.

Đại biểu Quốc hội Tiền Giang thảo luận về công tác quản lý quỹ Bảo hiểm y tế

Cập nhật: 20:16, 27/10/2022 (GMT+7)

(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 27-10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.

Tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, đại biểu Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang quan tâm đến một số vấn đề trong công tác quản lý quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có vấn đề tạm ứng thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT và mối liên hệ đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Đại biểu Tạ Minh Tâm
Đại biểu Tạ Minh Tâm phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Tạ Minh Tâm thống nhất với báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2021. Năm 2021 là năm cả nước triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19; hệ thống y tế và bảo hiểm xã hội, BHYT vừa thực hiện nhiệm vụ chống dịch, giãn cách xã hội, vừa bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện chính sách BHYT.

Theo đó, số người tham gia BHYT tăng 793 ngàn người so với năm 2020, đạt 88,83 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, đạt 100,01% so với kế hoạch của Quốc hội theo Nghị quyết số 124 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Số cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đạt 2.704 cơ sở, tăng xấp xỉ 4% so với năm 2020. Số thu đóng BHYT năm 2021 ước đạt 109.230 tỷ đồng, tăng 556,2 tỷ đồng so với năm 2020. Số lượt khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong năm đạt 125,3 triệu lượt người.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cũng còn nhiều bất cập cần quan tâm tháo gỡ. Đại biểu Tạ Minh Tâm dẫn chứng: Số liệu báo cáo cho thấy, trong khoản chi 97.295 tỷ đồng năm 2021 của quỹ BHYT có số chi các khoản BHYT tồn đọng trước năm 2021 là 5.323 tỷ đồng (con số này chưa bao gồm những khoản chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT chưa được thống nhất thanh toán giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở y tế).

Trong đó: Chi phí phát sinh vượt dự toán các năm 2018, 2019, 2020 được xem xét chi trong năm 2021 là 3.269,8 tỷ đồng. Số chi vượt định mức kinh tế kỹ thuật các năm 2016, 2017, 2018 được xem xét chi là 842,8 tỷ đồng. Chi phí tồn đọng phát sinh trước năm 2021 được Bảo hiểm xã hội các tỉnh đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa vào quyết toán năm 2021 là 1.210,9 tỷ đồng.

Đối với năm 2021, tổng số chi khám, chữa bệnh là 93.668 tỷ đồng, số chi khám, chữa bệnh BHYT được quyết toán là 87.271 tỷ đồng; tức là vẫn còn 6.397 tỷ đồng chưa được quyết toán.

Từ thực tiễn cho thấy áp lực với các khoản chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT chưa được thống nhất thanh toán, chậm được thanh toán (các khoản cơ sở y tế đã chi từ năm 2016 đến năm 2020, đến nay mới được đưa vào quyết toán trong năm 2021) và các khoản chi không được thanh toán đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập là rất đáng quan tâm trong cân đối tài chính, duy trì hoạt động bình thường của các đơn vị rơi vào trường hợp này; nhất là trong bối cảnh các đơn vị y tế công lập đi vào thực hiện tự chủ tài chính.

 Những hạn chế này đã tồn tại nhiều năm, các cơ quan chức năng cũng chỉ ra rất nhiều nguyên nhân cụ thể như: Do vướng mắc trong tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Từ các quy định liên quan của Luật BHYT và Nghị định 146; về thanh toán theo giá dịch vụ; về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT hằng quý; về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cả năm; những bất cập trong xác định hệ số k về thuốc, hóa chất, k về vật tư y tế..; hành lang pháp lý về xã hội hóa, liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, hợp tác đầu tư tại cơ sở khám, chữa bệnh chưa hoàn thiện; các hướng dẫn chuyên môn trong khám, chữa bệnh có nội dung chưa thật phù hợp; yếu tố chủ quan từ phía cơ sở y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội..., những vướng mắc này dẫn đến thực trạng mức quyết toán, thanh toán cho cơ sở y tế hằng năm thường thấp hơn tổng chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT mà cơ sở y tế đã cung cấp dịch vụ cho người bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình vấn đề ĐBQH nêu.

Nhằm chủ động ứng phó các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra cũng là góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở y tế, nâng cao năng lực điều trị, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Quốc hội, Chính phủ 4 vấn đề cụ thể:

Thứ nhất: Khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh BHYT: Các văn bản pháp lý liên quan thuộc thẩm quyền Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Hoàn thiện quy trình tạm ứng, thanh toán, quyết toán BHYT; giám định BHYT; quy trình - phác đồ điều trị... trước các bất cập, tồn tại, vướng mắc đã được chỉ ra. Thu hẹp khoảng cách giữa chi phí các cơ sở y tế đã sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh với số chi thanh quyết toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Thứ hai: Phát huy vai trò Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 89. Hoàn thiện quy trình hoạt động bảo đảm Hội đồng quản lý thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 5 Điều 11: Xử lý kịp thời các vấn đề tài chính BHYT thuộc thẩm quyền, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị phụ trách (như trong trường hợp cho chủ trương đối với các kiến nghị vượt trần, vượt quỹ...). Rút ngắn thời gian thực tế tiến hành thẩm định, thẩm tra, quyết toán, thanh toán... phù hợp năm tài chính.

Thứ ba: Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham mưu Chính phủ sớm có khảo sát, đánh giá tác động của việc chậm được thanh toán (so với năm tài chính), việc chưa được thống nhất thanh toán đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đặc biệt là đơn vị sự nghiệp y tế công lập (để minh họa, xin nhắc lại số liệu như đã nêu trên, lấy mốc năm 2021, bảo hiểm thanh toán cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh số tiền là 5.323 tỷ đồng của các năm từ 2016 đến năm 2020).

Quang cảnh thảo luận tại hội trường
Quang cảnh Phiên thảo luận tại hội trường.

Thứ tư: Kiến nghị có thống kê, làm rõ số liệu những khoản chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT chưa được thống nhất thanh toán giữa cơ sở y tế và cơ quan Bảo hiểm trong các năm qua - cũng đồng nghĩa là những khoản tiền đã chi ra khỏi các cơ sở y tế nhưng chưa xác định được nguồn bù đắp - nguồn cân đối. Đánh giá tác động của tình trạng này đối với 1.750 đơn vị y tế công lập có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; trong đó chú ý các cơ sở y tế công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; các cơ sở y tế không có điều kiện mở rộng nguồn thu; cơ sở y tế đặc thù như bệnh viện tâm thần, y học cổ truyền, trung tâm y tế tuyến huyện...

Cấp bách có giải pháp tháo gỡ, bố trí nguồn chi đối với các cơ sở y tế mất cân đối thu chi; giúp các đơn vị chủ động được phương án tài chính, duy trì hoạt động bình thường. Tạo khung pháp lý “đặc thù” xử lý các vướng mắc tài chính trong thời gian hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành được chỉ ra là bất cập.

Tạo thuận lợi các cơ sở y tế tập trung công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hiện nay; góp phần thực hiện đạt kết quả chỉ tiêu 70% dân số được quản lý, theo dõi và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; trên 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế.

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
.