Thứ Năm, 24/11/2022, 07:01 (GMT+7)
.

Chuyện về "Chiến sĩ gang thép" Nguyễn Văn Quới

Đồng chí Nguyễn Văn Quới bí danh Bảy Quới, sinh năm 1911 tại làng Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, trở thành một hạt nhân nòng cốt trong phong trào cách mạng của xã nhà.

HẠT NHÂN NÒNG CỐT

Năm 1940, thực hiện sự phân công của tổ chức, đồng chí đi diễn thuyết ở một số xã ở quận Châu Thành, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đêm 22-11-1940, dân làng Long Hưng và các làng lân cận được thông báo Lệnh khởi nghĩa. Trống mõ vang trời. Đoàn người tay cầm dao, mác hoặc gậy gộc ùn ùn kéo ra lộ phía Nam cầu thầy Tùng. Tại đây, đồng chí Bảy Quới đứng trên mô đất cao đã lớn tiếng kêu gọi: “Hỡi bà con, anh em, giặc Pháp đã cướp nước ta, biến chúng ta thành nô lệ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cực khổ trăm bề. Còn bọn chúng và bè lũ tay sai, hương chức hội tề, mã tà thì sống phè phỡn trên đầu cổ chúng ta.

Nay thời cơ đã đến, giặc Pháp bị thua trận bên chính quốc. Chúng ta phải thừa cơ đứng lên giành lại chính quyền, san bằng đồn bót, giải tán hội tề, làm chủ quê hương thì mới có ấm no hạnh phúc. Đêm nay, ta phải hạ đồn Thạnh Phú, bà con, anh em có đồng lòng không?!”.

Đám đông hô to: “Đồng lòng, thà chết chớ không để mất nước!”. Thế rồi, đoàn người do đồng chí Bảy Quới dẫn đầu rầm rộ kéo ra chợ Xoài Hột. Tại đây, lực lượng khởi nghĩa  Long Hưng kết hợp với lực lượng khởi nghĩa Thạnh Phú tiến về phía đồn.

Đồn Thạnh Phú là một ngôi nhà gỗ rộng lớn, lợp ngói, xung quanh có rào cây, nằm phía Nam cầu Xoài Hột, do 1 trung đội lính mã tà trấn giữ. Chỉ huy trung đội lính này là một tên đội sếp, rất hung ác, đã từng bắt bớ, tra tấn nhiều người hắn nghi là làm “quốc sự”. Tuy chưa nắm được tin tức có khởi nghĩa, song chúng cũng đang đề phòng, tăng cường canh gác.

Gò Me - nơi các đồng chí Giác, Ghè, Quới và Huân tử tiết để khỏi rơi vào tay giặc Pháp.
Gò Me - nơi các đồng chí Giác, Ghè, Quới và Huân tử tiết để khỏi rơi vào tay giặc Pháp.

Để bảo đảm bí mật, lực lượng khởi nghĩa không đi qua cầu Quan, mà lội qua rạch Xoài Hột, bao vây đồn từ 3 phía. Khi áp sát hàng rào cây, đồng chí Bảy Quới hô xung phong. Quân khởi nghĩa đồng loạt vượt rào, ào ào tiến vào đồn. Hai tên lính gác chỉ kịp bắn mấy phát thì tên đội chỉ huy đã bị quân khởi nghĩa hạ thủ. Bọn lính lớp bị đâm chết, lớp bỏ chạy. Đồn tràn ngập quân khởi nghĩa, thu súng, đạn. Chỉ 10 phút sau, quân khởi nghĩa đốt đồn. Khí thế tiến công chiếm các đồn địch lân cận dâng cao.

Đến 12 giờ trưa ngày 23-11, lực lượng khởi nghĩa đã hạ xong các đồn Thạnh Phú, Tam Hiệp, chợ Giữa Vĩnh Kim và đồn cầu đúc Long Định. Nhà việc của hội tề các xã đều bị đốt sạch. Nhiều tên tề ác ôn bị bắt, nhiều tên bỏ chạy. Các mũi tiến công thắng lợi lần lượt kéo về đình Long Hưng. Nơi đây, các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa của tỉnh đã nổi lên hồi trống mở đầu cho cuộc khởi nghĩa. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên bay phấp phới trên nóc đình Long Hưng.

TRẬN ĐÁNH KHÔNG CÂN SỨC

Khoảng 17 giờ ngày 23-11, xe địch chở một toán lính khoảng 50 tên, do tên cò Pháp Pétri chỉ huy, từ Mỹ Tho lên Bình Đức, đi vào Xoài Hột, rồi thẳng lên cầu thầy Tùng, ấp Long Bình, xã Long Hưng. Lúc này, cầu Thầy Tùng chưa bị phá sập, nhưng ván trên mặt cầu không còn, chỉ còn sườn sắt và hai cây cau bắc cho người qua lại. Xe địch không qua được.

