"Nóng" vấn đề cung cấp nước sạch và xử lý rác thải tập trung
(ABO) Vấn đề cấp nước sạch cho người dân và tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác tập trung là những vấn đề "nóng" đại biểu và cử tri luôn quan tâm ở nhiều kỳ họp HĐND tỉnh. Tại Phiên giải trình, Kỳ họp thứ 7 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa X vào sáng 10-12, các vấn đề này tiếp tục được đại biểu HĐND tỉnh đặt ra và đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành tỉnh giải trình, đề ra giải pháp cụ thể tháo gỡ những hạn chế, bất cập kéo dài.
NHIỀU GIẢI PHÁP CUNG CẤP NƯỚC SẠCH
Tại Phiên giải trình, các đại biểu cho rằng, báo cáo của UBND tỉnh về tình hình, kết quả cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri tại các xã trên địa bàn huyện Cái Bè, cử tri phản ánh còn nhiều hộ dân (vùng giáp ranh, nơi ở phân tán) chưa được tiếp cận nguồn nước từ Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã được phân vùng cấp nước. Đại biểu đề nghị lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng tỉnh giải trình nguyên nhân, kế hoạch và lộ trình thực hiện cấp nước trong thời gian tới.
Đồng chí Phạm Văn Trọng làm rõ thêm công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh đối với vấn đề cấp nước sinh hoạt và xử lý rác thải tập trung trong thời gian qua. |
Giải trình vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Hà Thiện Ý cho biết, tính đến nay tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung là 96,34%, còn 15.246 hộ dân chưa tiếp cận trạm cấp nước, chiếm 3,66% số hộ dân nông thôn, do các hộ dân này nằm trong vùng lõm cách xa mạng lưới cấp nước của các trạm cấp nước. Trong thời gian chưa thể đầu tư mạng lưới cấp nước đến các hộ này, bằng nhiều chương trình, dự án, thời gian qua, người dân ở khu vực này đã trang bị lu, bể chứa nước mưa đảm bảo sử dụng được nước hợp vệ sinh.
Tỉnh đã đầu tư Dự án Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm Bơm tăng áp Gò Công tạo điều kiện cho Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang lắp đặt tuyến ống nối mạng cấp nước đến các cụm dân cư vùng lõm chưa tiếp cận nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung, vùng thiếu nước xảy ra cục bộ trong các tháng mùa khô ở các huyện phía Đông. Dự kiến đến năm 2025, công ty sẽ lắp đặt 25 tuyến ống thứ cấp để cung cấp nước cho 3.636 hộ dân trên địa bàn các huyện Đông.
Dự kiến năm 2023, tỉnh sẽ đầu tư thêm 11 tuyến ống cấp nước (trong đó: Tân Phú Đông 5 tuyến, Gò Công Đông 6 tuyến), sẽ cung cấp cho 1.200 hộ trên địa bàn huyện Gò Công Đông (900 hộ) và Tân Phú Đông (300 hộ).
Đại biểu Đặng Văn Tung có ý kiến về vấn đề cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện Cái Bè. |
Riêng số hộ chưa tiếp cận nguồn nước trên địa bàn huyện Cái Bè là 1.593 hộ. Cụ thể ở xã Tân Hưng 451 hộ, xã Thiện Trung 396 hộ, xã Hòa Khánh 400 hộ, xã Mỹ Trung 336 hộ, xã Hậu Mỹ Trinh 10 hộ. Số hộ này nằm trong phạm vi vùng cấp nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang. Trong năm 2022, công ty đã lắp đặt được 2 tuyến ống cấp nước trên địa bàn xã Hòa Khánh, xã Mỹ Trung và lắp đặt đồng hồ nước cho 151 hộ (xã Hòa Khánh 97 hộ và xã Mỹ Trung 54 hộ). Số hộ còn lại công ty đang phối hợp với địa phương để lắp đặt đồng hồ.
Đồng chí Hà Thiện Ý trả lời vấn đề đại biểu đặt ra tại Phiên giải trình. |
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, giao Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang cam kết tiếp tục đầu tư tuyến ống chuyển tải nước qua địa bàn các xã còn lại để cung cấp nước đến các hộ dân chưa được sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung trên địa bàn các xã này.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra đề xuất UBND tỉnh xem xét việc điều chỉnh Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 1-4-2020 của UBND tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu và nguồn lực hiện nay; trong đó, có huyện Cái Bè.
Việc đầu tư hệ thống cấp nước cho địa bàn còn lại như đại biểu phản ánh là rất khó khăn do vùng giáp ranh, nơi ở phân tán. UBND tỉnh ghi nhận ý kiến của các đại biểu, sau kỳ họp này, UBND tỉnh sẽ họp các ngành chức năng tỉnh để đưa ra phương án sắp tới đầu tư như thế nào, có thể theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa việc thực hiện cấp nước cho người dân...
