Sáng mãi bản anh hùng ca về người phụ nữ Việt Nam!
Ngày 20/10 là Ngày Phụ nữ Việt Nam để hằng năm tôn vinh phụ nữ Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ được thành lập, với nhiều tên gọi khác nhau trong từng giai đoạn của cách mạng, đến nay là Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu, phụ nữ Việt Nam đóng góp vô cùng to lớn vào cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nữ Cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam là Nguyễn Thị Minh Khai. Chị Võ Thị Sáu hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, năm 1993, chị được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nữ anh hùng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam ta là bà Nguyễn Thị Chiêm. Bà được phong anh hùng khi mới 22 tuổi, quê ở Kiến Xương, Thái Bình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc ít người dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 2 ngày 31/5/1956 tại Thủ đô Hà Nội. (Ảnh tư liệu) |
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam với đội quân “tóc dài” làm nên đồng khởi Bến Tre. Đồng bào và cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng miền Nam, gọi nữ tướng với cái tên gọi gần gũi, thắm thiết “Cô Ba Định”. Bà Đinh Thị Vân, Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, là một tình báo viên nổi tiếng trong cuộc kháng chiến trống Mỹ cứu nước. Bà được Đảng và Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Người sinh viên yêu nước, can đảm, chiến sĩ biệt động Võ Thị Thắng với “Nụ cười chiến thắng”. Bà được Đảng và Nhà nước truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm…
Hình ảnh mẹ Suốt, mẹ Thứ tô thắm cho trang sử vẻ vang của Phụ nữ Việt Nam. Nhà ngoại giao xuất sắc Nguyễn Thị Bình trong bàn đàm phán của Hội nghị Paris, buộc Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam và cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Sau này bà Nguyễn Thị Bình là Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong thời kỳ đầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Anh hùng lao động Phan Thị Vách, quê nhãn Hưng Yên, người được mệnh danh là kiện tướng trên công trường Bắc - Hưng - Hải năm xưa, bà được gặp Bác Hồ 22 lần và 2 lần được thưởng huy hiệu của Người.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tuyền tuyến lớn miền Nam. Đồng thời, ngày đêm chống trả chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. Phụ nữ miền Bắc với phong trào “Ba đảm đang”, “Chắc tay súng, vững tay cày”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Phụ nữ miền Bắc vừa chiến đấu vừa thi đua lao động sản xuất. Gương sáng hy sinh của 10 cô gái Đồng Lộc, để bảo vệ huyết mạch giao thông chi viện cho miền Nam, làm nên tượng đài bất tử của Phụ nữ Việt Nam và còn biết bao người mẹ Việt Nam anh hùng thầm lặng, dung dị, mộc mạc đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, động viên chồng, con đi chiến đấu, đảm đang việc nước, việc nhà, vững vàng, gan dạ, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Họ đã cống hiến cho đất nước những người chồng, người con vô cùng yêu quý.
Ngày nay, phụ nữ có nhiều cơ hội để phát huy năng lực sở trường của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phụ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bộ trưởng, Thứ trưởng; lãnh đạo chủ chốt của các địa phương; Đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp. Cũng nhiều phụ nữ là sĩ quan cấp tướng trong quân đội, công an. Nhiều phụ nữ giữ trọng trách ở các Cơ quan Tư pháp của nước ta. Phụ nữ sĩ quan quân đội, công an tham gia vào lực lượng giữ gìn hoà bình của Liên Hợp Quốc.
Nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Trong lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật có nhiều gương mặt phụ nữ được phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Ở các đấu trường thể thao khu vực và thế giới, nhiều phụ nữ đã đem về cho Tổ quốc Huy chương các loại…
Ba nhà khoa học xuất sắc Việt Nam đã được vinh danh ở thứ hạng cao trong Top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á, đó là Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Hoá sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà, Đại học Tôn Đức Thắng, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong kinh tế, thương trường, Việt Nam không chỉ ghi nhận những doanh nhân, đại gia là nam giới mà còn có rất nhiều “nữ tướng” quyền lực trong các doanh nghiệp. Họ là những “bóng hồng” được nhiều người nể phục như tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, “nữ tướng” Mai Kiều Liên, Thái Hương, nữ doanh nhân quyền lực ASEAN, nữ tướng vàng thời trang Cao Thị Ngọc Dung, “Bà trùm” thuỷ sản Trương Thị Lệ Khanh, nữ doanh nhân Trương Thị Việt Nga, CEO Nuti Food Trần Thị Lê, doanh nhân quyền lực Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Mai Thanh...
Phụ nữ Việt Nam năng động, sáng tạo trong công việc không thua kém giới “mày râu”, được tôn vinh trong xã hội nhưng không bao giờ quên đi vai trò của mình là người con, người mẹ, người vợ trong cuộc sống gia đình. Họ luôn là điểm tựa vững chắc, là người xây dựng tổ ấm của mỗi gia đình.
Không ai có thể phủ nhận được vai trò to lớn của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Cho nên người phụ nữ xứng đáng được tự hào, tôn vinh và ngợi ca.
Ngày 20/10 hằng năm là dịp để xã hội và mỗi gia đình tôn vinh, ghi nhận công lao đóng góp của người phụ nữ.
Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày phụ nữ Việt Nam, xin chúc phụ nữ Việt Nam sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt, có thêm nhiều “bông hồng”, để đất nước ngày càng giàu, đẹp, văn minh.
Sáng mãi bản anh hùng ca về người phụ nữ Việt Nam!
(Theo dangcongsan.vn)