.

"Trái tim vĩ đại" trong những trái tim nhân loại

Cập nhật: 09:58, 28/11/2022 (GMT+7)

Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen (Friedrich Engels) là nhà lý luận chính trị, triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX, đã cùng với Các Mác (Karl Marx) sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Ông sinh ngày 28-11-1820 ở thành phố Ba-rơ-men, tỉnh Rê-ni của Vương quốc Phổ (hiện nay là một phần của nước Đức).

V.I.Lênin đã khẳng định, Ph.Ăng-ghen là một “bó đuốc sáng ngời” trong những trí tuệ anh minh, là một “trái tim vĩ đại” trong những trái tim nhân loại. Ph.Ăng-ghen, người chiến sĩ và người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, đời đời sống mãi!

ĐẤU TRANH VÌ HÒA BÌNH, VÌ SỰ TIẾN BỘ XÃ HỘI

Gia tộc của ông sở hữu một khối lượng tài sản khổng lồ gồm các cơ sở sản xuất hàng dệt may và buôn bán hàng dệt may. Cha của Ph.Ăng-ghen muốn Ph.Ăng-ghen trở thành thương gia và sau này sẽ là người kế nghiệp mình. Vì thế khi Ph.Ăng-ghen chưa tốt nghiệp trung học, ông đã phải chuyển sang học nghề buôn theo quyết định của cha mình. Mặc dù phải làm theo ý của cha nhưng khát vọng của Ph.Ăng-ghen không phải trở thành một nhà tư bản giàu có. Vì sống trong dòng tộc tư bản công nghiệp, ông hiểu rất rõ sự giàu có của các nhà tư bản hình thành trên sự nghèo đói của công nhân như thế nào. Ông muốn đứng trong hàng ngũ của những người có lý tưởng nhân đạo, muốn hoạt động để xóa bỏ sự nghèo nàn, tủi nhục.

Khát vọng này từng bước đã được ông thực hiện, nhất là từ khi gặp Các Mác lần thứ hai vào tháng 8-1844 tại Pari. Bắt đầu từ thời gian này trở đi, Ph.Ăng-ghen và Các Mác trở thành những người bạn gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời để cùng xây dựng lên các học thuyết định hướng cho hoạt động của giai cấp công nhân và nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột. Các ông đã trở thành những chiến sĩ, những người đồng chí, những lãnh tụ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đấu tranh vì hòa bình, vì sự tiến bộ xã hội.

Ngoài việc xây dựng “vũ khí lý luận” cho giai cấp vô sản, Ph.Ăng-ghen còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, dành nhiều thời gian, công sức truyền bá tư tưởng, lý luận cách mạng và khoa học của Các Mác, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân.

Năm 1864, Các Mác đã sáng lập ra “Hội Liên hiệp Lao động quốc tế” và lãnh đạo Hội đó suốt trong 10 năm. Ph.Ăng-ghen cũng đã tham gia tích cực vào công tác của Hội đó. Hoạt động của Hội đã đoàn kết được vô sản ở tất cả các nước - có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của phong trào công nhân. Qua đó, người ta có thể nói vai trò của Ph.Ăng-ghen, với tư cách là người lãnh đạo thực sự của phong trào công nhân, làm cho phong trào công nhân phát triển không ngừng.

Sau khi Các Mác mất, Ph.Ăng-ghen vẫn một mình tiếp tục làm người cố vấn và chỉ đạo cho những người xã hội chủ nghĩa ở châu Âu. Tất cả họ đều nhờ đến kho tàng tri thức và kinh nghiệm phong phú của Ph.Ăng-ghen. Ngày 5-8-1895, Ph.Ăng-ghen từ trần ở Luân Đôn (Anh).


DI SẢN VỀ TẤM GƯƠNG NHÂN HẬU, THỦY CHUNG, KHIÊM NHƯỜNG

Ngay từ nhỏ, Ph.Ăng-ghen căm giận những chủ xưởng giàu có, bề ngoài ra vẻ mộ đạo, siêng năng đi lễ nhà thờ nhưng lại bắt trẻ con làm việc cực nhọc cả ngày để kiếm vài xu, để chúng chết dần, chết mòn cùng cha mẹ chúng đang bị vắt kiệt sức trong các xí nghiệp. Ông yêu thích Dichprit, Telơ, Phaoxtơ vì trong văn học Đức, theo ông, đây là những nhân vật tiêu biểu cho cuộc đấu tranh chống áp bức, những nhân vật tượng trưng cho lòng dũng cảm, tinh thần sẵn sàng hy sinh cũng như lòng khao khát hiểu biết.

