Báo Đảng làm gì để giữ vai trò nòng cốt, chủ lực dẫn dắt trong định hướng dư luận?
Là lực lượng quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, trước những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, nhất là trong bối cảnh khoa học-công nghệ phát triển không ngừng, báo Đảng cần làm gì để giữ vai trò nòng cốt, chủ lực dẫn dắt trong định hướng dư luận? Đây là nội dung được trao đổi tại Hội nghị nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc.
Tại Hội nghị nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc ngày 12/11, các nhà quản lý, chuyên gia báo chí truyền thông đã phân tích sâu, đề xuất nhiều giải pháp đối với các nội dung hữu ích, đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay của các cơ quan báo Đảng.
Cần tăng tính phản biện mạnh mẽ, không tô hồng quá mức
Để có những bước đột phá quan trọng trong đổi mới sáng tạo về tuyên truyền lĩnh vực xây dựng Đảng, một lĩnh vực vốn được đánh giá là "khó, khô, khổ", ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng các cơ quan báo Đảng địa phương tiếp tục rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị của đội ngũ những người làm các cơ quan báo Đảng. Cần thay đổi tư duy từ lãnh đạo. Đặc biệt bỏ cơ chế làm thay, bao cấp.
Báo Đảng thực sự phải là tài liệu thiết yếu của mỗi tổ chức Đảng, phải cung cấp trước tiên các thông tin quan trọng, phản ánh tâm tư của người dân, doanh nghiệp. Cân đối các thông tin về tuyên truyền chính sách với các thông tin đời sống dân sinh. Cần tăng tính phản biện mạnh mẽ, không tô hồng quá mức.
Quan tâm đầu tư đến công tác con người. Với đội ngũ lãnh đạo làm báo, cố gắng đầu tư quy hoạch người lãnh đạo ngay tại chỗ do làm báo có đặc thù riêng nên cần phải có người làm những công tác tương đồng. Cần đào tạo, bồi dưỡng những phóng viên, biên tập viên ngay tại chỗ.
Theo ông Trần Thanh Lâm, đối với yêu cầu đổi mới công nghệ làm báo, các cơ quan báo Đảng cần nhanh chóng ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ mới nhất trong quá trình tác nghiệp, sản xuất các sản phẩm báo chí trong kỷ nguyên số. Các tòa soạn báo cần khẩn trương nắm bắt và thực hiện công tác chuyển đổi số đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi mới trong tác nghiệp và xuất bản. Tích cực sử dụng các công nghệ truyền thông mới để mở rộng các hình thức thông tin nhằm lan tỏa hiệu quả thông tin chính thống tới độc giả, khán giả, thính giả.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. |
Nhà nước phải là "khách hàng lớn" của cơ quan báo chí
Trao đổi về chủ đề "Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho báo Đảng", ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong bức tranh phát triển báo chí toàn quốc, cả nước hiện có 63 cơ quan báo Đảng địa phương, trong đó có 56 báo thực hiện 2 loại hình báo in và báo điện tử, có 5 báo chưa có báo điện tử (chỉ có trang thông tin điện tử tổng hợp). Về cơ chế chính sách, đa số báo Đảng địa phương tự chủ một phần về tài chính; trong đó, nhiều cơ quan tự chủ hoàn toàn trong chi thường xuyên.
Khó khăn hiện nay mà các báo Đảng gặp phải là xu hướng chung là chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn đa phương tiện, dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Ở mô hình này, nhà báo không chỉ là người sáng tạo nội dung mà còn phải là một chuyên gia về công nghệ.Trong khi điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, tài chính hạn chế, nhân lực làm báo cần được đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin…
Do đó, ông Nguyễn Thanh Lâm đề xuất cần xây dựng và củng cố nhận thức mới về vai trò của Nhà nước trong việc chủ động truyền thông chính sách, và thực hiện một phần việc này thông qua báo Đảng. Nhà nước phải là "khách hàng lớn" của cơ quan báo chí, giao thêm nhiệm vụ (cùng nguồn lực, kinh phí) và đặt hàng, qua đó giúp cho hệ thống báo Đảng địa phương có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế thông tin thông suốt trong hệ thống báo Đảng từ Trung ương tới địa phương để hình thành hệ thống báo chí dữ liệu; có sự phân vai trong thông tin tuyên truyền, tránh để tất cả các báo Đảng cùng chung một "phong cách làm nội dung" từ văn phong cho đến đề tài. Nên chăng có ý tưởng tổ chức các báo Đảng địa phương thành các Cụm thi đua để có các nhiệm vụ mang tính chuyên biệt hơn giữa các cụm, vùng.
