BÀI CUỐI: Lấy tình thương cảm hóa lỗi lầm
Bài 1: Tận tâm phục vụ các đối tượng bảo trợ xã hội
BÀI 2: Mang yêu thương đến với trẻ khuyết tật
Thời gian qua, cán bộ, nhân viên Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang (viết tắt Cơ sở) đã học tập Bác ở tấm lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu; từ đó đã lấy tình thân ái cảm hóa những người lầm đường lạc lối, giúp hàng ngàn người thoát khỏi “vũng bùn” mang tên ma túy để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Hiện nay, Cơ sở (tọa lạc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) đang quản lý hơn 360 học viên cai nghiện bắt buộc. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng với quan điểm người nghiện ma túy là người bệnh, Cơ sở là nơi chữa bệnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên ở Cơ sở luôn nỗ lực trong điều trị, quản lý, giáo dục, dạy nghề cho học viên, giúp họ có thêm cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
LÀM THEO BÁC TỪ NHỮNG CÔNG VIỆC HẰNG NGÀY
Mỗi người nghiện ma túy khi vào Cơ sở, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, nhân viên Phòng Tư vấn, trị liệu, hòa nhập cộng đồng đều chủ động nắm bắt hoàn cảnh, nguyên nhân nghiện ma túy để từ đó đồng hành, chia sẻ và là chỗ dựa tinh thần cho học viên. Dù đã 12 năm gắn bó với công việc này, nhưng chị vẫn nhớ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, cảm giác lo sợ khi trực tiếp tư vấn cho những học viên xăm mình, có tiền án, tiền sự và có những học viên không chịu hợp tác.
Cơ sở trang bị đầy đủ thuốc đáp ứng việc chữa các chứng bệnh thông thường. |
Có lúc vất vả, chùn bước, nhưng nghĩ đến hình ảnh cuộc sống mới không có ma túy của các học viên là động lực để chị Hạnh bám trụ với công việc. Chị Hạnh chia sẻ, thời gian ở Cơ sở nhiều hơn ở nhà. Ngoài làm việc giờ hành chính, cán bộ, nhân viên phải đảm bảo quân số trực đêm tại Cơ sở. Do vậy, quỹ thời gian chăm sóc gia đình không nhiều. Được sự quan tâm của Ban Giám đốc Cơ sở, chị Hạnh và chồng cùng làm chung được sắp xếp phòng ở tại đơn vị.
Thời gian qua, những việc làm theo Bác đã dần ngấm sâu và thấm đẫm trong từng việc làm của cán bộ, đảng viên ở Cơ sở. Họ làm việc ở nơi không ai muốn đến. Câu chuyện của chị Hồng chỉ là một trong những “lát cắt” công việc vất vả và thầm lặng của đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây. Bí thư Chi bộ, Giám đốc Cơ sở Nguyễn Hoàng Thanh cho biết, với môi trường làm việc đặc thù, dễ xảy ra tiêu cực, Chi ủy, Ban Giám đốc Cơ sở đã quán triệt từ cán bộ, đảng viên, nhân viên thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với những công việc hằng ngày.
Đối với những học viên thiếu sự quan tâm từ gia đình, cán bộ Cơ sở sử dụng quần áo, dép của mình cho họ mặc để trở về với cộng đồng. Ngoài ra, đơn vị cho tiền xe, tiền ăn, thậm chí cán bộ Cơ sở đưa học viên ra đón xe buýt về địa phương. |
Từ đó, cán bộ, đảng viên, nhân viên đã cụ thể hóa bằng những hành động, việc làm cụ thể gắn với công tác chuyên môn tại đơn vị. Đối với cán bộ quản lý học viên tại tầng, khu thì không chểnh mảng, chủ quan, lơ là; phải quan tâm, động viên, chăm lo và nắm bắt kịp thời tâm tư để giải quyết những khúc mắc, khó khăn cho học viên. Lực lượng tư vấn cộng đồng cần giáo dục, nâng cao nhận thức cho học viên.
Đối với đội ngũ y, bác sĩ cần hiểu được trách nhiệm của mình trong công tác chăm lo sức khỏe, tinh thần của học viên; phát huy phẩm chất y đức cao quý của Thầy thuốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”. Đối với lực lượng bảo vệ phải thường xuyên tuần tra, nâng cao cảnh giác, không để bị mua chuộc, không để kẻ lạ thẩm lậu các chất cấm vào Cơ sở…
CHĂM LO ĐỜI SỐNG
Thời gian qua, cán bộ, đảng viên, nhân viên Cơ sở đã giúp học viên chuyển biến về nhận thức, thay đổi hành vi bằng việc tổ chức lao động trị liệu, đào tạo nghề cho họ trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, Cơ sở phối hợp với Trường Cao đẳng Tiền Giang tổ chức 4 lớp dạy nghề cho học viên cai nghiện như: Hàn, xây dựng, điện, điện tử, điện gia dụng và đã có gần 70 học viên đăng ký tham gia, được cấp Giấy chứng nhận.
