Chiến thắng Ấp Bắc - Thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân
LTS: Tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc, Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu lại bài viết: “Chiến thắng Ấp Bắc - Thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân” của đồng chí Huỳnh Văn Niềm, đăng trên Báo Ấp Bắc nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-1998).
2-1-1998 kỷ niệm 35 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc, nhân dịp này chúng ta sẽ khánh thành Tượng đài 3 Chiến sĩ Gang thép tại khu trận địa xưa ở vùng Mã Tháp, mã ông Tiếp, ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy. Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Tiền Giang mãi mãi xem Chiến thắng Ấp Bắc là truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương.
Mít tinh kỷ niệm 20 năm Chiến thắng Ấp Bắc. |
Nếu so về quy mô sử dụng Lực lượng vũ trang và kết quả tiêu diệt và làm tan rã sinh lực địch thì Chiến thắng Ấp Bắc không thể sánh với nhiều chiến thắng khác trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nhưng đó là một trận thắng rất lớn của cách mạng miền Nam thời kỳ đó. Nó đã làm phá sản chiến thuật tân kỳ của đế quốc Mỹ là Trực thăng vận, Thiết xa vận, Bủa lưới phóng lao. Nó làm suy sụp tinh thần quân đội ngụy, đánh mạnh vào cân não của chính quyền Mỹ - Diệm. Nó tác động sâu sắc vào các giới cầm quyền Mỹ. Nó cũng là tiếng chuông báo hiệu sự cáo chung của chế độ bán nước Ngô Đình Diệm.
Trong dư luận, báo chí, nghiên cứu trong nước, trên thế giới và trong các giới chính trị Mỹ, từ đó đến nay đã có rất nhiều tác phẩm phân tích đánh giá về ý nghĩa và nguyên nhân của Chiến thắng Ấp Bắc. Dĩ nhiên, dù với lòng chân thật hoặc ác ý xuyên tạc, không ai có thể phủ nhận ý nghĩa chiến lược của chiến thắng đó đối với chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Các giới chính trị, quân sự Mỹ hiếu chiến cố tìm ra những nguyên nhân dẫn đến thất bại nặng nề của chúng, nhưng không sao hiểu được Chiến thắng Ấp Bắc cơ bản là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng.
Đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng là cuộc chiến tranh vì quyền lợi, nguyên vọng của nhân dân, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia, có lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân làm nòng cốt và dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như Bác Hồ đã kêu gọi năm 1945: Hễ là người Việt Nam yêu nước thì bất kể già trẻ, gái trai hãy đứng lên giết giặc cứu nước. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không gươm súng thì dùng cuốc, gậy gộc, thuổng. Đường lối đó đã thể hiện bằng phương châm 2 chân: Chính trị vũ trang song song, 3 mũi vũ trang, chính trị, binh vận giáp công, tổng hợp sức mạnh tấn công địch trên 3 vùng chiến lược, tiến hành cuộc chiến tranh lâu dài nhưng phải tranh thủ thời cơ, tập trung nỗ lực giành thắng lợi quyết định trong từng thời kỳ.
Ai cũng biết sau Hiệp định Genève 1954, trong khi ta nghiêm chỉnh thi hành hiệp định, chính quyền Mỹ - ngụy ở miền Nam tiến hành cuộc chiến tranh đơn phương để giết hại người kháng chiến, đàn áp dã man các phong trào đấu tranh của nhân dân, khủng bố những gia đình có cảm tình với cách mạng. Hết chịu đựng nổi, đồng bào ta chỉ còn có cách đứng lên lật đổ chế độ bán nước để tự cứu mình. Hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của đồng bào miền Nam, Đảng ta đã phát động cuộc Đồng khởi 1960 đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở nông thôn và tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước.
Từ đó, cuộc chiến tranh nhân dân liên tục phát triển rộng khắp. Lực lượng chính trị quần chúng nổi dậy rất mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang cách mạng được xây dựng nhanh chóng, vừa chiến đấu vừa lớn lên. Tuy nhiên đến lúc đó chủ yếu vẫn là các đội vũ trang tuyên truyền, các đội du kích xã, các tiểu đội, trung đội địa phương huyện. Còn ở tỉnh và khu đang tập hợp tiểu đoàn nhưng mới chiến đấu được đại đội.
