Huyện Châu Thành: Tạo môi trường thuận lợi cho trí thức cống hiến
Những năm qua, Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Tiền Giang quan tâm lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức và coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Huyện ủy đã tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về trí thức, đặc biệt là nghị quyết đại hội đảng các cấp, Nghị quyết 27 ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
CHIÊU HIỀN ĐÃI SĨ
Huyện đã chủ động vận dụng chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức tạo thuận lợi cống hiến, đóng góp tài năng xây dựng quê hương. Công tác tuyển dụng trí thức đúng quy trình, ưu tiên sinh viên giỏi.
Với trí thức là cán bộ, công chức, viên chức, các cấp ủy đảng đã phát huy tài năng trí thức, người có phẩm chất tốt, năng lực lãnh đạo, quản lý được bố trí công việc đúng năng lực, sở trường, đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ chuyên môn, chính trị và bảo đảm thực hiện tốt chế độ, chính sách.
Nhiều khâu quy trình có tiến bộ hơn trước, từ việc đánh giá đến tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đoàn kết và quy tụ được cán bộ trí thức có đức, có tài, nhiệt tình cống hiến.
Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cơ bản làm tốt công tác vận động trí thức, thuyết phục, tôn trọng, tin cậy, gần gũi, cởi mở, phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, phát huy sức mạnh trí thức, giúp họ vượt qua khó khăn, chủ động sáng tạo, cống hiến.
Châu Thành quan tâm chuẩn hóa lý luận chính trị cho trí thức là cán bộ, công chức, viên chức huyện, cơ sở (ảnh: Bế giảng Lớp sơ cấp lý luận chính trị khóa I năm 2022). |
Từ đó đội ngũ trí thức của huyện phát triển mạnh, hiện có khoảng 4.600 trí thức có mặt ở tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, với cơ cấu ngày càng hợp lý, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ.
Đại đa số trí thức tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, yên tâm với công việc, năng động, sáng tạo, tích cực tự học, tự rèn luyện nâng cao trình độ, thích ứng nhanh với yêu cầu công việc, có nguyện vọng đem tài năng cống hiến cho quê hương.
Đặc biệt trí thức là cán bộ, công chức, viên chức, có hơn 2.100 trí thức đều được rèn luyện qua thực tiễn công tác, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; năng động, sáng tạo, hăng hái thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ngành Giáo dục có gần 2.200 cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn và có gần 50% là đảng viên. Ngành Y tế có 57 bác sĩ (4 bác sĩ chính, 1 chuyên khoa II, 27 chuyên khoa I, 1 thạc sĩ, 24 bác sĩ đa khoa); 31 dược sĩ, 4 kỹ thuật viên, 73 điều dưỡng, 37 hộ sinh đều có trình độ cao đẳng, đại học.
Ngành Nông nghiệp có đội ngũ cán bộ giỏi, đa số có chuyên môn đại học (31người) gắn bó mật thiết với nông dân, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp huyện.
GÓP TRÍ TUỆ XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG
Với lực lượng khá đông đảo và chất lượng, đội ngũ trí thức đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình khoa học, đề tài sáng kiến ở các lĩnh vực đã đem ra áp dụng, mang lại hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch - vững mạnh.
Trí thức ở các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào việc đổi mới hoạt động hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu tình hình hiện nay, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, nhất là cải cách hành chính.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa ra yêu cầu phát triển bền vững với mục tiêu tổng quát: “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp; dân chủ, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng huyện Châu Thành phát triển bền vững trong vùng kinh tế - đô thị Trung tâm” với mục tiêu trọng tâm trước mắt: Xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2023. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, một trong những yêu cầu đặt ra đối với huyện là phải huy động đồng bộ các nguồn lực để phát triển, trong đó quan tâm thực hiện tốt công tác phát triển nguồn nhân lực mà xây dựng đội ngũ trí thức và làm cho đội ngũ này giữ vai trò quan trọng hàng đầu có ý nghĩa quyết định. Huyện ủy Châu Thành đã đề ra những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cho công tác xây dựng đội ngũ trí thức, đó là: Quán triệt nghiêm túc, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với trí thức, cán bộ và công tác cán bộ để có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, vị trí trí thức và việc xây dựng đội ngũ trí thức. Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển đội ngũ trí thức đã đề ra và thường xuyên bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình mới. Chú trọng cả mặt lượng và chất, giữa việc xây dựng phát triển đi đôi với việc sử dụng, tạo điều kiện cho trí thức có cơ hội cống hiến tài năng, phát huy vai trò. Quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát triển đảng trong đội ngũ trí thức. Tạo môi trường thông thoáng, lắng nghe nguyện vọng trí thức, thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi để trí thức nâng cao trình độ chuyên môn và chính trị, phát huy tài năng, cống hiến sức trẻ, khai thác hiệu quả nguồn chất xám chất lượng cao, đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, phục vụ tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đóng góp vào sự phát triển chung ở địa phương. Thực hiện nghiêm túc các cơ chế chính sách cho trí thức được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với kết quả lao động sáng tạo làm động lực cống hiến. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức và khuyến khích việc tự đào tạo nhằm chuẩn hóa đội ngũ. Đổi mới công tác cán bộ, mạnh dạn tiến cử, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ là trí thức có đạo đức, thực tài, chuyên môn, bảo đảm công khai, minh bạch trong các khâu tuyển dụng, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ theo phân cấp quản lý, từ đó nâng cao chất lượng trí thức là cán bộ, công chức, viên chức các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. |
Trong đóng góp của các trí thức, những đóng góp trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội là hết sức quan trọng, đã huy động lực lượng trí thức thực hiện các đề án, đề tài, mô hình, sáng kiến.
Điển hình lĩnh vực nông nghiệp có 7 đề tài, qua đó kịp thời chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Lĩnh vực giáo dục có hơn 1.000 sáng kiến kinh nghiệm đã được vận dụng vào giảng dạy và học tập, đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.
Lĩnh vực y tế đã nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả nhiều tiến bộ y học vào chăm sóc sức khỏe nhân dân; có 62 công trình, 60 sáng kiến khoa học và bước đầu ứng dụng kỹ thuật cao: Chạy thận nhân tạo, nội soi, siêu âm tầm soát di tật thai nhi. Lĩnh vực văn hóa có đề án xây dựng văn hóa nông thôn mới toàn diện, giàu bản sắc dân tộc.
Lĩnh vực lịch sử được quan tâm, đã biên soạn, xuất bản 6 công trình lịch sử, 7 kỷ yếu ngành và 23 lịch sử đảng bộ xã - thị trấn... góp phần giáo dục lịch sử cách mạng truyền thống địa phương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Lĩnh vực công nghệ - thông tin đã đẩy mạnh ứng dụng với cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác, tiến đến Chính quyền số.
NGUYỄN MINH TÂM