Thứ Sáu, 18/11/2022, 19:00 (GMT+7)
.

Đại đoàn kết toàn dân tộc - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất 18-11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và là “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Suốt 92 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - BIỂU TƯỢNG CAO ĐẸP CỦA KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

Nhìn lại chặng đường đã qua của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, có thể khẳng định rằng: Chủ trương của Đảng thành lập và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất là hoàn toàn đúng đắn, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - là biểu tượng cao đẹp của khối đại đoàn kết dân tộc. Chính Người là ngọn cờ quy tụ, tập hợp, thu hút mọi người dân Việt Nam yêu nước đứng chung hàng ngũ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh vô địch của khối đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và chiến thắng đói nghèo, lạc hậu. Chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết về đại đoàn kết dân tộc mãi mãi soi đường và tỏa sáng trên các chặng đường phát triển của đất nước ta.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh tặng quà cho các gia đình có người thân tử vong do Covid-19 tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu II, thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo năm 2022.                                                                                                                                       Ảnh: NGỌC DUYÊN
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh tặng quà cho các gia đình có người thân tử vong do Covid-19 tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu II, thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo năm 2022. Ảnh: NGỌC DUYÊN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống tư tưởng của Người, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng thành công trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện rõ quan điểm, lập trường, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, được cụ thể hóa thành những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp tập hợp, quy tụ và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng, đoàn kết quốc tế nhằm phát huy cao nhất sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người chỉ rõ, sức mạnh lớn nhất là ở nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, đoàn kết được nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn nhất.

Người khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”.

Người căn dặn: “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.

PHÁT HUY TINH THẦN ĐOÀN KẾT ĐỂ KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Đảng và Nhà nước phát động, hằng năm, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp, chung tay giúp đỡ người nghèo. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên tổ chức chăm lo các gia đình chính sách, người có công; nhất là vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tết cổ truyền của dân tộc…

Những thành tích đạt được trong 92 năm qua đã khẳng định: MTTQ Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta. Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã 2 lần vinh dự được trao tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước. Tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống, MTTQ Việt Nam tiếp tục vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang Nguyễn Chí Trung, trong công tác chăm lo cho người nghèo, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đã tổ chức nhiều hoạt động sâu rộng, nhiều mô hình đã được nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng dân cư, huy động sức mạnh của cộng đồng cùng chăm lo cho người nghèo, người yếu thế. Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang luôn nêu cao vai trò của cán bộ làm công tác Mặt trận thông qua phong trào “Cán bộ Mặt trận làm theo lời Bác”, đi trước, làm trước, năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm…”.

Những năm qua, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh Tiền Giang đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế, vận động được nhiều nguồn lực đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn quỹ này, hàng ngàn “Mái ấm” vững chãi, hàng vạn phần quà và nhiều hoạt động hỗ trợ khác đã giúp người nghèo ổn định cuộc sống...

Kết quả vận động Quỹ “Vì người nghèo” trong 6 tháng đầu năm 2022 ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã được trên 11 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức thành viên của Mặt trận còn phối hợp vận động các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo và cá nhân ủng hộ trực tiếp (không qua Quỹ “Vì người nghèo”) để thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với tổng trị giá trên 161 tỷ đồng.

Đặc biệt, hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban MTTQ, các ngành, các cấp, cùng toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động quà tặng cho đối tượng chính sách, người nghèo với kinh phí trên 50 tỷ đồng.

Riêng Tết Nguyên đán năm 2022, UBND tỉnh Tiền Giang và Ủy ban MTTQ tỉnh, cùng các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhiều nhà hảo tâm xa gần đã hỗ trợ 8.112 hộ nghèo (mỗi hộ 500 ngàn đồng), 16.113 hộ cận nghèo (mỗi hộ 400 ngàn đồng) và 1.998 hộ vừa thoát nghèo năm 2021 (mỗi hộ 300 ngàn đồng); đồng thời, còn hỗ trợ 24.610 hộ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (mỗi hộ 300 ngàn đồng)…

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.