Tưởng rằng có thể dễ dàng bóp chết các lực lượng vũ trang còn non trẻ; đồng thời, dập tắt phong trào cách mạng quần chúng, đế quốc Mỹ vội đưa ra kế hoạch Xtalây-Taylo với tham vọng là hoàn toàn bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Chúng triển khai đồng thời 2 mũi tấn công: Càn quét với các chiến thuật và phương tiện “tân kỳ” kết hợp chặt chẽ với thực hiện bình định bằng quốc sách ấp chiến lược (tát gom dân quy khu, lập ấp). Trong vòng 7, 8 tháng đầu địch đã gây cho ta khó khăn, tổn thất, nhưng cuộc chiến đấu đang giằng co quyết liệt. Chiến trận Ấp Bắc đã diễn ra trong tình hình như vậy.
Chúng ta không hề hoảng sợ, trái lại với kinh nghiệm bản thân, chúng ta rất tin rằng các lực lượng cách mạng hoàn toàn có khả năng đánh bại âm mưu, thủ đoạn mới của địch. Khu ủy và Tỉnh ủy đã phân tích đúng tình hình và đề ra quyết tâm phải tạo thế đánh bại chiến thuật Trực thăng vận của địch.
Vùng Ấp Bắc lúc đó là lõm căn cứ du kích được hình thành sau Đồng khởi, đó là một vùng đồng bào được kháng chiến cấp đất, phong trào cách mạng quần chúng rất mạnh. Trong kháng chiến chống Pháp và sau Hiệp định Genève, nơi đây là nơi dung trú của nhiều cơ quan quân sự, chính trị của huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho và Khu 8. Lọt vào đây, kẻ địch như lọt vào một thiên la địa võng.
Diễn biến trận đánh nổi lên là sự vận dụng sáng tạo và phát triển lên đỉnh cao đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Chúng ta đã biết phát huy cao độ khả năng của từng lực lượng quân sự, chính trị đang có tổ chức 3 mũi giáp công chặt chẽ, đồng thời tạo ra một sự tổng hợp lực lượng 3 mặt, trên điểm và trên diện. Phối hợp trên cả 3 vùng giải phóng, tranh chấp, vùng yếu và thị xã, thị trấn.
Lực lượng vũ trang ta tuy kém hơn địch về quân số và phương tiện chiến tranh nhưng mạnh về tinh thần, được nhân dân ủng hộ, có mặt ở khắp nơi và đã hình thành một thế trận chiến tranh nhân dân rất lợi hại. Chúng ta chỉ có 1 đại đội chủ lực khu, 1 đại đội tỉnh, 1 trung đội huyện, nhưng với tinh thần quyết tâm cao độ tiêu diệt địch bảo vệ nhân dân đã dũng cảm ngoan cường, di chuyển linh hoạt trên trận địa có hệ thống công sự tốt đã đương đầu với hàng trung đoàn địch.
Trong ngày quân ta chặn đánh mọi cánh quân: Bảo an địch ở Trường Gà (Điềm Hy) trực thăng ở xóm Hội đồng Vàng, xe tăng ở vùng Mã Tháp, tàu trên kinh Nguyễn Tấn Thành, quân dù ở Tân Hội. Phối hợp với Ấp Bắc, du kích Thân Cửu Nghĩa bám sát sân bay, bắn máy bay cất hạ cánh, du kích các xã bao vây pháo kích các đồn bót, pháo kích vào thị xã Mỹ Tho. Còn phải kể đến một hệ thống xã, ấp chiến đấu của du kích đã bày sẵn. Tất cả hợp đồng chặt chẽ làm cho địch bị bất ngờ lớn về sức mạnh của ta.
