Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý Luật Đấu thầu và Luật Giá (sửa đổi)
(ABO) Chiều 7-11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Dự án Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
* GÓP Ý LUẬT ĐẤU THẦU (sửa đổi)
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; phòng, chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu…
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). |
Đại biểu Nguyễn Văn Dương góp ý, đối với quy định về chỉ định thầu (Điều 21), các nội dung bổ sung đối với hình thức lựa chọn nhà thầu theo phương thức chỉ định thầu là rất cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đối với phần nội dung này, cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục, điều kiện, trách nhiệm kiểm soát, giám sát của cơ quan có thẩm quyền đối với chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu...
Tại điểm a khoản 1 nêu sự cố bất khả kháng; sự cố này có tương đồng với quy định tại các luật khác hay không để dẫn chiếu? Ví dụ: Luật Phòng thủ dân sự là sự cố là tình huống nguy hiểm, nghiêm trọng do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh có nguy cơ dẫn tới thảm họa. Ban soạn thảo nên làm rõ cụm từ này nhằm dễ áp dụng, không sai.
Tại điểm b) Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ điều trị vào sau cụm từ cấp cứu. Trong thực tế, tình trạng thiếu thuốc điều trị vừa qua do: Không trúng thầu, các hình thức đấu thầu khác không kịp thời cung cấp thuốc điều trị, do giá thấp không có nhà thầu tham dự thầu, do danh mục thuốc cấp cứu chỉ có một số loại cho cấp cứu không đáp ứng cho điều trị được...
Tại điểm c) Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được.
Sự đổi mới này đã tháo gỡ cho ngành Y tế nhưng chưa đủ. Đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị bổ sung cụm từ trang thiết bị phục vụ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chuyên sâu mới vì chỉ có một nhà cung cấp, và đào tạo chuyển giao. Người được đào tạo mổ Rô bốt trên máy của một hãng nhưng mua máy của một hãng khác thì không thể mổ được, gây lãng phí cả nhân lực và tài lực. Trang thiết bị chuyên dùng chỉ có một hãng sản xuất nên không thể đấu thầu rộng rãi…
Quang cảnh thảo luận tại Tổ. |
Đối với quy định về mua sắm tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm dịch vụ công (Chương V), khoản 6, điều 51, Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Đại biểu đề nghị Chính phủ nâng đấu thầu tập trung cấp quốc gia riêng cho ngành Y tế. Chính phủ thành lập các trung tâm đấu thầu cấp khu vực, vùng miền để không còn đấu thầu nhỏ lẻ ở địa phương. Bởi khi đó cơ sở khám, chữa bệnh không lo phải đấu thầu, tập trung cho công tác khám, chữa bệnh; khắc phục tình trạng cơ sở y tế thiếu nhân lực thực hiện đấu thầu mua sắm.
Đa số nhân lực tại các cơ sở y tế vừa làm công tác chuyên môn, vừa kiêm nhiệm công tác đấu thầu, trong đó cán bộ chuyên môn về kỹ thuật đối với trang thiết bị, vật tư y tế còn thiếu, yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, công tác tham mưu, giúp việc lập kế hoạch đấu thầu, xây dựng hàng rào kỹ thuật, xây dựng hồ sơ mời thầu còn nhiều hạn chế và thiếu sót...
Đối với mục 3, Chương 4, đấu thầu qua mạng, đại biểu đề nghị Chính phủ có quy định chi tiết riêng cho ngành Y tế vì: Khi áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng thì các gói thầu thực hiện loại hợp đồng trọn gói. Tuy nhiên, đối với các gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm trong lĩnh vực y tế số lượng sử dụng trong năm phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân nên thông thường số lượng thực tế có sự thay đổi so với số lượng ghi trong hợp đồng. Việc áp dụng loại hợp đồng trọn gói là khó thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu còn góp ý đối với quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu…
* GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)
Tại phiên thảo luận Tổ, nhiều ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, Luật Giá hiện hành đã bộc lộ những điểm chưa hoàn chỉnh về phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế; tính thống nhất, đồng bộ của Luật Giá với một số đạo luật liên quan đến quản lý giá trong một số trường hợp chưa bảo đảm. Vì vậy, cần thiết sửa đổi Luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo không tạo kẽ hở, khoảng trống trong pháp luật quản lý giá.
Đồng thời, các đại biểu cũng góp thêm nhiều ý kiến nhằm đảm bảo tính khả thi cho dự án luật khi ban hành.
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến phát biểu tại buổi thảo luận Tổ. |
Liên quan đến nội dung quy định về thẩm định giá của Nhà nước, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị quy định rõ giá trị pháp lý của kết quả thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá của doanh nghiệp và cần rà soát kỹ từng điều khoản của Luật để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, khả thi khi áp dụng, đảm bảo tính thống nhất của các điều khoản trong dự thảo Luật. Cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhất các quy định trong các văn bản dưới luật đã áp dụng hiệu quả thời gian qua, đảm bảo hiệu lực thi hành ngay của Luật.
Bên cạnh đó, nhiều điều, khoản còn quy định rất chung chung như: Đối với quy định chính sách về kê khai giá hay tại Điều 33 quy định về giá tham chiếu cũng chưa cụ thể. Giá tham chiếu là một chỉ số trung bình của giá hàng hóa, dịch vụ tương ứng với một khung thời gian và do một cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc một tổ chức công bố định kỳ làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân xác định giá hàng hóa, dịch vụ; mức giá cụ thể của hàng hóa, dịch vụ được xác định và điều chỉnh trên cơ sở giá tham chiếu.
Tại Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng giá tham chiếu. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, cân nhắc thận trọng đối với từng mặt hàng, dịch vụ, bảo đảm tính bao quát, hợp lý, dự báo cao.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ. |
Cho ý kiến đối với dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai quan tâm đến vấn đề kiểm tra giá. Đại biểu cho rằng chúng ta chỉ kiểm tra giá trong hoàn cảnh khi giá có biến động bất thường theo quy định dự thảo Luật.
Đại biểu cho rằng phải xem xét lại vấn đề này, cần quy định cụ thể, giá biến động bất thường là tăng bao nhiêu %, ví dụ tăng 10% là bất thường hay tăng 1% là bất thường. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề kiểm tra giá khi có biến động bất thường cho thấy, kinh nghiệm một số nước có quy định mức phần trăm cụ thể, nếu quá mức % này thì coi như tăng bất thường và sau đó sẽ có những biện pháp kiểm tra cũng như biện pháp xử lý vi phạm trong vấn đề tăng giá hàng hóa. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm vấn đề này…
MINH TRÍ - THU HOÀI