Thứ Bảy, 29/10/2022, 20:51 (GMT+7)
.

Bảo đảm chủ động nguồn lực chuẩn bị cho việc tăng lương

Hết năm 2021 Bộ Tài chính đã có nguồn từ ngân sách địa phương phục vụ cho cải cách tiền lương đạt trên 290 nghìn tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43 nghìn tỷ đồng. Căn cứ vào yêu cầu cấp thiết của việc tăng lương cơ sở, Chính phủ đã trình Quốc hội tăng lương cơ sở lên mức 20,8% từ 1-7-2023.

a
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo.

Chiều 29-10, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Tại họp báo, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.

Bảo đảm chủ động nguồn lực chuẩn bị cho việc tăng lương

Trả lời về việc chuẩn bị nguồn lực để tăng lương cơ sở dự kiến vào ngày 1-7-2023, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, từ khi triển khai Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan sắp xếp, bố trí nguồn lực tài chính khi cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương. Nguồn lực tập trung chủ yếu từ tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi. Hết năm 2021 Bộ Tài chính đã có nguồn từ ngân sách địa phương phục vụ cho cải cách tiền lương đạt trên 290 nghìn tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43 nghìn tỷ đồng. Căn cứ vào yêu cầu cấp thiết của việc tăng lương cơ sở, Chính phủ đã trình Quốc hội tăng lương cơ sở lên mức 20,8% từ 1-7-2023.

Theo tính toán, tổng nhu cầu kinh phí phát sinh cho lương hưu, các đối tượng chính sách, lương cơ sở, phụ cấp nghề… là khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Do đó, với nguồn có sẵn thì hoàn toàn chủ động cho thực hiện quyết sách để tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua.

Nỗ lực bảo đảm điều hành đủ nguồn cung xăng dầu

Về vấn đề xăng dầu, Bộ Công thương cho biết, trong thẩm quyền trách nhiệm, Bộ đã thực hiện một số biện pháp như phối hợp UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu, duy trì nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định việc thực hiện duy trì bán lẻ xăng dầu; đề xuất các cơ quan chức điều chỉnh giờ vận chuyển xăng dầu; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp cung cầu xăng dầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích các chủ thể; chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ lẫn nhau để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường toàn quốc phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; kiến nghị các cơ quan liên quan trình các cấp thẩm quyền giảm các loại thuế liên quan xăng dầu, rà soát, điều chỉnh đưa chi phí xăng dầu về đến cảng, chi phí ở ngoài nước để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian khó khăn; chỉ đạo 2 nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước có biện pháp hỗ trợ giao hàng nhanh cho doanh nghiệp sớm nhất đưa hàng đến các doanh nghiệp; sử dụng nguồn hàng dự trữ hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối, ưu tiên bán hàng tại các khu vực thiếu xăng dầu cục bộ; bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ; phối hợp Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam họp với các doanh nghiệp đầu mối 2 lần để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị giải pháp tháo gỡ.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, chiều 29-10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì họp với các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, một số doanh nghiệp đầu mối lớn.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp, theo đó, về giải pháp trước mắt, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các quy định theo Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu, kịp thời điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu như chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở, chi phí kinh doanh định mức, bảo đảm tính đúng tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp, bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh; chỉ đạo lực lượng Hải quan tạo điều kiện thông quan xăng dầu nhập khẩu kịp thời cung ứng cho thị trường; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn trong nước.

Bộ Công thương tiếp tục là đầu mối phối hợp các bộ, ngành bảo đảm nguồn cung; rà soát các hệ thống phân phối, đại lý xăng dầu trên toàn quốc; yêu cầu các lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu không tuân thủ các quy định hiện hành về cung ứng xăng dầu.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các sở, ban, ngành tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu vận chuyển xăng dầu trong giờ cao điểm, chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định việc thực hiện của các thương nhân trên địa bàn.

Về giải pháp dài hạn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành rà soát các văn bản hiện hành như Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, các thông tư hướng dẫn…, đánh giá triển khai Nghị định trong thời gian tới, trình Chính phủ xem xét để nỗ lực bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Bảo đảm thượng tôn pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông với bị can là Trương Mỹ Lan và đồng phạm là vụ án rất khó. Tham gia ban chuyên án là những cán bộ rất bản lĩnh, nhiều kinh nghiệm trận mạc. Ban chuyên án đã cân nhắc rất kỹ lưỡng các yếu tố, để có những phương án đối sách phù hợp xử lý đúng người, đúng tội. Đây là vụ án rất khó, nhưng phải làm, càng khó càng phải quyết tâm làm. Mục tiêu của quyết định khởi tố vụ án kể trên nhằm bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, bảo đảm thị trường trái phiếu, chứng khoán, tài chính ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Trong quá trình tố tụng, với quyết tâm của lực lượng thực thi pháp luật thì bản chất của vụ việc sẽ được làm rõ, công lý sẽ được thực thi. Đại diện Bộ Công an khẳng định, không hề có yếu tố hình sự hóa các quan hệ kinh tế-xã hội ở đây mà là vấn đề tính thượng tôn pháp luật phải được bảo đảm. Sau khi khởi tố vụ án này, có rất nhiều thông tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng cả trong và ngoài nước làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng thị trường chứng khoán và hoạt động của các doanh nghiệp.

Trong 10 tháng đầu năm, Bộ Công an đã khởi tố và điều tra 527 vụ án phạm tội trên không gian mạng, tăng 144% so cùng kỳ năm trước. Về các vụ việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng, đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng; gọi hỏi răn đe và yêu cầu khắc phục hậu quả khoảng 1.500 đối tượng.

Thời gian tới lực lượng chức năng sẽ tiếp tục làm mạnh, xử lý các vụ việc đăng tin sai sự thật, tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng sự phát triển của nền kinh tế, thị trường chứng khoán, tài chính, ngân hàng. Những thông tin sai trái vừa qua đã làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật.

Trung tướng Tô Ân Xô cũng nói rõ rằng, hầu hết các doanh nghiệp lớn của chúng ta hiện nay đều đang hoạt động ổn định và bình thường. Thí dụ đến giờ phút này, ông Tô Ân Xô khẳng định, ông Phạm Nhật Vượng của VinGroup không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh và hoạt động của VinGroup ổn định, bình thường. VinGroup là một trong những doanh nghiệp đóng thuế rất lớn cho Nhà nước và số tiền đóng thuế của tập đoàn này khoảng 127 nghìn tỷ đồng trong thời gian vừa qua…

Theo nhandan.vn



 

.
.
.