50 năm Hiệp định Paris - Mốc son lịch sử nền ngoại giao cách mạng Việt Nam
Chiều 29/11, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “50 năm Hiệp định Paris - Mốc son lịch sử”.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (23/01/1973-23/01/2023) - đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Phạm Minh Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Nguyễn Văn Nhật, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến, tham luận của các nhà khoa học uy tín, các nhà lãnh đạo, quản lý giàu kinh nghiệm trong công tác ngoại giao của nhiều bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương thống nhất đánh giá, thắng lợi của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris đã phản ánh tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý, giành độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam.
Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hiệp định Paris còn là minh chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.
Thắng lợi của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris đã và đang tiếp sức cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thêm vững tin để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đối ngoại và hợp tác quốc tế; nâng cao năng lực hội nhập, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do; lồng ghép với các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội; phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.
Từ nhiều góc độ khác nhau, các ý kiến tham luận đánh giá sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nhất nước; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay; tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp của các thành viên phái đoàn đàm phán, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ Hội nghị, thi hành Hiệp định Paris và các tầng lớp nhân dân đã làm nên thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam nói riêng, của cách mạng Việt Nam nói chung; khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Theo nhandan.vn