.

Hào khí năm xưa trên đất Long Hưng anh hùng

Cập nhật: 09:54, 23/11/2022 (GMT+7)

Long Hưng (thuộc quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho; nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ lịch sử, Long Hưng là bản doanh cuộc khởi nghĩa của cả vùng đất Mỹ Tho. Cũng nơi đây, trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 và trong chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược đã diễn ra những trận đánh nổi bật nhất và gay gắt nhất của phong trào chiến tranh nhân dân, người dân Long Hưng một lòng theo Đảng, thà chết, quyết đánh bại mọi kẻ thù xâm lược để giữ làng, giải phóng quê hương.

Long Hưng cũng đã hai lần đi trước, tự giải phóng xã trước ngày giành chính quyền ở tỉnh lỵ Mỹ Tho trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tự giải phóng xã trước ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975...

CHUYỆN VỀ NAM KỲ KHỞI NGHĨA Ở LONG HƯNG

Ngày 23-11-1940, Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên bay phấp phới trên nóc đình Long Hưng. Lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền xã Long Hưng lấy các bót địch ở Thạnh Phú, Bình Đức, Vĩnh Kim và bót Đông Hòa. Chính quyền nhân dân mở kho thóc của đại địa chủ xã Đông Hòa Nguyễn Thành Long, Hương chánh Đường xã Vĩnh Kim để cứu tế cho dân nghèo. Mở tòa án nhân dân đầu tiên để xử tên Việt gian Cai Trí tại đình Long Hưng…

Để chống địch phản kích, lực lượng khởi nghĩa phá cầu, hạ cây, đắp mô trên các trục lộ ngăn xe địch lưu thông; đường sông thì kết bè, đắp cản ngăn tàu chiến địch tái chiếm. Trận phục kích tại cầu Thầy Tùng, đồng chí Bảy Quới bắn chết tên quan hai Pháp, thu 1 súng ngắn ru-lô…

Dù khí thế của nhân dân rất cao nhưng lực lượng vũ trang của ta quá yếu, không đủ sức chống lại vũ khí tối tân của giặc và khởi nghĩa không được đều khắp. Mặt khác, khởi nghĩa nổ ra không phải lúc giặc Pháp suy yếu, thời cơ chưa chín muồi. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nói chung, ở xã Long Hưng nói riêng bị địch đàn áp, khủng bố thẳng tay.

Vụ thảm sát tại Chợ Giữa không thể nào phai nhòa trong tâm khảm của người dân Vĩnh Kim, Long Hưng. Sau Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp đã đàn áp rất tàn bạo các xã có phong trào khởi nghĩa, trong đó có làng Vĩnh Kim và Long Hưng. Vào ngày 3-12-1940, quân Pháp đã dùng ca nô, tàu chiến, máy bay cùng lính bộ binh càn quét vào các làng Phước Thạnh, Long Hưng, Đông Hòa, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Bình Trưng, nhất là Vĩnh Kim - là nơi mà quân Pháp cho là tập trung “phiến loạn”.

Tại đây, chúng đã ném 2 quả bom xuống Chợ Giữa trong lúc đông người đang nhóm chợ, làm hơn 200 người dân vô tội bị tử vong. Tại xã Long Hưng, chúng cũng ném 2 quả bom, 1 quả rơi xuống ruộng của Hương chánh Thanh, làm chết 2 con trâu và 1 quả gần nhà Hương cả Ngoan, làm bị thương 3 người. Bọn tề làng hung hăng làm tay sai cho địch ở xã Long Hưng lúc đó là Hương sư Bằng, Hương trưởng Giác dẫn địch vây ráp liên tục.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập và các đồng chí tham gia khởi nghĩa ngày 23-11-1940 chụp ảnh lưu niệm trước nhà ông Ba Biện tại khu căn cứ cũ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập và các đồng chí tham gia khởi nghĩa ngày 23-11-1940 chụp ảnh lưu niệm trước nhà ông Ba Biện tại khu căn cứ cũ.