Công tác chăm lo sức khỏe cho học viên là một trong những nhiệm vụ mà Cơ sở đặc biệt quan tâm. |
Sau khi tái hòa nhập cộng đồng, học viên có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng để tìm kiếm việc làm phù hợp. Hiện nay, Cơ sở liên kết với doanh nghiệp nhận thắt gút túi lưới để học viên lao động trị liệu, thu nhập bình quân từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/tháng. Số tiền này học viên sẽ được lưu ký, thông qua cán bộ phụ trách để mua sắm vật dụng cần thiết, đồ ăn vặt. Kết thúc thời gian cai nghiện, học viên sẽ nhận lại số tiền lưu ký để sử dụng.
Ngoài chế độ ăn từ ngân sách nhà nước, Cơ sở còn bổ sung rau xanh, cá, gia súc, gia cầm vào khẩu phần ăn; nguồn thực phẩm này do học viên lao động trị liệu trồng và chăn nuôi. Vào các dịp lễ, tết, khẩu phần ăn sẽ được tăng từ 3 đến 5 lần so với ngày thường. Sau thời gian lao động trị liệu, học viên tự tổ chức các hoạt động thể dục thể thao dưới sân của khu.
Tại các phòng, cơ sở trang bị tivi kết nối truyền hình cáp để học viên giải trí, theo dõi thời sự. Chủ nhật hằng tuần, ngoài khu điều trị bệnh, các khu còn lại được phép tổ chức hát karaoke, giao lưu thể dục thể thao với các khu. Các dịp lễ, tết, Cơ sở tổ chức giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao cho học viên giữa các khu với nhau.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thanh cho biết: “Những năm gần đây, Cơ sở đã thay đổi quan điểm về quản lý người nghiện, thực hiện mô hình quản lý bằng việc phân công cán bộ phụ trách từ 1 - 2 phòng ở trong khu cùng với học viên. Qua đó, kịp thời nắm bắt, chia sẻ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của học viên; những vấn đề vượt thẩm quyền cần báo cáo Ban Giám đốc Cơ sở để gặp gỡ, trao đổi. Thông qua cách làm trên, học viên tin tưởng vào công tác quản lý, an tâm cai nghiện; hạn chế những khúc mắc, mâu thuẫn âm ỉ bùng phát làm mất an ninh trật tự.
Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Cơ sở tạm dừng chế độ học viên thăm gặp người thân. Để giải tỏa tâm lý nhớ nhà, nhớ người thân, Cơ sở đã tổ chức cho học viên đăng ký gọi điện video cho người thân thông qua ứng dụng Zalo, học viên rất vui mừng và phấn khởi. Việc kết nối giữa học viên về gia đình đều có sự giám sát của cán bộ.
QUAN TÂM SỨC KHỎE
Chăm lo sức khỏe cho học viên cai nghiện ma túy là một trong những nhiệm vụ mà Cơ sở đặc biệt quan tâm thực hiện ngay từ những ngày đầu tiếp nhận đối tượng. Đối với các học viên mới tiếp nhận, đơn vị tiến hành thăm khám và lập hồ sơ bệnh án, đánh giá tình trạng sức khỏe để sử dụng phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc, phân loại sức khỏe học viên. Công việc tất bật hơn vào những ca trực đêm để giải quyết những vấn đề sức khỏe của học viên, cũng như tiếp nhận và xử lý những trường hợp sử dụng ma túy do lực lượng Công an đưa đến.
Nhân viên y tế thường xuyên đối mặt với học viên mới tìm cách gây hấn, dùng những từ ngữ khó nghe. Trong quá trình điều trị cắt cơn, giải độc, học viên lên cơn kích động, đập phá cửa, đòi được sử dụng ma túy. Gặp những trường hợp như vậy, nhân viên y tế vừa phải kiên định, vững vàng trong hành động, vừa phải nhỏ nhẹ, xoa dịu học viên…
Năm 2020, UBND tỉnh quan tâm đầu tư, mở rộng cơ sở, vật chất cho Cơ sở. Năm 2022, Cơ sở được trang bị các thiết bị khám cận lâm sàng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại đây. Học viên ở Cơ sở được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần. Đối với những trường hợp mắc các bệnh mãn tính, học viên sẽ được bác sĩ theo dõi, tư vấn thay đổi cách sinh hoạt.
Bác sĩ Huỳnh Kim Thêm, Phó Trưởng phòng Khám, điều trị, phục hồi sức khỏe cho biết, những năm trước đây, Cơ sở chưa được đầu tư thiết bị cận lâm sàng, nên bác sĩ chỉ khám bệnh bằng 2 bàn tay và kinh nghiệm. Từ khi được trang bị thiết bị y tế phục vụ cho khám bệnh như: Máy siêu âm, đo điện tim, chụp X-quang, xét nghiệm…, các y, bác sĩ thuận tiện hơn trong công tác khám và điều trị bệnh, hạn chế tình trạng chuyển bệnh lên tuyến trên.
Đối với những bệnh ngoài khả năng chữa trị, đội ngũ y, bác sĩ hội chẩn và đề xuất Ban Giám đốc chuyển học viên lên bệnh viện tuyến trên. Khi học viên chuyển lên bệnh viện tuyến trên, Cơ sở sẽ cử 1 nhân viên y tế và 1 bảo vệ đi theo để nuôi bệnh, túc trực 24/24 giờ.
Những năm qua, Cơ sở gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng. Để giải bài toán tuyển dụng đội ngũ y, bác sĩ khó khăn như hiện nay, Cơ sở đã cử nhân viên y tế tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, để nâng cao công tác khám và điều trị cho học viên cai nghiện.
VĂN THẢO