Thứ Ba, 22/11/2022, 13:41 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN KIỆT (23-11-1922 - 23-11-2022)

Nhà lãnh đạo tài năng, "một tổng công trình sư" của nhiều công trình phát triển đất nước

Đồng chí Võ Văn Kiệt nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã có những cống hiến lớn lao, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, đồng chí đã góp phần quan trọng đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng, vững bước trên con đường hội nhập, phát triển.

Đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23-11-1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, là nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam, người cộng sản mẫu mực, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

NHÀ LÃNH ĐẠO ĐỂ LẠI NHIỀU DẤU ẤN

Nhiều người cho rằng, đồng chí Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo để lại nhiều dấu ấn qua những chặng đường đấu tranh cách mạng; dấu ấn gắn với nhiều công trình ích nước, lợi dân; dấu ấn cả cách xử sự đối với con người và công việc. Đồng chí như người thắp lửa và truyền lửa, tràn đầy năng lượng, đạp bằng mọi khó khăn, tiến lên phía trước.

Đồng chí Võ Văn Kiệt (đeo kính) và ông Hai Chung (ngoài cùng bên phải) thăm nông dân cấy lúa.
Đồng chí Võ Văn Kiệt (đeo kính) và ông Hai Chung (ngoài cùng bên phải) thăm nông dân cấy lúa.

Trong suốt cuộc hành trình từ tuổi thiếu thời tham gia phong trào Thanh niên Phản đế, rồi vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ ở Vũng Liêm năm 1940, giành chính quyền năm 1945 ở Rạch Giá, làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu năm 1954, Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định 11 năm trong kháng chiến, Bí thư Khu ủy Khu 9 (Tây Nam bộ), Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh… cho đến khi làm Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ nào đồng chí cũng có những minh chứng sáng tạo, những cống hiến to lớn và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.

Khi làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, đồng chí đã chỉ đạo thực hiện thí điểm việc giao lưu kinh tế giữa hai vùng - vùng địch tạm chiếm và vùng giải phóng, đem lại lợi ích thiết thực cho cách mạng và người dân, góp phần làm thay đổi chủ trương bao vây kinh tế không phù hợp lúc bấy giờ.

Khi làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí đã cho xây dựng địa bàn chiến lược, đề nghị sáp nhập Gia Định vào Sài Gòn - Chợ Lớn, tạo thế trận, gắn kết chặt chẽ phong trào nội thị, ven đô và vùng nông thôn Đông Nam bộ, Tây Nam bộ; xây dựng lực lượng chính trị, phong trào đô thị, xây dựng lực lượng vũ trang đặc trưng đô thị, tạo nên hệ thống căn cứ “vành đai đỏ”, làm bàn đạp để các lực lượng biệt động đứng chân tiến hành hoạt động ở nội đô, là nơi tập kết quân chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nơi triển khai 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975.

Khi làm Bí thư Khu ủy Khu 9, đồng chí đã có những chỉ đạo sắc bén trong việc “nhổ” đồn bót địch; sau Hiệp định Paris 1973 quyết chống địch lấn chiếm, bởi theo đồng chí “để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả”...

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt biết đến câu chuyện về “Vua lúa giống” Hai Chung nổi tiếng tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; đặc biệt là sau khi ông Hai Chung được ngành Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh mời về hướng dẫn bà con vùng ngoại thành và lực lượng Thanh niên xung phong trồng lúa đạt năng suất cao. Sau đó, đích thân đồng chí Võ Văn Kiệt đã đến thăm ông Hai Chung và tận mắt xem cách làm ruộng của “Vua lúa giống” này. Tại đây, đồng chí đã dành một ngày để xem cách ông Hai Chung nhân giống lúa, cách ông áp dụng những tiến bộ khoa học trên đồng ruộng và đích thân đồng chí xắn quần lội ruộng để xem những nông dân làm đất, làm mạ, cấy lúa…

Dấu ấn của đồng chí Võ Văn Kiệt trong công cuộc dựng xây đất nước rất nhiều, gắn với những biệt danh: “Chủ tịch gạo”, “Tướng xé rào”, “Thủ tướng điện”; triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án lớn, như: Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây 500 kV Bắc - Nam; các công trình giao thông: Đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận; khai thác, phát triển Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa bán đảo Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất…

Trong quá trình chiến đấu và lao động, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Đồng chí  mất ngày 11-6-2008 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi.

ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN KIỆT VỚI VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI CỦA TỈNH TIỀN GIANG

Tên tuổi của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với nhiều công trình lớn ở khắp mọi miền đất nước, trong đó có vùng Đồng Tháp Mười ở Nam bộ. Đây là vùng đất mà các chuyên gia nước ngoài từng khẳng định: Không thể khai phá. Nhưng chỉ sau 30 năm, chúng ta đã biến “vùng đất chết” này thành vùng sản xuất lúa gạo, nông sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Những năm đầu sau ngày giải phóng đất nước, cuộc sống người dân rất khó khăn, thiếu ăn, nghèo khổ. Tiền Giang thực hiện Chương trình khai hoang, đã điều động hàng chục ngàn người đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Năm 1976, UBND tỉnh Tiền Giang ký ban hành Chỉ thị đào kinh 500 để mở màn Chiến dịch khai phá Đồng Tháp Mười, đào nhiều kinh dẫn nước, rửa phèn.

Đào kinh xong, tỉnh thành lập Nông trường Tân Lập và Nông trường Nguyễn Văn Phùng, rồi vận động nhân dân các huyện trong tỉnh về đây khai hoang. Biết bao công sức bỏ ra, vậy mà cây vẫn chưa thể sống. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy cho chủ trương đào tiếp kinh Trương Văn Sanh. Một năm sau, kinh này hoàn thành, đưa vào sử dụng, vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang bắt đầu chuyển mình.

Đồng chí Võ Văn Kiệt đến thăm và ở đêm tại Nông trường Tân Lập để tìm hiểu, biết được mong ước của người dân là có nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất. Sau đó (tháng 5-1983), Chương trình khoa học “Điều tra cơ bản tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” trong hệ thống chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm cấp Nhà nước chính thức ra đời để phục vụ khai phá vùng Đồng Tháp Mười.

Có thể nói, bắt đầu từ đây, Chính phủ tập trung nghiên cứu, đầu tư khai hoang Đồng Tháp Mười. Đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các nhà khoa học đã thường xuyên về đây khảo sát và chỉ đạo sát sao việc khai hoang. Nước ngọt dẫn tới đâu, người dân tụ họp về hai bên bờ kinh cất nhà, khai hoang tới đó; và đã xuất hiện nhiều nhân tố điển hình sản xuất có hiệu quả.

Đồng chí Võ Văn Kiệt cũng đã thường xuyên đến vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang làm việc, chỉ đạo công việc cụ thể, như đê bao, thủy lợi, giữ lớp đất mặt để trồng trọt, giữ rừng tràm để bảo vệ môi trường sinh thái…

Đồng chí khẳng định: Công việc tuy khó khăn, nhưng chúng ta nhất quyết phải thực hiện cuộc khai phá này, biến nó là vựa lúa của cả nước. Trong cuộc họp với lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang bàn về biện pháp khai thác vùng đất này, trước nhiều ý kiến khác nhau, đồng chí Võ Văn Kiệt kết luận: “Chúng ta phải làm, nếu có mất thì chỉ mất một phần của 3 tỉnh, nếu thành công thì có lợi cho cả nước…”.

Nhân dân Tiền Giang đã vững bước tiến công khai phá và làm giàu trên “vùng đất chết” này năm xưa; trong đó có công lao to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt - người đặt nền móng ban đầu cho công cuộc tái thiết và khai thác vùng Đồng Tháp Mười.

HỮU TƯỜNG (tổng hợp)

.
.
.