Nhiều vấn đề "nóng" cần tháo gỡ
(ABO) Trong ngày làm việc thứ hai (9-12) của Kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, nhiều vấn đề còn khó khăn, bất cập thời gian qua như: Tiến độ di dời Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang; thu hút bác sĩ về huyện, xã; cấp nước sinh hoạt cho nhân sân; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác; việc khai thác sử dụng nhà văn hóa xã, ấp; án tạm đình chỉ còn nhiều… đã được các đại biểu đề cập trong phiên thảo luận tổ.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri tỉnh nhà, các đại biểu đã cho nhiều ý kiến các tờ trình kèm theo dự thảo Nghị quyết; thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023.
TẬP TRUNG NGUỒN LỰC DI DỜI BỆNH VIỆN
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Liên quan đến tiến độ di dời Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, đại biểu Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang cho biết: Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang là một công trình đầu tư công quy mô hiện đại được UBND tỉnh tập trung nhất trong xây dựng cơ bản. Bệnh viện được xây dựng trên diện tích 10 ha, khu chính có 10 tầng nổi và một tầng hầm, quy mô 1.000 giường tại xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho.
Công trình có tổng diện tích 23.000 m2; trong đó, diện tích xây dựng hơn 19.000 m2, bao gồm một khu phức hợp với bốn khối chức năng cao 10 tầng, kinh phí 2.350 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 1.750 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng địa phương.
Đại biểu Tạ Văn Trầm thông tin về tiến độ di dời bệnh viện 1.000 giường tại phiên thảo luận tổ. |
Sau thời gian thi công, đến nay Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang đã hoàn thành xây dựng cơ bản và đang thực hiện lắp đặt thiết bị y tế. Do nguồn vốn tỉnh còn hạn chế nên chưa đầu tư mới thiết bị cơ sở vật chất phục vụ khám, chữa bệnh, vì vậy phải di dời từ bệnh viện cũ sang. Quá trình thực hiện di dời, lắp đặt các trang thiết bị và mua sắm tài sản cho bệnh viện 1.000 giường rất chậm, nhất là công tác đấu thầu di dời, mua sắm các máy móc, thiết bị y tế có giá trị lớn gặp khó khăn, đa phần các nguyên nhân từ khách quan.
Liên quan đến tiến độ di dời bệnh viện, đại biểu Tạ Văn Trầm cho biết, mặc dù có Đề án Mua sắm cho bệnh viện 1.000 giường mới nhưng do kinh phí còn khó khăn nên phải tiến hành di dời từ bệnh viện cũ sang. Theo đó, sau khi bàn giao, dưới sự chủ trì của UBND tỉnh, các sở, ngành hữu quan tiến hành đấu thầu 3 gói thầu gồm: Gói thầu 1, di dời cơ sở vật chất (bàn, ghế, tủ, giường…); gói thứ 2 di dời hệ thống không lắp đặt (hệ thống cấp cứu điều trị cho bệnh nhân); gói thầu 3 di dời các hệ thống máy lắp đặt quy mô lớn, quan trọng. Theo đó, đến nay 2 gói 1 và 2 đã có đơn vị trúng thầu.
Tuy nhiên, gói thầu 3 gặp khó khăn bởi theo luật quy định những người tham gia yêu cầu phải có chứng chỉ di dời, tháo ráp máy móc thiết bị, nên các đơn vị trúng thầu phải liên hệ với các hãng quốc tế thương lượng, điều chỉnh, nên mất nhiều thời gian. Đến nay, đã mở thầu điện tử, bệnh viện có 1.400 bệnh nhân cho nên di dời là phải di dời cả 3 gói thầu để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân. Hy vọng 10 ngày nữa khi có đơn vị trúng gói thầu 3, khi đó tiến hành di dời.
