.

Huyện Châu Thành phối hợp chiến đấu trong trận Ấp Bắc

Cập nhật: 13:57, 29/12/2022 (GMT+7)

Huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cả hai tuyến giao thông thủy, bộ huyết mạch nối liền TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ, là cửa ngõ vào Đồng Tháp Mười, nơi có truyền thống cách mạng, người dân nơi đây sớm giác ngộ cách mạng. Trong trận Ấp Bắc, quân và dân Châu Thành đã đồng loạt tấn công địch trên các mặt trận, từ đó góp phần căng kéo lực lượng địch, góp phần chia lửa cho trận địa.

BINH VẬN MẠNH MẼ

Đầu năm 1961, phong trào cách mạng trong huyện có sự chuyển biến mạnh mẽ. Bộ đội tập trung huyện có 1 trung đội trang bị vũ khí đầy đủ. Mỗi xã có 2 đội du kích, trang bị vài khẩu súng, còn lại là mã tấu, súng kíp, ngựa trời. Du kích tổ chức thành 5 loại: Du kích xã (thoát ly), du kích ấp, du kích công binh, du kích đặc công và du kích mật.

Sau Chiến thắng Ấp Bắc, bộ đội giúp dân thu hoạch lúa.
Sau Chiến thắng Ấp Bắc, bộ đội giúp dân thu hoạch lúa.

Các Hội Nông dân giải phóng, Thanh niên giải phóng, Phụ nữ giải phóng phát triển mạnh. Nhà thương (trạm xá), trường học, nhà bảo sanh, phòng thông tin được dựng lên ở nhiều nơi. Thanh thế vùng giải phóng đã thu hút, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân vùng yếu và vùng tranh chấp. Trong vùng giải phóng, nhân dân trồng cây gây rừng, xẻ kinh, đào mương, đắp cản kinh Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Tấn Thành và lập Ban Căn cứ để điều hành công tác.

Đầu năm 1962, địch chuyển hướng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” toàn miền Nam với hai gọng kìm “càn quét” và lập “ấp chiến lược”. Tại Châu Thành, tháng 4-1962, địch xây dựng ấp chiến lược thí điểm tại xã Tân Lý Tây rồi lan ra các xã hệ Cổ Chi (Tân Hội Đông, Tân Lý Đông, Tân Hòa Thành, Phú Mỹ), tiếp theo là xã Thân Cửu Nghĩa, Long An, Tam Hiệp, Phước Thạnh (nay thuộc TP. Mỹ Tho), Thạnh Phú, Bình Đức, Long Định, Đông Hòa, Nhị Bình, Dưỡng Điềm, Kim Sơn, Vĩnh Kim, Song Thuận.

Ngày 8-9-1962, đồng chí Võ Chí Công - Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục và một đồng chí Thường vụ Khu ủy cùng họp với Tỉnh ủy để rút kinh nghiệm và bàn cách tháo gỡ khó khăn. Qua cuộc họp Khu ủy, Tỉnh ủy Mỹ Tho chủ trương phải sử dụng lực lượng tập trung của tỉnh thọc sâu phối hợp với bộ đội địa phương huyện, du kích xã hỗ trợ nhân dân phá ấp chiến lược và chống các cuộc càn quét bằng ba mũi giáp công. Huấn luyện cho bộ đội tỉnh khả năng đánh tiêu diệt từng cánh quân địch đi càn và đánh liên tục, có đánh được địch càn thì mới phá được ấp chiến lược, phát động phong trào quần chúng tại chỗ nổi dậy.

Về quân sự, tổ chức chống càn bằng 3 thứ quân, bằng xã, ấp chiến đấu, bằng vũ khí thô sơ, hầm chông, hố chông ngăn chặn các cánh quân của địch Huyện ủy xác định lực lượng vũ trang có đứng lại đánh địch càn quét mới hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, nhưng quần chúng tại chỗ vẫn là chủ yếu.

Ban đấu tranh chính trị ở xã, ấp phát động gia đình binh sĩ đấu tranh đòi tăng lương binh sĩ, không bắn pháo vào xóm ấp, khuyên binh sĩ đừng khủng bố đồng bào... Tại Chi khu Long Định (xã Long Định), lực lượng đấu tranh chính trị tại ấp Đông, xã Long Định và ấp Long Lợi, xã Long Hưng luôn có sẵn 50 - 60 người, túc trực sẵn sàng đấu tranh với chi khu, chống địch càn quét. Ban Binh vận ở Long An vận động được gia đình tướng Dương Văn Minh tham gia cất giấu hàng tiếp liệu của quân khu và của tỉnh đưa về từ Sài Gòn theo lộ 4.