Báo Đảng địa phương cần tăng cường vai trò phản biện chính sách theo hướng xây dựng để thể hiện vai trò của Đảng luôn đồng hành cùng Nhân dân, vì lợi ích Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng. Tăng cường công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường việc xác tín thông tin, phản bác tin giả, tin đưa không đúng bản chất, không khách quan về tình hình địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu. |
Đặt quan điểm vì lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu
Trao đổi tại phiên thảo luận chuyên đề nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, báo chí cách mạng đều hướng đến mục tiêu cao cả vừa bảo đảm định hướng tuyên truyền, vừa có thế trận, lực lượng để phục vụ người đọc, đề nghị các nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí cần quan tâm đến tính nhân văn trong báo chí.
Theo đó, báo chí phải đi sâu, đi sát các lĩnh vực, đặt quan điểm vì lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu trong tiêu chí hoạt động, trên cơ sở đó triển khai đến người đọc các đề tài báo chí cho phù hợp.
"Cần xác định viết cho ai, để làm gì, từ đó xác định cách viết như thế nào cho phù hợp từng đối tượng, cách viết cũng cần ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh nghề làm báo Đảng vừa phải hướng đến đường lối, chủ trương của Đảng, vừa phải hướng đến lòng dân.
Ông cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần tiếp tục xây dựng lực lượng báo chí tinh nhuệ, rà soát chất lượng đào tạo báo chí, cũng như quy hoạch sử dụng, bố trí hợp lý nguồn nhân lực này trong thế trận báo chí nước nhà hướng đến hội nhập hiện đại.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh báo chí phải quyết tâm, kiên quyết đấu tranh với những cái xấu, giữ gìn sự trong sáng, không để ngòi bút bị bẻ gãy, đồng thời phải quan tâm đến sự hài lòng của nhân dân. "Việc gì được nhân dân ủng hộ, đồng tình thì sẽ thành công, và các cơ quan báo chí cũng vậy", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định. Đồng thời đề nghị cần lan tỏa tinh thần này không chỉ trong các cơ quan báo Đảng, mà trên cả hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. |
Cũng trao đổi về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng cho rằng các cơ quan báo Đảng cần tổ chức tốt công tác tiếp cận thông tin để một mặt nâng cao tính cạnh tranh về sự nhanh nhạy thông tin, mặt khác tổ chức các tuyến bài viết có chiều sâu, phân tích, luận giải, lan tỏa mạnh mẽ các vấn đề lớn của địa phương mà dư luận đang quan tâm.
Đặc biệt, nguồn tin trên báo Đảng phải chính xác, có chọn lọc và có định hướng. Thông tin trên mạng xã hội tạo ra những dòng chảy dư luận rất phức tạp, thì thông tin trên báo Đảng phải bảo đảm tính xác thực. Người làm báo Đảng phải đi trên đôi chân: Pháp luật và đạo đức.
Chủ động tận dụng mạng xã hội để lan tỏa thông tin tích cực
Tham gia thảo luận tại chuyên đề "Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng", nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng biên tập Báo điện tử Chính phủ đã chia sẻ những thông tin hữu ích trong sử dụng mạng xã hội phục vụ thông tin, truyền thông; khuyến nghị nhiều nội dung nhằm nâng cao vai trò vị thế của Báo Đảng, Tổng Biên tập các báo Đảng.
Theo ông Nguyễn Hồng Sâm, trong bối cảnh xã hội số, thông tin số như ngày nay, thế giới phẳng, công tác thông tin truyền thông trở nên cấp thiết, truyền thông làm sao để người dân biết, hiểu, đồng thuận, góp ý trên tinh thần xây dựng, cùng tham gia là vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng. Đương nhiên, việc chủ động tham gia mạng xã hội là một trong những công việc bắt buộc trong quá trình trên.
