Đại biểu Quốc hội: Khu vực công vẫn còn đang thất thoát, lãng phí
Sáng 31-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Khu vực công vẫn còn thất thoát, lãng phí
Tại phiên họp, góp ý vào báo cáo kết quả giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) băn khoăn: Tại sao trong khu vực công, hiện tượng lãng phí luôn xảy ra nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư?
Đại biểu cho rằng, các cấp, các ngành cơ bản đều ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm, hằng năm và tổ chức triển khai trên cơ sở quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình do Thủ tướng Chính phủ ban hành, công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm chú trọng và chất lượng từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
“Nỗ lực là thế nhưng tại khu vực công vẫn còn nhiều thất thoát, lãng phí, từ việc nợ đọng thuế, thất thu thuế cho đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ...”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga dẫn chứng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương): Khu vực công vẫn còn nhiều thất thoát, lãng phí. Ảnh: VPQH |
Đại biểu chỉ rõ, chúng ta đều triển khai rất nhiều các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng kết quả đạt được dù có đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa cao như kỳ vọng. Việc lãng phí, thất thoát trong khu vực công vẫn xảy ra và vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở.
Nhất trí với những nguyên nhân và trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế đã được báo cáo kết quả giám sát chỉ ra, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lưu ý, một nguyên nhân căn bản khiến cho việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế là do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến những lợi ích của bản thân.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, căn nguyên sâu xa của việc lãng phí tài sản công chính là lối sống thực dụng, ích kỷ, dẫn đến việc con người chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể và lối sống ấy sẽ dẫn đến tư duy không nỗ lực vì cái chung. Tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động, từ nhỏ nhất như tiết kiệm thời gian cho đến lớn hơn là sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp lý nhất mọi tài sản công.
Do vậy, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công tác điều tra, xét xử việc thực hiện chính sách pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí như báo cáo đã nêu ra, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, cần đặc biệt chú trọng đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức, đạo đức của con người.
Đại biểu đề nghị, Chính phủ và Quốc hội quan tâm hơn nữa tới việc phát triển văn hóa toàn diện, trong đó tập trung vào việc giáo dục lối sống văn minh - vì đây là cái gốc của việc chống lãng phí, nhất là trong khu vực công.
Nhiều đại án thất thoát lớn
Ở góc độ liên quan, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) quan tâm đối với việc giám sát về dịch vụ công; nhiều công trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước bị thất thoát, lãng phí.
Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình). Ảnh: VPQH |
Theo đại biểu, cuộc giám sát tối cao thực hiện chính sách pháp luật và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa qua là một cuộc rà soát tương đối tổng thể, quy mô đối với lực lĩnh vực công. Đây là một cuộc giám sát khó về mặt lượng hóa của sự lãng phí, giá trị của việc thực hành tiết kiệm.
“Khó khăn là vậy nhưng chúng ta dễ dàng nhận thấy sự lãng phí trong thực tế đối với các công trình, dự án, hoạt động cụ thể, từ việc lớn đến việc nhỏ ở hầu khắp các lĩnh vực được giám sát và kể cả chưa được giám sát”, đại biểu thẳng thắn chỉ rõ.
Đại biểu nhắc đến nhiều đại án trong những năm qua làm cho chúng ta không khỏi giật mình vì thất thoát quá lớn trong khi đất nước còn khó khăn. "Ngoài việc liên quan đến tham nhũng, không loại trừ nhận thức, ý thức trách nhiệm, lương tâm và trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ lãnh đạo khi đưa ra quyết định không phù hợp, gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường", đại biểu nói.
Đại biểu Trần Quang Minh đưa ra điển hình về những hoạt động đầu tư ra nước ngoài hay hợp tác với nước ngoài kém hiệu quả, thua lỗ như trong thời gian vừa qua hay những con số thực sự cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc như: Giai đoạn 2016 đến 2021 có nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; hàng nghìn ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật và nhiều con số đáng suy ngẫm khác... Lĩnh vực đầu tư công được cho là gây ra thất thoát, lãng phí thuộc nhóm đứng đầu.
Đại biểu tỉnh Quảng Bình khẳng định, người Việt Nam được cho là thông minh, chăm chỉ, cần cù, trình độ đào tạo chuyên môn ngày một chú trọng nhưng năng suất lao động không cao. Ngoài những lý do khách quan, chắc chắn có yếu tố chủ quan, sự lãng phí trong đào tạo, bố trí, phân luồng, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực.
“Do đó, đối với lĩnh vực công cần phải có những công cụ thể để đánh giá hiệu quả công việc mang tính định lượng thay vì định tính như hiện nay”, đại biểu Trần Quang Minh nhấn mạnh.
Theo qdnd.vn