Thứ Hai, 07/11/2022, 08:26 (GMT+7)
.

Chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Tối 6-11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã long trọng tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022. Đây là hoạt động điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ.

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục, pháp luật Trung ương; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và đại diện lãnh đạo một số địa phương.

a
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Ban, Bộ, ngành tham dự buổi Lễ. Ảnh: TH.

Tinh thần Ngày Pháp luật đã và đang được lan tỏa

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận tổ quốc Việt Nam; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; nỗ lực của các cơ quan, cùng với sự chủ động tham mưu của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và của ngành Tư pháp, việc triển khai Ngày Pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tinh thần Ngày Pháp luật đã và đang được lan tỏa, thẩm thấu sâu hơn trong đời sống xã hội, góp phần trực tiếp vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và qua đó góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

 Năm 2022 là năm thứ 10 hưởng ứng Ngày Pháp luật. Các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương trong cả nước đã và đang thực hiện Kế hoạch tổ chức Sự kiện quan trọng này bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo. Đặc biệt, trong 2 tháng cao điểm tổ chức hưởng ứng, các hoạt động đã diễn ra sôi nổi trên khắp mọi miền đất nước, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các Ngành, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận và tích cực tham gia.

“Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam; sự đồng hành của các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương; đặc biệt là sự ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực hơn nữa của các tầng lớp nhân dân để Ngày Pháp luật Việt Nam ngày càng lan tỏa, thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân, tiếp tục góp phần xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật vì một nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

a
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long  phát biểu khai mạc. Ảnh: TL.

Tại buổi lễ, các khách mời tham dự giao lưu đã chia sẻ về các sáng kiến, giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), để đưa Ngày pháp luật vào cuộc sống tại các địa phương như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên không gian mạng, xây dựng các Cổng PBGDPL; chú trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng phong phú cho bà con vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành, tuân thủnghiêm các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước...

Theo bà Đỗ Thị Việt Hà (Đại biểu Quốc hội khoá XV, Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang), thượng tôn pháp luật đóng vai trò quan trọng, tuân thủ pháp luật không chỉ vì lợi ích của mình, mà vì cả lợi ích của cả xã hội. Bà Đỗ Thị Việt Hà mong muốn không chỉ có một Ngày pháp luật mà ngày nào cũng là Ngày pháp luật.

“Hãy sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật để sống cống hiến và hạnh phúc”, bà Việt Hà chia sẻ.

Gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Ngày 9/11/1946 là thời khắc lịch sử trọng đại, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam, được Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I thông qua. Sự kiện này mở ra một nền lập pháp Việt Nam thời đại mới với tư tưởng “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phản ánh cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới là quản lý xã hội bằng pháp luật, trên cơ sở đó tạo nền tảng để từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 9 tháng 11 với ý nghĩa trọng đại, mang tính biểu tượng sâu sắc đó đã được Đảng, Nhà nước lựa chọn là “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”. Điều đó được ghi nhận trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, khẳng định giá trị, vai trò của Hiến pháp, pháp luật đối với đời sống xã hội, lan tỏa tinh thần dân chủ - pháp quyền, ý thức chấp hành pháp luật, nhắc nhở chúng ta sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

a
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: TL.

Thủ tướng khẳng định, qua 10 năm tổ chức, Ngày Pháp luật Việt Nam được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân quan tâm hưởng ứng, được lan tỏa sâu rộng. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng đầy đủ, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch và thuận lợi; tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phục hồi, phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng hội nhập quốc tế. Công tác phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống…

“Có thể khẳng định, trong thành công chung của đất nước ta thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác pháp luật. Trong đó, việc nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nghiêm minh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội là một trong những điều kiện tiên quyết nhất”, Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận việc nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và đầu tư toàn diện cho xây dựng và phổ biến pháp luật chưa thật sự tương xứng; chất lượng xây dựng luật pháp chưa cao; tuyên truyền, phổ biến pháp luật thời gian qua có lúc, có nơi vẫn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, kịp thời, chưa tạo được hiệu ứng, tác động lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, kết quả còn hạn chế; chưa quan tâm đúng mức tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận người dân chưa cao; tình trạng vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, ngay cả trong hoạt động thực thi công vụ…

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, chúng ta đang tập trung xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị Trung ương 6 vừa qua đã thống nhất mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ những yêu cầu đó và đòi hỏi của thực tiễn, trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; khẩn trương triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó, tập trung đầu tư cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, một trong ba đột phá chiến lược. Đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển. Gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, đây là hai mặt của một quá trình thống nhất. Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện pháp luật.

Thủ tướng lưu ý muốn “đưa pháp luật vào cuộc sống” thì ngay từ khi xây dựng phải có các quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi, phù hợp với cuộc sống, phải “đưa hơi thở cuộc sống vào trong pháp luật”. Quan tâm, đầu tư nguồn lực, các điều kiện cần thiết tương xứng, tăng cường đội ngũ làm công tác pháp chế, tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị chú trọng, đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật với phương châm người dân là trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng theo hướng truyền thông chính thống có nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt dư luận, nhất là giới trẻ. Phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là chấp hành pháp luật. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, nhất quán, công khai, minh bạch.

Thủ tướng cho rằng công tác tổ chức thi hành pháp luật phải hướng về cơ sở. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN phải được chú trọng ngay từ cấp chính quyền gần dân nhất. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đi cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tổ chức thực hiện pháp luật.

a
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, cá nhân đạt thành tích xuất sắc qua 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên cả nước. Ảnh: TH.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiên tiến để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, trong tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật. Từ những hạt nhân nòng cốt này sẽ lan tỏa giá trị tích cực, củng cố niềm tin, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Tinh thần đó phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội. Việc xây dựng - phổ biến - thực thi - giám sát pháp luật được thực hiện tốt sẽ biến những giá trị văn hóa ấy thành nguồn lực quan trọng của quốc gia.

“Tôi mong rằng mỗi người dân Việt Nam đều có ý thức tuân thủ pháp luật để xây dựng xã hội văn minh, lịch sự, sớm hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng nói.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, cá nhân đạt thành tích xuất sắc qua 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên cả nước./.

Theo dangcongsan.vn


 

.
.
.