Ngày 4-1-1941, do 1 tên phản bội khai báo, Chủ tỉnh Mỹ Tho cho quân tập trung bao vây đồng Cây Me, gần gò trâm bầu.

Biết khó có thể chống lại quân chính quy của địch rất đông, các đồng chí lãnh đạo chủ trương cho anh em du kích rút ra khỏi vòng vây; còn lại 4 đồng chí: Lê Văn Giác, Bí thư Chi bộ xã Long Hưng, trong Ban khởi nghĩa; Nguyễn Văn Ghè (Bảy Ghè), Tỉnh ủy viên, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, trong Ban khởi nghĩa, Bí thư Huyện ủy Châu Thành; Lê Văn Quới (Bảy Quới), Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, Huyện ủy viên Châu Thành, người đã bắn chết tên đội xếp Piétri; Nguyễn Văn Huân (Hai Huân), cán bộ Huyện ủy Châu Thành, phụ trách Chi bộ làng Bình Trưng rút lên gò Cây Me bắn lại địch cho đến viên đạn cuối cùng và quyết cùng nhau không để giặc bắt.

Các đồng chí bảo nhau: “Thà chết hết, chớ không hàng!” và sẵn sàng đánh bọn lính lê dương đang tiến tới. Đồng chí Giác và đồng chí Ghè cầm con dao tự đâm họng mình. Đồng chí Quới với thanh gươm bén trong tay - thanh gươm đã từng hạ bao kẻ thù trong cuộc khởi nghĩa, đã tự đâm mình...

Trong khoảnh khắc cuối cùng trước cái chết, đồng chí Quới nắm cán gươm nhằm tên lính lê dương phóng tới, nhưng do sức đã kiệt, nên khi lưỡi gươm bay ra chỉ đủ sức làm đứt cánh tay của hắn. Xong động tác này, đồng chí ngã quỵ xuống chết lập tức.

Các đồng chí Ghè, Giác tự cắt cổ nhưng chưa chết hẳn, bị bọn địch đưa về nhà thương Mỹ Tho băng bó vết thương, nhưng các đồng chí cự tuyệt. Chúng đè xuống, băng xong, các đồng chí tháo băng, móc cho máu chảy. Túng thế, chúng phải cột hai chân, hai tay vào thanh giường sắt; đưa sữa không uống, vạch miệng đổ vào, các đồng chí phun sữa ra hết. Chúng chỉ còn một cách là tiêm thức ăn vào.

Qua một thời gian thấy vết thương ở cổ bắt đầu lành, chúng dụ dỗ nhưng không được, đã dùng mọi cực hình tra tấn cũng vô hiệu; sau cùng (tháng Giêng năm 1941), chúng đưa hai đồng chí ra xử tử. Đồng chí Huân thì bị chúng kết án chung thân khổ sai và đày ra Côn Đảo.


LONG HƯNG 3 LẦN LÀ ĐỊA BÀN CĂN CỨ CỦA TỈNH

Lần thứ nhất, trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940: Chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, Tỉnh ủy Mỹ Tho chọn rừng thầy Kiện, còn gọi là rừng Ba U, thuộc xã Tân Lý Đông, giáp với Đồng Tháp Mười làm căn cứ. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Ban Chỉ huy khởi nghĩa của tỉnh chuyển căn cứ về đóng ở Long Hưng.

Lãnh đạo và chỉ huy cuộc khởi nghĩa của tỉnh Mỹ Tho ở Long Hưng gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Thập, Xứ ủy viên; Nguyễn Văn Ghè, Tỉnh ủy viên; Nguyễn Văn Quới, Huyện ủy viên và đồng chí Lê Văn Giác, Bí thư Chi bộ xã Long Hưng. Trụ sở của Ban lãnh đạo khởi nghĩa đặt tại đình Long Hưng.

