một số chính sách pháp luật được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); tham luận và trao đổi một số nội dung về kế hoạch tổ chức phản biện xã hội.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Nội dung tham luận, ý kiến góp ý vào dự thảo Luật và đề xuất ý kiến phản biện dự thảo Luật tập trung chủ yếu vào các nội dung: Quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước trong dự thảo Luật đã thể hiện sự phân cấp, phân quyền nhưng chưa rõ trách nhiệm; việc thể chế những điểm mới theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, các chủ trương của Đảng về đất đai; sự tương thích của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan. Hoàn thiện các quy định bảo đảm quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số…
Các nội dung góp ý, phản biện xã hội của MTTQ Việt nam như: Tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục chồng chéo giữa Luật Đất đai với các quy định khác của pháp luật; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp (Quốc hội, HĐND các cấp; Chính phủ và UBND các cấp; bộ, ngành địa phương) và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất; việc thể chế hóa các quy định có liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phạm vi lấy ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Nhiều ý kiến đánh giá, dự thảo Luật đã được Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường cầu thị, tiếp thu, lắng nghe trong quá trình chuẩn bị. Việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống nhân dân nên được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật Đất đai năm 2013; ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đưa ra nhiều nội dung chính sách mới định hướng cho việc sửa đổi Luật.
SONG AN