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng biên tập Báo điện tử Chính phủ chia sẻ nhiều nội dung nhằm nâng cao vai trò vị thế của Báo Đảng, Tổng Biên tập các báo Đảng. |
"Đối với những người làm công tác truyền thông, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhà nhà có mạng wifi, người người có di động, chúng ta cần tận dụng bất kỳ công cụ truyền thông điệp nào chúng ta có để đưa thông tin nhanh nhất, sớm nhất, chuẩn nhất đến với người dân. Nếu chúng ta làm chậm thì mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh và phủ sóng thay các nguồn thông tin chính thống", nhà báo Nguyễn Hồng Sâm nói.
Ở Việt Nam hiện nay, Trang fanpage "Thông tin Chính phủ" trên mạng xã hội Facebook là một trong những điển hình sinh động nhất về tính hiệu quả, linh hoạt trong việc tận dụng mạng xã hội phục vụ truyền thông về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Có thể khẳng định, thời gian qua, trang "Thông tin Chính phủ" đã góp phần tích cực vào công tác này. Số lượng người theo dõi trang không ngừng tăng và hiện đang có khoảng hơn 3,6 triệu người theo dõi; số lượng tương tác tính trung bình/tuần đến nay khoảng 1 triệu; số tin, bài, clip xuất bản trung bình/ngày từ 7-12 tin (cao điểm thời sự là gần 30 tin).
Trang "Thông tin Chính phủ" được lãnh đạo Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế, các đại sứ quán đánh giá cao, có lượng truy cập, chia sẻ lớn, qua đó giúp lan tỏa thông tin về hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đưa Chính phủ đến gần hơn với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và bạn bè quốc tế. Thông tin từ đây phát ra sẽ được cộng đồng mạng chia sẻ, lan tỏa, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận.
Đặc biệt trang Fanpage "Thông tin Chính phủ" cũng là nền tảng thông tin quan trọng đăng các thông tin về chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch, các thông tin dịch tễ hữu ích.., góp phần ổn định dư luận xã hội trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, không chủ quan nhưng không hoang mang, nhất là khi xuất hiện bệnh nhân COVID-19 thứ 17 tại Hà Nội; Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm ở cộng đồng vào tháng 5/2020, hay lúc diễn biến dịch bệnh rất phức tạp tại TPHCM năm 2021.
Đồng thời, trang đã góp phần chủ lực trong việc điều chỉnh, định hướng hành vi hành chính, tháo gỡ các điểm nóng dư luận (vụ việc "bánh mì" ở Khánh Hòa, khuyến cáo việc tuân thủ Nghị quyết 128 của Chính phủ, làm rõ những vấn đề cần lưu ý trong việc phục hồi và phát triển kinh tế...).
Bên cạnh đó, trang đã góp phần rất tích cực vào công tác phòng, chống bão, lũ miền Trung qua việc cập nhật từng phút về diễn biến cơn bão, đợt lũ và công tác ứng phó. Trang đã đăng tải nhiều tin, bài về những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng, chống, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra; chia sẻ thông tin cảnh báo, công tác cứu trợ, hỗ trợ; chia sẻ với những thiệt hại mà các chiến sĩ, nhân dân gặp phải trong thiên tai; góp phần ổn định dư luận xã hội trong bối cảnh các thế lực xấu có ý đồ lợi dụng tình hình để kích động.
Các số liệu từ Crowdtangle (công ty thuộc Facebook) cho thấy xét về độ tương tác, trong 6 tháng đầu năm 2020, trang Facebook "Thông tin Chính phủ" vượt qua trang Facebook của một số báo nhiều người đọc nhất Việt Nam. Điều đó cho thấy không nhất thiết phải là những thông tin đời tư về ngôi sao, ca sĩ, nghệ sĩ, cầu thủ… thì mới có sự tương tác, mới thu hút mà thông tin của trang đưa ra đều là thông tin chính thống về chỉ đạo điều hành, sát với cuộc sống người dân và rất thiết thực với nhu cầu thông tin của Nhân dân, do đó lượng người đọc tham gia tương tác rất lớn.
"Việc chủ động tham gia mạng xã hội không chỉ đơn thuần là lập ra một trang fanpage đại diện cho cơ quan mình để truyền tải các nội dung. "Hiểu, chủ động tham gia mạng xã hội cũng cần đến việc lắng nghe "hơi thở, tiếng lòng của nhân dân", những vấn đề mà người dân thực sự quan tâm, có ảnh hưởng sâu sát tới đời sống của họ, đồng thời cần tuyệt đối tránh khuynh hướng "lá cải", "câu view", hay "chạy theo" thị hiếu của một bộ phận công chúng…", nhà báo Nguyễn Hồng Sâm cho hay.
