Thứ Tư, 28/12/2022, 14:42 (GMT+7)
.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc trong xây dựng và phát triển tỉnh Tiền Giang

Để tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963) mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và quân dân tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục phát huy và vận dụng sáng tạo những bài học quý báu năm xưa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Nhân dân Ấp Bắc - Mỹ Tho năm xưa đã quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, lập nên những chiến công vang dội, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước; thì ngày nay nhân dân Tiền Giang tiếp tục phát huy tinh thần hào hùng của Chiến thắng Ấp Bắc, với nghị lực và niềm tin tất thắng, quyết tâm tạo nên những thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, hiện đại và văn minh.

NIỀM TỰ HÀO TO LỚN

Chiến thắng Ấp Bắc đã làm thất bại chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của địch, mở đầu cho phong trào đánh bại chiến thuật mới của địch trên toàn chiến trường miền Nam. Đó là chiến công có ý nghĩa chiến lược, mở ra cục diện mới, tạo ra điển hình mới, đem lại lòng tin cho chiến sĩ và nhân dân ta ở miền Nam có khả năng đánh thắng Mỹ về quân sự trong “Chiến tranh đặc biệt”.

Chiến thắng Ấp Bắc làm đảo lộn các chiến thuật và chiến lược của đế quốc Mỹ; làm nhụt ý chí xâm lược của kẻ thù, làm lung lay chế độ tay sai Ngô Đình Diệm, gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa III, tháng 12-1963, khẳng định: “Sau những thất bại nặng nề của kế hoạch Xtalây - Taylo, nhất là sau Chiến thắng Ấp Bắc của quân và dân miền Nam, đế quốc Mỹ đã bắt đầu không tin là chúng sẽ thắng, và đã công khai nói lên sự mất tin tưởng đó”. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được, đến trận Bình Giã, thì Mỹ thấy sẽ thua ta trong “Chiến tranh đặc biệt”.

Chiến thắng Ấp Bắc được Khu ủy Khu 8 tổng kết đánh giá cao và đến tháng 4-1963, Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn miền Nam, tiến tới đánh bại hoàn toàn các chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngày 24-2-1976, tỉnh Tiền Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Mỹ Tho, thành phố Mỹ Tho và tỉnh Gò Công. Phát huy tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước cho người có công, đẩy mạnh khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười, Chương trình “Ngọt hóa” Gò Công, phân phối điều hòa lại đất đai cho nhân dân; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị toàn diện.

ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Trải qua 11 kỳ Đại hội, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã thực hiện và đạt nhiều thành quả tích cực, từ địa phương thuần nông, tỉnh đã phát triển trở thành một địa phương có thứ hạng cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có cơ cấu kinh tế đồng bộ, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tỉnh tập trung thực hiện chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược và lâu dài; chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai, quán triệt kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của địa phương; đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện sát với điều kiện thực tế ở cơ quan, đơn vị, địa phương; nhất là thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy sát hợp và hiệu quả; ban hành nghị quyết theo hướng tập trung vào những vấn đề trọng tâm, lĩnh vực đột phá, mang tính chiến lược. Chú trọng công tác tự phê bình và phê bình, xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ. Thường xuyên củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đi vào nền nếp.

Về phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Tiền Giang luôn có dự báo, nắm bắt thời cơ, đánh giá sát, đúng tình hình, kịp thời chuyển dịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ngay khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động đều khẩn trương chuyển sang trạng thái bình thường mới, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nên hầu hết các ngành, các lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng khá tốt, nhiều chỉ tiêu về kinh tế thực hiện đạt so với Nghị quyết năm và tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt trong năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và tình hình thế giới có những tác động không thuận lợi, nhưng kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang có những bước phát triển mạnh mẽ.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,02% so với năm 2021. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 41.750 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ. Năm 2022, có 895 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 133,6% kế hoạch với tổng vốn đăng ký là 5.900 tỷ đồng. Tỉnh thu hút 33 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 6 lần so với năm 2021.

Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ổn định. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt. Các ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại - dịch vụ tăng trưởng tốt. Xuất khẩu đạt kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 3,6 tỷ USD, tăng 15,9% so cùng kỳ. Hoạt động du lịch có dấu hiệu khả quan, lượng khách du lịch nội địa tăng cao, du lịch quốc tế cũng dần được phục hồi, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh tăng gấp 3 lần so năm 2021.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh được chú trọng đầu tư có trọng điểm và ngày càng hoàn thiện; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, xã hội... tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cải thiện; tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

***

Đối với Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền GIang, hơn 30 năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương; cùng với sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, hội viên, Hội Cựu chiến binh Tiền Giang đã có bước phát triển vững chắc; giữ vững bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”; phát huy truyền thống “Trung thành - đoàn kết- gương mẫu - đổi mới”; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.

Tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống, tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước; tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm và các tệ nạn xã hội; phát huy tốt vai trò của các tổ chức Hội trong tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19, góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2017- 2022 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; tiếp tục khẳng định là một tổ chức chính trị- xã hội uy tín; thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ôn lại truyền thống hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có tinh thần chiến đấu và Chiến thắng Ấp Bắc, mỗi chúng ta như sống lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc. Một lần nữa, chúng ta những cựu chiến binh đã trải qua chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế mãi mãi ghi nhớ và biết ơn sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, của đồng bào, đồng chí trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh đó là vô cùng to lớn, để chúng ta có độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.

PHAN HÙNG MÃNH

(Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang)

 

.
.
.