Thực hiện chủ trương này, Huyện ủy Châu Thành phân công cán bộ xuống tận cơ sở phát động chuẩn bị chống càn, chỉ đạo cho lực lượng vũ trang huyện gấp rút chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, tổ chức, về trận địa, phương án chiến đấu.

Thắng lợi của 2 trận đánh của Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 vào tháng 9-1962 đã rút ra nhiều kinh nghiệm, qua đó ta đã tiếp tục củng cố thêm xã, ấp chiến đấu, cắm chông ngoài đồng trống để chống trực thăng đổ quân, tích cực hình thành các mặt trận chống càn kết hợp lực lượng 3 mặt để sẵn sàng hiệp đồng với bộ binh tỉnh chống càn.

Cuối tháng 11-1962, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 2 triệu tập Hội nghị quán triệt Nghị quyết Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị du kích chiến tranh Bộ Tư lệnh Miền. Hội nghị đề ra nhiều biện pháp quan trọng: Lực lượng vũ trang quân khu, tỉnh, huyện, du kích xã phải bằng mọi cách bám trụ trên những địa bàn trọng yếu được chuẩn bị trước. Có phương án, kế hoạch hiệp đồng chiến đấu giữa 2 lực lượng (quân sự, chính trị), 3 mũi (quân sự, chính trị, binh địch vận), 3 thứ quân (bộ đội tập trung khu, tỉnh, bộ đội địa phương huyện và du kích), nhằm tạo thế căng kéo, thu hút địch, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược.

Hội nghị nhất trí, ở từng cấp tỉnh, huyện, xã phải thành lập Ban chỉ huy thống nhất phá ấp chiến lược, gồm các đồng chí cấp ủy, chỉ huy quân sự, đồng chí phụ trách chính trị, binh địch vận, chỉ đạo, chỉ huy trên từng khu vực.

CHIA LỬA CHO ẤP BẮC

Quán triệt chủ trương của Tỉnh ủy Mỹ Tho, Huyện ủy Châu Thành chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với chính trị, binh vận, lực lượng vũ trang tỉnh chuẩn bị chiến trường chống địch càn quét. Huyện ủy chỉ đạo các xã tích cực xây dựng lực lượng tại chỗ như lực lượng tự vệ, du kích mật sẵn sàng chiến đấu, lực lượng tại chỗ phải phối hợp bao vây đồn bót, phá ấp chiến lược. Lực lượng này phải hoạt động thường xuyên, khi có điều kiện thì phối hợp chiến đấu với lực lượng của trên.

Ngày 2-1-1963, địch mở trận càn “Đức Thắng 01 - 63” vào vùng Ấp Bắc, do Sư đoàn 7 và chiến đoàn bảo an thuộc Tiểu khu Định Tường đảm trách. Sở chỉ huy đặt tại chợ Thuộc Nhiêu, xã Dưỡng Điềm. Tên Đại tá Bùi Đình Đạm - Tư lệnh Sư đoàn 7, tên Trung tá John Paul Vann chỉ huy cùng 51 cố vấn quân sự Mỹ và nhiều sĩ quan quân đội Sài Gòn. Về sau có tên Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao - Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm - Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam cộng hòa đến tham gia. Lực lượng ta gồm Đại đội 1, Tiểu đoàn 261, bộ đội chủ lực Quân khu 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 Mỹ Tho, 1 trung đội huyện Châu Thành, 1 trung đội trợ chiến và lực lượng dân quân du kích tại chỗ. Lực lượng ta tuy ít, trang bị kém nhưng tinh thần chiến đấu rất cao, có kinh nghiệm chống càn, có các mũi binh vận, đấu tranh chính trị và các chiến trường phối hợp, có phương án đánh địch được chuẩn bị trước nên nắm thế chủ động.