Phát huy những kết quả đạt được từ việc vận hành fanpage "Thông tin Chính phủ" tiếng Việt trên Facebook, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tiếp tục đưa vào vận hành thêm 3 tài khoản mạng xã hội tiếng nước ngoài phục vụ mục tiêu đối ngoại, gồm tài khoản Twitter tiếng Anh (@VNGovtPortal), tài khoản Twitter tiếng Trung (@VGPzhnews), cùng với Fanpage song ngữ Anh+Trung trên Facebook (@VNGov); đồng thời bắt đầu thử nghiệm vận hành trang Youtube với số lượng người tương tác tăng 130% mỗi tháng.
Các đại biểu thảo luận chuyên đề phát triển phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng |
Mạng xã hội không thể thay thế báo chí chính thống
Theo nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, việc chủ động tham gia mạng xã hội cần sự an toàn, linh hoạt, nhạy bén, hiệu quả. Tùy từng loại hình, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, chúng ta cần lựa chọn việc tham gia một cách phù hợp, có thể là lập đại diện trên trang mạng xã hội hoặc không, nhưng việc nắm bắt thông tin trên mạng xã hội là rất cần thiết cho công tác chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm cũng khẳng định báo chính thống phải là kênh chủ lực, còn mạng xã hội không thể thay thế báo chí chính thống, nhất là đối với báo Đảng.
Với tư cách là người làm báo Đảng nhiều năm, luôn trăn trở làm gì để bảo Đảng giữ được vai trò nòng cốt, chủ lực dẫn dắt trong định hướng dư luận, truyền thông về hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp, nhất là công tác chỉ đạo ở các địa phương, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm cho rằng bên cạnh công việc chuyên môn, Tổng Biên tập các tờ báo Đảng địa phương cần chủ động thực hiện điểm tình hình dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành và những vấn đề nóng nhất diễn ra trên địa bàn và có tham mưu giúp lãnh đạo đưa ra các giải pháp xử lý các vấn đề. Chủ động truyền thông các thông tin, bảo đảm tính chính thống, chính xác, nhanh, có tính dẫn dắt và định hướng.
"Chúng ta cần chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông theo tuần, theo tháng, năm. Tham mưu lãnh đạo địa phương các sự kiện quan trọng, tham mưu trong chỉ đạo điều hành, góp ý cho các bài phát biểu, làm sao dễ đến với người dân. Chủ động, linh hoạt tham gia xử lý các sự cố truyền thông trên địa bàn. Những việc như vậy sẽ nâng cao vị thế báo Đảng, Tổng biên tập báo Đảng các địa phương", nhà báo Nguyễn Hồng Sâm đề nghị.
Trả lời câu hỏi của bạn đọc về kinh nghiệm vận hành các nền tảng, trong đó có fanpage Chính phủ với công việc hằng ngày đăng tải những thông tin về tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, việc làm thế nào để thông tin hay, hấp dẫn, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm cho biết có những nguyên tắc sau: Thứ nhất, cần có công nghệ hiện đại, rất hiện đại. Thứ hai, nội dung chỉ đạo điều hành phải rất súc tích, ngắn, ấn tượng. Trong thể hiện phải bám theo hơi thở cuộc sống (phải bắt trend), những vấn đề rất nóng, thời sự. Chú ý đưa nội dung hồn cốt nhất của văn bản. Ví dụ, Cổng TTĐT Chính phủ đăng tải thông tin về công điện của Chính phủ chỉ đạo điều hành về cung ứng xăng dầu, đã lựa chọn cụm thông tin súc tích nhất: Không để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu bằng mọi giá. Thứ ba, có người vận hành chuyên nghiệp, tận tâm, đam mê, giỏi đồ họa, công nghệ. Thứ tư, kiểm soát thật tốt bình luận. Để làm được điều này cần áp dụng các thuật toán và kỹ năng xử lý. Nếu không thể kiểm soát tốt thì không nên dùng mạng xã hội vì đây là con dao 2 lưỡi. Cần định hướng dư luận, do đó cần có kỹ năng đưa thông tin mồi để thảo luận, bình luận, định hướng. Nếu không có định hướng, thông tin tích cực có thể bị hiểu sai. Thêm vào đó, cần trình bày đẹp mắt, nổi rõ thông điệp của mình. |
Theo chinhphu.vn