Thứ Hai, 24/10/2022, 17:24 (GMT+7)
.

Tán thành ban hành nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức

ĐBQH thống nhất áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.

a
Đoàn TPHCM thảo luận tại tổ chiều 24-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đáng chú ý, về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ trình Quốc hội nêu rõ: Hiện nay, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau.

Cụ thể, với vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, quy định hiện hành nêu rõ thời hiệu kỷ luật đảng là 5 năm; thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 2 năm. Với mức kỷ luật cảnh cáo, thời hiệu kỷ luật đảng là 10 năm, kỷ luật hành chính là 5 năm. Vì sự khác nhau này, thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính, các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu theo quy định của luật. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm quy định “kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính”.

Đồng thời, việc này cũng không đúng với chủ trương xử lý kỷ luật nghiêm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng. Để khắc phục vướng mắc này, cần sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, quy trình sửa đổi luật cần có thời gian vì phải thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định.

Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV để quyết nghị việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan.

Cụ thể: “Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức".

Thảo luận về nội dung này, tại đoàn ĐBQH TPHCM, ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM) và các ý kiến đều tán thành với tờ trình của Chính phủ về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

a
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán, tham mưu thêm cho Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức khi vi phạm pháp luật.

Theo ĐB Dương Ngọc Hải thời gian qua nhiều cán bộ, công chức đã vi phạm kỷ luật, bị kỷ luật đảng, nhưng chưa xử lý hành chính được với cán bộ công chức, dẫn đến nhiều trường hợp né được xử lý kỷ luật hành chính vì hết thời hiệu. Do đó, rất tán thành việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này ngay trong kỳ họp thứ 4 này. Tuy nhiên, về lâu dài, nên sửa Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

a
ĐB Dương Ngọc Hải  (TPHCM) phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thực tế trong thời gian qua, không ít trường hợp khi xử lý về mặt đảng rồi thì lướt qua, không xử lý về mặt chính quyền… Ví dụ cách chức Phó Bí thư, nhưng vẫn còn chức Chủ tịch UBND. Vì vậy thời gian xử lý về mặt đảng với chính quyền chưa khớp. Đảng thì xử lý rất nghiêm, chính quyền thì không xử lý ngay.

Do đó, ĐB thống nhất áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.

“Kể cả với những người không phải là đảng viên. Hễ là công chức, viên chức, dù không là đảng viên cũng xử lý như vậy”, ĐB Phạm Văn Hòa phát biểu. Đồng thời cho rằng, Quốc hội thông qua trong 1 kỳ họp và lồng ghép vào Nghị quyết chung của kỳ họp, không ban hành nghị quyết riêng.

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng tán thành Quốc hội ban hành Nghị quyết ngay trong kỳ họp này và có hiệu lực ngay để đồng bộ với các quy định của đảng.

Theo sggp.org.vn


 

 

.
.
.