Bọn lính xuống xe, dàn ra, bắn xối xả về phía bên kia cầu. Bây giờ đã gần tối, nên phần lớn anh em du kích kéo nhau vào xóm ăn cơm. Chỉ còn đồng chí Bảy Quới thủ khẩu súng hai nòng bắn đạn ria cướp được của đồn Thạnh Phú; và Vinh, chiến sĩ du kích đứng gác. Nghe tiếng xe địch, đồng chí Bảy Qưới núp vào bụi rậm dưới gốc xoài.

Đạn giặc bay rào rào qua đầu, đồng chí bình tĩnh chờ đợi. Hai tên lính đi trước, kế đó tên cò, bọn còn lại hùng hổ theo sau. Đồng chí Bảy Quới chỉa súng vào thằng cò Tây, đợi nó ra đến giữa cầu đã bắn hai phát súng. Thằng cò Pétri rơi xuống rạch. Bọn lính hốt hoảng kéo nhau chạy lui, vừa chạy vừa bắn hù dọa vào các bụi rậm bên đường, rồi lên xe chạy về Mỹ Tho.

Thấy giặc rút chạy, đồng chí Bảy Quới hô lên báo tin. Anh em du kích cũng vừa ra. Trời đã chạng vạng, đồng chí Bảy Quới và anh em lặn xuống rạch mò xác thằng cò lên, thu được khẩu súng lục. Đêm đó, quân khởi nghĩa hạ 2 hàng me để chắn đường từ Xoài Hột lên Long Hưng.

Đẩy lùi hai trung đội địch rút chạy, quả là một trận đánh không cân sức; nhưng do dũng cảm, táo bạo, bí mật, bất ngờ nên quân khởi nghĩa giành được thắng lợi, ngăn chặn được địch tiến vô đình Long Hưng.

Bấy giờ, các con đường bộ lên Long Hưng đều bị ta đốn cây chắn, chỉ còn con đường kinh xáng Lacombo. Mãi đến mấy hôm sau, 4 tàu địch mới theo kinh này vào.

Du kích mai phục hai bên bờ kinh bắn xối xả tàu địch. Tiếng trống mõ, phèn la của dân ở hai bên bờ kinh nổi lên như sấm dậy. Địch không dám đổ bộ, buộc phải tháo lui. Sau đó, địch huy động hàng trung đoàn lính lê dương, lính tập, lính mã tà kéo đến xã Long Hưng đàn áp, giết, hãm hiếp, bắt bớ dân, đốt nhà và cướp của. Lực lượng vũ trang khởi nghĩa non yếu không chống trả nổi đã rút vào bí mật, sơ tán lên Đồng Tháp Mười và sang các tỉnh khác.

Đến cuối năm 1940, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Tại Long Hưng, địch thẳng tay tiến hành khủng bố trắng. Mặc dù vậy, đồng chí Bảy Quới vẫn không rời khỏi địa bàn hoạt động. Mờ sáng ngày 5-1-1941, tại gò Cây Me (xã Long Hưng), bị địch bao vây, đồng chí đã cùng các đồng chí Lê Văn Giác, Nguyễn Văn Ghè và Nguyễn Văn Huân kiên cường đánh trả. Khi hết đạn, cả 4 đồng chí đã anh dũng tử tiết, để khỏi rơi vào tay giặc.

Trung tướng Nguyễn Văn Tiên, nguyên Tư lệnh Không quân Việt Nam, đã viết về đồng chí Nguyễn Văn Quới: “Đồng chí Bảy Quới người mảnh khảnh, tính cương trực, nói năng nhỏ nhẹ dễ thuyết phục người nghe. Tôi nhớ rõ, khi nghỉ hè năm 1940, tôi về quê nhà, được dự những cuộc mít tinh của nhân dân Long Hưng, Bảy Quới là diễn giả rất được yêu thích vì nói những điều rất thiết thực đến quyền lợi của bà con nông dân.

Có lần, anh đến nhà thăm má tôi và nói với anh em tôi về cách mạng: “Giặc Pháp cướp nước ta, bóc lột thậm tệ nên nhân dân ta mới khổ cực, cơm không no, áo không lành, quyền làm người không có. Dân mình nhất định phải nổi dậy đánh Tây, giành chánh quyền, làm chủ đất nước thì mới chấm dứt được cuộc đời nô lệ này”. Rồi anh quay sang tôi: “Tiên còn nhỏ, đi học thì gắng học cho giỏi để sau này giúp ích cho quê hương. Luôn nhớ rằng thanh niên bao giờ cũng là rường cột của nước nhà”.

Ai cũng không thể ngờ con người mảnh khảnh, nói năng nhỏ nhẹ đó lại có một ý chí kiên cường, thể hiện trong một loạt hành động cách mạng, từ chỉ huy hạ đồn Thạnh Phú, một mình đánh lui cuộc tấn công của địch tại cầu Thầy Tùng, đến việc đề xuất tử tiết và tự mổ bụng mình, thà chết để khỏi rơi vào tay giặc.

Ngay đến phút chót đã mổ bụng tự tử, mà còn vung gươm chém gục kẻ thù. Những hành động anh hùng đó không phải ai cũng làm được. Thật quả con người gang thép, đúng là đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Thương tiếc thay con người đó đã ngã xuống vào đúng tuổi 30 tràn đầy sức sống...”.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.