.

Lan tỏa ý thức thượng tôn pháp luật

Cập nhật: 10:07, 09/11/2022 (GMT+7)

Ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người, góp phần xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người; qua đó, xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội.

Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội.

“TRĂM ĐIỀU PHẢI CÓ THẦN LINH PHÁP QUYỀN”

Ngày 9-11-1946 là thời khắc lịch sử trọng đại, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I thông qua. Sự kiện này mở ra một nền lập pháp Việt Nam thời đại mới, với tư tưởng “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phản ánh cốt lõi của nhà nước dân chủ mới là quản lý xã hội bằng pháp luật, trên cơ sở đó tạo nền tảng để từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Công an huyện Châu Thành tuyên truyền kiến thức pháp luật về giao thông cho công nhân, người lao động tại Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam, Khu công nghiệp Tân Hương.                    Ảnh: TRỌNG TíN
Công an huyện Châu Thành tuyên truyền kiến thức pháp luật về giao thông cho công nhân, người lao động tại Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam, Khu công nghiệp Tân Hương. Ảnh: TRỌNG TÍN

Ngày 9-11 với ý nghĩa trọng đại, mang tính biểu tượng sâu sắc đã được Đảng, Nhà nước lựa chọn là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, điều đó được ghi nhận trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, khẳng định giá trị, vai trò của Hiến pháp, pháp luật đối với đời sống xã hội, lan tỏa tinh thần dân chủ - pháp quyền, ý thức chấp hành pháp luật, nhắc nhở chúng ta sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Qua 10 năm tổ chức, Ngày Pháp luật Việt Nam dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân quan tâm hưởng ứng, đã được lan tỏa sâu rộng. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật có nhiều tiến bộ quan trọng. Hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng đầy đủ, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch và thuận lợi, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng và an ninh, mở rộng hội nhập quốc tế.

Qua 10 năm triển khai Luật PBGDPL, với tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai công tác PBGDPL và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác PBGDPL được tập trung hướng mạnh về cơ sở, thông qua việc lồng ghép sinh hoạt công tác PBGDPL trong các cuộc họp chi bộ, tổ nhân dân tự quản, các tổ vay vốn, tiếp xúc cử tri, các thiết chế văn hóa ở cơ sở…

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện mô hình sinh hoạt “Ngày Pháp luật” đã được hưởng ứng tích cực từ các ngành, các cấp. Công tác PBGDPL đã tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của người dân thông qua việc tuyên truyền những nội dung pháp luật phù hợp với nhu cầu thực tế, tạo thói quen tìm hiểu pháp luật thường xuyên qua các hình thức phù hợp để nâng cao ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp luật. Nhìn chung, công tác PBGDPL đã từng bước nâng cao ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật và thói quen chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân…”

GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP TIỀN GIANG PHẠM CÔNG HÙNG CHO BIẾT.

Công tác phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống.

Nhiều cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp và pháp luật đã thu hút đông đảo người dân tham gia; các hoạt động đối thoại về chính sách, pháp luật giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp hay các chương trình, chuyên mục, trò chơi tìm hiểu pháp luật trên sóng phát thanh và truyền hình, phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội… đã giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, tiện lợi.

Đặc biệt, qua hơn 2 năm phòng, chống đại dịch Covid-19, việc tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch được triển khai kịp thời, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả bằng nhiều hình thức. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên tuyến đầu và tình nguyện viên đã không quản khó khăn, nguy hiểm để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chính sách, quy định pháp luật về phòng, chống dịch và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

Ý THỨC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT CỦA NHÂN DÂN TIỀN GIANG CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Sau 10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đi vào cuộc sống, công tác PBGDPL được chú trọng và ngày càng được triển khai đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân trong tỉnh Tiền Giang được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương.

Bên cạnh đa dạng hình thức tuyên truyền PBGDPL, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức triển khai các chương trình, đề án về PBGDPL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ công tác và tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống.

Cụ thể như, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động; giải đáp thắc mắc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 9.500 người lao động, trong đó, nổi bật là phối hợp với Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Bê tông Ticco tổ chức tuyên truyền các chế độ, chính sách cho 400 người lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp về an toàn, vệ sinh lao động…

Ngành Công an phối hợp ngành Giáo dục tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông cho học sinh tiểu học trong tỉnh.
Ngành Công an phối hợp ngành Giáo dục tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông cho học sinh tiểu học trong tỉnh.

Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp Công đoàn phối hợp với ngành chức năng tổ chức tư vấn pháp luật trực tiếp cho trên 650 lượt doanh nghiệp, với hơn 25.600 lượt công nhân, lao động tham dự; tư vấn (trực tiếp và qua điện thoại) cho trên 1.040 lượt đoàn viên, người lao động về các nội dung xoay quanh điều kiện, chế độ được hưởng khi chấm dứt hợp đồng, nghỉ thai sản, ốm đau, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với công nhân, lao động, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19; về những bất lợi khi rút bảo hiểm xã hội 1 lần, trợ cấp thất nghiệp…

Việc thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường gắn với lồng ghép thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” được thực hiện sinh động thông qua các hình thức tổ chức: Lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội, sinh hoạt dưới cờ; lồng ghép vào các môn học Giáo dục công dân, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi tuyên truyền phát thanh măng non… Nổi bật là, đã tổ chức cuộc thi tuyên truyền về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thu hút 36 trường trung học phổ thông với hơn 720 học sinh tham gia.

Đối với những người dân vùng ven biển, các xã ven biển trên địa bàn tỉnh, hằng năm, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Đồn Biên phòng, Hải đội thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền cho các ngư dân các văn bản pháp luật liên quan: Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển năm 1982, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về Biển Đông và hải đảo… Qua tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người dân ven biển về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NHƯ NGỌC - HÀ ANH

.
.
.