Ông xem đó là những tấm gương và dự định sẽ hướng cuộc đời của mình theo tinh thần của họ, trung thành với lý tưởng nhân đạo và tự do mà họ đã đấu tranh và sẵn sàng chịu đựng để đạt được nó. Với lý tưởng như vậy, từng bước, từng bước ông đến với giai cấp vô sản, gắn bó với họ, thủy chung chiến đấu vì cuộc sống của họ cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Năm 1883 - năm Các Mác từ trần, khi nhiều ý kiến đề xuất tên của hai người là tên của lý luận, Ph.Ăng-ghen đã rất khiêm nhường bày tỏ quan điểm của mình với nội dung là: Tôi không hề phủ nhận công lao của tôi trong 40 năm cộng tác với Các Mác, nhưng những gì tôi đã làm thì không có tôi Các Mác vẫn có thể làm được, còn những gì Các Mác đã làm thì tôi và chúng ta chưa thể nào làm được, Các Mác đứng cao hơn tôi một cái đầu, nhìn xa hơn tôi một tầm, Các Mác là thiên tài còn chúng ta giỏi lắm chỉ là người có tài mà thôi, tôi chỉ xứng đáng là cây vĩ cầm thứ hai đứng bên cạnh Các Mác, bởi vậy học thuyết này xứng đáng được mang tên của Các Mác.

Đối với bạn bè, tấm lòng nhân hậu, thủy chung, khiêm nhường của Ph.Ăngghen cũng luôn mẫu mực. Quan hệ với Các Mác và gia đình Các Mác là ví dụ điển hình. Các Mác và Ph.Ăng-ghen gắn bó với nhau trước hết và quan trọng nhất vì tư tưởng, lý tưởng của các ông thống nhất với nhau nhưng gia cảnh của các ông thì rất khác nhau.

Từ năm 1849 cho đến năm 1883 (năm Các Mác từ trần), Các Mác và gia đình sống ở Luân Đôn. Đây là thời gian tư tưởng về các lĩnh vực của Các Mác và Ph.Ăng-ghen đã bước vào giai đoạn phát triển, nhiều lĩnh vực đã chín muồi và sự chống phá về tư tưởng của các thế lực thù địch với giai cấp vô sản cũng diễn ra rất khốc liệt. Việc thể hiện thành tác phẩm những tư tưởng khoa học về cách mạng vô sản và chống các luận điểm mị dân, xuyên tạc của các học giả tư sản là nhu cầu rất cấp thiết nhưng đây cũng lại là thời kỳ gia đình Các Mác cực kỳ khó khăn về kinh tế.

Trong bối cảnh ấy, Ph.Ăng-ghen luôn là người chung lưng gánh vác cùng Các Mác. Tháng tháng, vào những ngày nhất định, Ph.Ăng-ghen lại gửi tiền về Luân Đôn cho gia đình Các Mác. Ngay cả trước khi từ trần, trong di chúc, Ph.Ăng-ghen cũng không quên để lại một phần tài sản của mình cho những người thân trong gia đình Các Mác.

Tình bạn thủy chung, son sắt của Các Mác và Ph. Ăng-ghen - Tranh: Tư liệu (nguồn: tapchicongsan.org.vn).
Tình bạn thủy chung, son sắt của Các Mác và Ph. Ăng-ghen - Tranh: Tư liệu (nguồn: tapchicongsan.org.vn).

Sự giúp đỡ của Ph.Ăng-ghen đối với Các Mác không thuần túy chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Khi Các Mác từ trần, bộ “Tư bản” được đánh giá là bộ kinh điển mẫu mực thể hiện quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về xã hội, được Các Mác coi là “sự nghiệp của cuộc đời mình”, mới xuất bản được tập I vào năm 1867, các tập còn ở dạng bản thảo viết tay của Các Mác. Nếu không xuất bản thành sách, những nội dung còn lại của “Tư bản” sẽ bị xuyên tạc. Vì lợi ích của giai cấp vô sản và cũng vì Các Mác, Ph.Ăng-ghen đã dừng tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” - tác phẩm đang chuẩn bị dang dở của mình - tập trung hơn chục năm còn lại của cuộc đời để chỉnh lý, bổ sung nội dung và bỏ tiền của mình xuất bản được tập II vào năm 1885, tập III vào năm 1894. Bằng việc xuất bản tập II và tập III của bộ “Tư bản”, Ph.Ăng-ghen đã dựng cho người bạn của mình một tượng đài trang nghiêm, vĩnh cửu mà trên tượng đài đó, Ph.Ăng-ghen không ngờ ông cũng đã để lại tên ông bằng những nét vàng không bao giờ phai nhạt.

HỮU TƯỜNG (tổng hợp)

 

.
.
.