Trên cơ sở đã được tổ chức chuẩn bị sẵn, đồng bào ta trong vùng khi súng nổ đã biết phải làm gì. Người già yếu, trẻ con nhanh chóng vào công sự tránh phi pháo. Phụ nữ lo tiếp tế cơm nước, động viên bộ đội. Đông đảo chị em xông ra ngăn chặn các cánh quân, bọn xe tăng, níu kéo, phản đối và thuyết phục chúng không quần nát ruộng, không giết hại đồng bào, vận động binh lính chống lệnh bỏ ngũ về nhà làm ăn. Tinh thần binh lính bị sa sút rõ rệt. Chúng tìm mọi cách để tránh vào trận địa. Bọn Mỹ cũng đã thừa nhận rằng quân ngụy quá hèn yếu.
Bằng hình thức tản cư ngược, hàng ngàn đồng bào từng đoàn còn kéo ra Quốc lộ 1, các ấp chiến lược và khu phố ven lộ tố khổ quân địch bắn giết tàn ác, ngăn chặn Mỹ không cho pháo binh bắn bừa bãi vào xóm làng. Đồng bào đi trên các xe đò cũng bị cuốn hút vào, xuống xe hỏi thăm đồng bào tản cư và đứng xem trận đánh đang diễn ra cách đó 2 - 3 km. Đông đảo các nhà báo, những người hiếu kỳ ở Sài Gòn tràn xuống góp phần làm cho đoạn quốc lộ đó sôi động hẳn lên. Ai cũng thấy thích thú vì quân ngụy khốn đốn, điều đó cũng đã tác động, gây hoang mang, bối rối cho bọn địch trên quốc lộ, thị xã, thị trấn.
Phối hợp qua tiếng súng, đó là khẩu hiệu và đã được thực hiện tốt trong chiến trận Ấp Bắc, một chiến trận được xem như là cả tỉnh tấn công. Trận Ấp Bắc thực sự là điển hình toàn dân đánh giặc. Điều đó khiến cho lực lượng cách mạng được coi là ít nhưng lại là rất đông, là yếu nhưng thật là rất mạnh. Sức mạnh đó là tổng hợp của mọi khả năng quân sự, chính trị, binh vận thể hiện những cách đánh rất phong phú.
Chúng ta có thể kể các cách đánh như chông mìn, đánh bộ binh, súng máy, súng trường đánh máy bay, trôm-lông bắn thẳng vào xe tăng, thủy lôi đánh tàu, níu kéo chặn đầu xe, tản cư ngược đấu tranh. Hàng vạn chiến sĩ và đồng bào xông trận với kiểu cách của mình, trong đó nổi lên các tấm gương rất tiêu biểu như: Đại đội trưởng Bảy Đen chỉ huy chiến trận, 3 Chiến sĩ Gang thép đánh xe tăng, bà má Hai diệt lính dù lấy súng, Bí thư xã Tám Nghề sát cánh với cuộc chiến đấu.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta có không ít những cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược dựa vào sức mạnh của nhân dân, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh và đã chiến thắng oanh liệt. Đó là truyền thống toàn dân đánh giặc cứu nước. Đảng ta đã biết phát huy truyền thống đó và phát triển lên đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Từ những chiến trận chiến đấu đơn lẻ của du kích, những chiến dịch tổng hợp của tỉnh đến các cuộc tấn công 1965, Xuân Mậu Thân 1968, Tổng công kích tổng khởi nghĩa 1975, tất cả đều là sự thể hiện của đường lối chiến tranh nhân dân bách thắng. Chiến trận Ấp Bắc cũng vậy, đó là trận đánh của toàn dân và chiến thắng thuộc về toàn dân.
35 năm đã qua nhưng càng về sau chúng ta càng hiểu sâu sắc ý nghĩa của Chiến thắng Ấp Bắc và từ đó rút ra bài học quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay đất nước ta đang xây dựng trong hòa bình nhưng trên thế giới vẫn còn đó những kẻ muốn làm bá chủ, những kẻ làm giàu bằng bán vũ khí. Chúng ta không được phép mất cảnh giác. Vì vậy, việc chăm lo tăng cường nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân là rất quan trọng. Chúng ta chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ đó bằng việc nung nấu lòng yêu nước của nhân dân, củng cố vững mạnh mặt trận đoàn kết thống nhất dân tộc, ra sức bồi dưỡng nâng cao khả năng trình độ về chiến tranh nhân dân của toàn dân.
HUỲNH VĂN NIỀM