5 giờ sáng, 1 tiểu đoàn của địch (3 đại đội dân vệ, biệt kích), chia làm 2 cánh. Cánh thứ nhất đến cầu Trường Gà, xã Điềm Hy, huyện Châu Thành, bị 2 tổ trinh sát và du kích xã chặn đánh. Do lực lượng ta ít, địa hình không thuận lợi nên hai tổ này vừa đánh vừa rút lui. Địch đuổi đến trước trận địa phòng ngự của Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261. Trung đội nổ súng, ghìm địch lại. Trung đội địa phương Châu Thành vận động đánh vào bên sườn và sau lưng. Địch tháo chạy tán loạn, trên 50 tên chết và bị thương, ta bắt 7 tên và thu gần 50 súng.

Cánh thứ hai bị du kích xã Điềm Hy, huyện Châu Thành chặn đánh ở cầu Sao, do địa hình sình lầy nên địch tiến quân chậm hơn. Chúng thọc vào chỗ bố trí của Trung đội 3 địa phương Châu Thành, ta nổ súng diệt địch. Trung đội 3 vận động đánh ngang sườn và sau lưng, địch tháo chạy ra chùa Thầy Lơ.

Khi trận đánh diễn ra, Huyện ủy đưa cán bộ về các địa phương lãnh đạo đấu tranh để phân tán lực lượng địch, hỗ trợ trận địa Ấp Bắc; chỉ đạo các xã lãnh đạo Ban chỉ huy thống nhất tổ chức lực lượng bao vây tấn công đồn bót, ấp chiến lược và phá lộ 4. Lực lượng đấu tranh chính trị, binh địch vận tấn công lên lộ 4, đến sở chỉ huy hành quân của địch tại chợ Thuộc Nhiêu. Tại trận địa pháo binh ở cầu Long Định, quần chúng bao vây, đấu tranh đòi địch không bắn pháo vào xóm, ấp.

Lúc này, Ban đấu tranh chính trị và binh địch vận các xã hệ Cổ Chi, vận động hơn 300 quần chúng tản cư ra chợ Tân Hiệp tung tin “Việt cộng về đông lắm, ấp nào cũng có, súng to, súng nhỏ đủ thứ”. Tên Quận trưởng Bến Tranh ra lệnh rút đại đội bảo an đang càn quét ở Hòa Tịnh về bảo vệ Tân Hiệp. Du kích các xã Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Long Định, Nhị Bình,... chặn đánh, làm tắc nghẽn giao thông, buộc bọn bảo an chi khu phải phân tán ra để giữ lộ 4.

Sau trận Ấp Bắc, dân quân Châu Thành được sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 261, bao vây thị trấn Vĩnh Kim, giải phóng xã Đông Hòa. Vùng giải phóng 20-7 được mở rộng về phía Đông đến kinh Nguyễn Tấn Thành, phía Bắc sát lộ 4, phía Nam giáp sông Tiền. Hành lang vận chuyển vũ khí từ tỉnh Bến Tre lên lộ 4 về căn cứ Tháp Mười thông suốt.

Qua 3 năm xây dựng, lực lượng ta ngày càng phát triển rộng khắp tạo nên thế giằng co quyết liệt với địch. Qua các trận đánh phối hợp nhịp nhàng quân và dân Châu Thành với Tiểu đoàn 514 từ tháng 9-1962 đến ngày 2-1-1963 là bài học lớn của quân và dân Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho và cả miền Nam vượt qua khó khăn, sẵn sàng đối đầu với các chiến thuật tân kỳ của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng Ấp Bắc thể hiện Đảng bộ huyện Châu Thành nắm vững đường lối cách mạng của Đảng, từ đó lãnh đạo quân và dân liên tục tiến công từ đấu tranh chính trị tiến lên chiến tranh cách mạng, giành thắng lợi từng phần tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi đó thể hiện nhân dân huyện Châu Thành giác ngộ cách mạng, tập hợp xung quanh Đảng bộ với truyền thống yêu nước, lòng dũng cảm, trí thông minh tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn, liên tục, mạnh mẽ, bằng nhiều hình thức đấu tranh sinh động, phong phú, bám trụ, xây dựng căn cứ và cùng với lực lượng vũ trang thực hiện tốt kết hợp 3 mũi giáp công tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo quân thù giành thắng lợi.

TRƯƠNG MINH TỚI
(Bí thư Huyện ủy Châu Thành)

(Báo Ấp Bắc lược trích)

.
.
.