Thời gian này, Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã tổ chức nhiều trận đánh chiếm các đồn địch ở Thạnh Phú, chợ Bưng, Tân Lý Đông, bến đò Long Hưng, cầu Thầy Tùng. Từ đình Long Hưng, Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã điều khiển cuộc khởi nghĩa trên phạm vi 70/110 xã của tỉnh Mỹ Tho. Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã treo cờ đỏ sao vàng trên nóc đình Long Hưng.

Nhiều xã cũng đã giương cao cờ đỏ sao vàng. Tại đình Long Hưng, còn lập tòa án cách mạng để xét xử những tên có tội ác. Ban lãnh đạo khởi nghĩa còn chỉ đạo phá kho thóc của Hương Quản Xiếu và của Phủ Mầu chia cho nông dân nghèo… Những việc làm đó đã tác động mạnh mẽ đa số người dân thuộc mọi tầng lớp đứng về phía cách mạng. Long Hưng đã làm tròn vai trò hậu phương căn cứ của Tỉnh ủy trong thời kỳ lịch sử vẻ vang này.

Lần thứ hai, Long Hưng được chọn làm địa bàn căn cứ của tỉnh vào cuối năm 1945 cho đến năm 1947, để tổ chức và chỉ huy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đóng ở Long Hưng có cơ quan Tỉnh ủy, do đồng chí Ba Trọng làm Bí thư (một thời gian cơ quan Tỉnh ủy dời về Bàn Long); cơ quan của Ủy ban kháng chiến tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Tiếp làm Chủ tịch. Đóng ở Long Hưng còn có các cơ quan của Tỉnh đoàn, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc...

Đứng chân ở Long Hưng, các cơ quan của tỉnh tuyển chọn nhiều cán bộ, chiến sĩ đi xây lực lượng vũ trang. Đồng chí Chín Kỉnh (Nguyễn Tấn Thành) mới đầu phụ trách bảo vệ căn cứ, sau đó làm Trưởng Ban Quân sự tỉnh, 2 lần tham gia đánh chiếm đồn Vàm Xáng và xây dựng Đại đội địa phương quân đầu tiên của tỉnh, làm lễ xuất quân vào giữa năm 1947 tại nhà bà Ba Ngôn, gần chợ Ông Hổ.

Đứng chân ở Long Hưng, các cán bộ mở nhiều lớp huấn luyện ngắn ngày theo chương trình Việt Minh. Trong mấy năm đầu chống Pháp, hầu hết cán bộ các ngành của tỉnh và huyện đều được đào tạo tại Long Hưng. Từ năm 1947 - 1948, các cơ quan tỉnh lần lượt dời đi nơi khác, Long Hưng đã hoàn thành sứ mạng của mình là bảo bọc, nuôi dưỡng sự nghiệp cách mạng của tỉnh trong bước đi chập chững ban đầu.

Lần thứ ba, cơ quan lãnh đạo của Tỉnh ủy về đứng chân ở Long Hưng sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, để lãnh đạo tổ chức chuyển hướng cuộc đấu tranh từ vũ trang sang đấu tranh chính trị. Về ở Long Hưng lần thứ ba, Tỉnh ủy Mỹ Tho tiếp tục giao sự sống còn của mình vào sự giác ngộ và lòng trung thành của nhân dân Long Hưng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Ba Chim làm Bí thư, đồng chí Năm Đời làm Phó Bí thư, đồng chí Việt Thắng là Ủy viên Thường vụ và đồng chí Tám Kim làm Trưởng Ban Binh vận. Đầu mối giao liên là đồng chí Chín Ẩn, bảo vệ căn cứ là đồng chí Sáu Danh.

Trong toàn xã, ấp nào cũng có các đồng chí lãnh đạo của tỉnh ở. Tuy ngăn cách bí mật, nhưng nhân dân đều biết và bảo vệ an toàn. Suốt 2 năm mà địch không biết cơ quan Tỉnh ủy tại đây.

HỮU TƯỜNG (tổng hợp)

.
.
.