Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rời Hà Nội thăm Hàn Quốc
9 giờ 45 ngày 4-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội thăm Hàn Quốc đến ngày 6-12, theo lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Dự kiến, khoảng 13 giờ ngày 4-12 (15 giờ địa phương), chuyên cơ của Chủ tịch nước đến sân bay Gwangjou (Quang Châu), TP Gwangjou, Hàn Quốc. 17 giờ, Chủ tịch nước gặp Đại sứ quán và đại diện cộng đồng Việt Nam tại Hàn Quốc; 18 giờ, Chủ tịch nước gặp hội hữu nghị.
Ngày 5-12, Chủ tịch nước cùng Đoàn đại biểu cấp cao gặp các doanh nghiệp. 17 giờ ngày 5-2, lễ đón chính thức và dự tiệc chiêu đãi. Ngày 6-12, Chủ tịch nước dự diễn đàn doanh nghiệp; chiều cùng ngày, đoàn thăm TP Gwangjou, dự chương trình nghệ thuật.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc |
Theo Bộ Ngoại giao, trong năm 2021, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt. Đến năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì điện đàm, trao đổi điện mừng, trao đổi đoàn.
Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại. Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì. Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ hai của Việt Nam và nước ta là nước phái cử lao động lớn thứ hai. Hiện nước ta có khoảng 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.
Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ hai sau Trung Quốc). Trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng Việt Nam - Hàn Quốc.
Về hợp tác tư pháp, quan hệ hợp tác giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án Hàn Quốc được triển khai từ năm 2002. Chính phủ hai nước đang thúc đẩy đàm phán ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện để công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, làm việc tại nước kia.
Về hợp tác giáo dục, hai nước đã ký nhiều văn bản hợp tác. Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội (2006); ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học (2016); chuyển giao tàu huấn luyện hàng hải Hannara cho trường Đại học Hàng hải Việt Nam (2020). Việt Nam đã áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm (từ tháng 2-2021).
Về hợp tác nông nghiệp, Hàn Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình Nông thôn mới, nổi bật nhất là Chương trình hạnh phúc tại Quảng Trị và Lào Cai; thông qua tổ chức KOICA, viện trợ không hoàn lại vào các lĩnh vực phát triển nông thôn, nông nghiệp thông minh, phòng chống thiên tai.
Về giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương, theo thống kê của Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, hiện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có hơn 216.000 người, gồm hơn 37.000 lao động phổ thông theo chương trình cấp phép lao động (EPS) và lao động thuyền viên, gần 2.000 lao động kỹ thuật, hơn 60.000 người kết hôn di trú, hơn 14.000 sinh viên, hơn 35.000 thực tập thông thường và nghiên cứu sinh, hơn 32.000 người thăm thân.
Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 180.000 người đang làm ăn kinh doanh tại Việt Nam. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.
Hiện đa số các tỉnh, thành, địa phương của ta đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở 59 địa phương, tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên, TPHCM.
Theo sggp.org.vn