KHẨN TRƯƠNG ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH, TIẾP TỤC KÊU GỌI ĐẦU TƯ DỰ ÁN NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC THẢI TẬP TRUNG
Tại Phiên giải trình, đại biểu Đoàn Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Tân Phước cho rằng, hiện nay, các bãi rác ở các địa phương đang trong tình trạng quá tải, chủ yếu tập kết rác chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết tiến độ và giải pháp thu hút đầu tư các nhà máy xử lý rác thải tập trung ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Giải trình vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết, để triển khai công tác xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định 3212 ngày 11-12-2013, Quyết định 2594 ngày 24-10-2014, Quyết định 2496 ngày 16-8-2017 về việc Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh xác định 2 địa điểm xử lý rác tập trung chính của tỉnh là bãi rác Long Chánh, TX. Gò Công xử lý rác cho khu vực phía Đông; bãi rác Tân Lập, huyện Tân Phước xử lý rác cho khu vực phía Tây và các khu xử lý rác trên địa bàn các huyện.
Đại biểu Đoàn Văn Tuấn phát biểu về tình hình ô nhiễm tại các bãi rác tập trung tại Phiên giải trình. |
Về tiến độ thu hút đầu tư các nhà máy xử lý rác thải tập trung, đối với Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Long Chánh, ngày 24-12-2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3691 về việc chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải Long Chánh là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland - Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Huy Hoàng và Công ty cổ phần Môi trường Huy Hoàng ECO (gọi tắt là Liên danh) để thực hiện Nhà máy Xử lý rác thải Long Chánh.
Quá trình triển khai thực hiện dự án có vướng mắc liên quan đến quy định về khoảng cách an toàn môi trường theo QCVN 01:2021/BXD của Bộ Xây dựng (quy định là ≥ 500 m đến các công trình dân dụng). Liên quan đến quy định này và qua làm việc, các sở, ngành tỉnh thống nhất cho rằng việc di dời, giải tỏa các hộ dân, công trình dân dụng trong phạm vi bán kính 500 m là không thực hiện được. Do không thể đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định nên ngày 11-11-2022 Liên danh đầu tư đã có đề nghị chấm dứt hoạt động của Dự án Đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Long Chánh.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Vân có ý kiến tại Phiên giải trình. |
Đối với Dự án Bãi rác Tân Lập, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, quá trình tổ chức thực hiện (đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư) do không có nhà thầu đáp ứng về yêu cầu năng lực kinh nghiệm theo nội dung mời thầu nên không thể lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, qua rà soát lại, việc triển khai dự án cũng còn nhiều bất cập cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt là liên quan đến quy hoạch khu Đông Nam Tân Phước, Dự án Khu nghỉ dưỡng và sân golf Tiền Giang, Khu dân cư Hòa Cường có chồng lấn với khu vực dự kiến đầu tư Nhà máy Xử lý rác thải Tân Lập.
Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát tình hình triển khai các dự án đã cấp chủ trương hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... trong khu vực Đông Nam Tân Phước, đề xuất quy hoạch, diện tích, quy mô khu xử lý rác tại huyện Tân Phước (tại Bãi rác Tân Lập hiện hữu) để làm cơ sở mời gọi đầu tư đối với dự án nhà máy xử lý rác thải theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu giải trình làm rõ thêm các vấn đề đại biểu đặt ra tại Phiên giải trình. |
Trong thời gian chờ đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của tỉnh, UBND tỉnh cũng đã ban hành các Kế hoạch số 146 ngày 1-6-2020 và Kế hoạch số 24 ngày 11-8-2021 để giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện.
Cụ thể: UBND huyện Chợ Gạo phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập dự án thí điểm đóng cửa bãi rác tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo làm cơ sở rút kinh nghiệm thực hiện trong toàn tỉnh đối với các bãi rác còn lại sau khi khu xử lý chất thải rắn phía Đông và phía Tây của tỉnh được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành.
UBND các huyện: Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông lập phương án cụ thể tổ chức thực hiện để kiểm soát và hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường hiện hữu tại bãi rác (3 bãi rác tại huyện Gò Công Tây, bãi rác Kiểng Phước - Gò Công Đông, xây dựng và đưa vào vận hành bãi rác Tân Phú Đông tại khu vực hiện hữu hoặc có giải pháp để xử lý chất thải rắn huyện Tân Phú Đông phù hợp theo quy định pháp luật).
Đồng chí Phạm Văn Trọng nhấn mạnh: “Về phía lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh quy hoạch, tiếp tục kêu gọi đầu tư, đề ra các biện pháp xử lý rác một cách khoa học, trong đó có tính toán đến việc nếu không thể thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Long Chánh thì sẽ xử lý rác theo hướng nào. Tỉnh cũng đang nghiên cứu đến việc áp dụng công nghệ vào xử lý rác; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thêm các giải pháp khác đúng quy định pháp luật và phù hợp thực tiễn của địa phương.
Tuy nhiên, xử lý rác là vấn đề không đơn giản, cần sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội. Đồng chí mong rằng, các ngành, các cấp cần thay đổi cách nhìn về rác thải, coi đây là tài nguyên quý, là nguồn lực để phát triển; cần nâng cao ý thức tự giác của mỗi người trong bảo vệ môi trường; tuyên truyền nhân rộng những mô hình hay xử lý rác đến mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức sinh hoạt hằng ngày hạn chế tạo ra thêm nguồn rác thải; cần chung tay có trách nhiệm xử lý rác thải, để rác thải không còn là một vấn nạn trong thời gian tới.
HOÀI THU - TUẤN LÂM