Đại biểu Tạ Văn Trầm cho biết thêm, tháng 9 -2022, bệnh viện đã vận hành hệ thống công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu toàn quốc thành công phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời, hệ thống xử lý nước thải của toàn bệnh viện đã được vận hành thành công và bàn giao. Trong tháng 10-2022, hệ thống điều hòa không khí được vận hành. Tháng 11-2022, camera an ninh của toàn bệnh viện đã được bàn giao và đến ngày 30-11 đã hoàn thành đưa vào vận hành hệ thống thang máy di chuyển bệnh nhân và các hệ thống thang máy của toàn bệnh viện…
Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát các công trình dự án thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 (trong ảnh: Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang - bệnh viện 1.000 giường). |
Mặt khác, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các ngành hữu quan nên các điều kiện để vận hành bệnh viện đến nay đã cơ bản đáp ứng, trong đó có 5 loại giấy phép như: Giấy phép hoạt động, về môi trường, phòng cháy, chữa cháy… đã thực hiện xong đảm bảo đủ điều kiện để sẵn sàng đưa vào phục vụ. Hiện nay, hằng ngày, bệnh viện đều có cử cán bộ lên tập huấn vận hành máy móc để chuẩn bị sẵn sàng khi di dời sẽ vận hành thông suốt. Dự kiến, việc di dời sẽ hoàn thành, bệnh viện mới đi vào hoạt động đầu năm 2023.
ÁN TẠM ĐÌNH CHỈ CÒN NHIỀU
Theo báo cáo HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và không khởi tố, điều tra các vụ án hình sự, thì tổng số vụ án tạm đình chỉ điều tra trên 2.000 vụ (chỉ đạt 37,08 %). Tỷ lệ án tạm đình chỉ trong giai đoạn điều tra một số nơi chiếm tỷ lệ khá cao: Huyện Cái Bè (45,04%), huyện Châu Thành (42,7%) và TP. Mỹ Tho (47,1%); số án phục hồi điều tra thấp: Huyện Tân Phước (5 vụ), huyện Gò Công Đông (10 vụ), huyện Tân Phú Đông (4 vụ) và huyện Chợ Gạo (8 vụ).
Đại biểu Đoàn Tấn Minh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. |
Tại Phiên thảo luận tổ, đại biểu Trương Văn Chung, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành trong xử lý, điều tra, xét xử các loại tội phạm. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và không khởi tố, điều tra các vụ án hình sự, thì tổng số vụ án tạm đình chỉ điều tra lớn hơn nhiều so với số vụ phục hồi điều tra, số án tạm đình chỉ trong xã hội còn quá lớn, trên 2.000 vụ. Điều đó cho thấy khả năng truy vết điều tra, khám phá các vụ án hiện nay còn thấp, đề nghị cơ quan Tư pháp, cơ quan Cảnh sát điều tra và các ngành liên quan xem xét, có giải pháp xử lý triệt để. Đây cũng là nguyên nhân khiến tội phạm ngoài xã hội còn cao.
Đại biểu thảo luận tại tổ. |
Ngoài ra, theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh, có rất nhiều tin báo, tố giác tội phạm và cơ quan Điều tra đã làm hết trách nhiệm nhưng người bị tố giác, người bị hại không hợp tác, trốn tránh việc cung cấp lời khai dẫn đến không đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự nên phải tạm đình chỉ việc giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm.
Bên cạnh đó, cơ quan Điều tra còn xảy ra một số thiếu sót như cập nhật sổ sách không đầy đủ, không thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận cho Viện Kiểm sát nhân dân; chậm gửi đề nghị gia hạn thời hạn xác minh tố giác, tin báo; chậm gửi quyết định không khởi tố đến Viện Kiểm sát nhân dân; biên bản lời khai không ghi đầy đủ thông tin theo biểu mẫu quy định...
Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang đã đến làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác khởi tố, điều tra các vụ án hình sự. |
Liên quan đến số án tạm đình chỉ trong xã hội còn quá lớn, đại biểu Đoàn Tấn Minh, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc phối hợp đo đạc, thẩm định tại chỗ giữa các cơ quan tư pháp và cơ quan hành chính hiện nay còn chậm, cũng như việc cung cấp tài liệu phục vụ cho công tác xét xử các vụ án hành chính cũng còn chậm dẫn đến một số vụ án bị đình chỉ. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh sớm ban hành quy chế phối hợp giữa Ban cán sự Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và UBND tỉnh để kịp thời giải quyết khó khăn, hạn chế trên.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, một trong các nguyên nhân trên là tin báo, tố giác có nội dung không rõ ràng, việc định giá tài sản, trưng cầu giám định chưa tiến hành kịp thời; kỹ năng khai thác thông tin từ người báo tin hoặc tố giác còn hạn chế. Trong khi đó, cơ quan Công an đôi lúc còn lúng túng trong công tác kiểm tra, xác minh sơ bộ về vụ án; việc theo dõi không xuyên suốt vụ việc dẫn đến hết hạn điều tra nên phải tạm đình chỉ.
HOÀI THU - TUẤN LÂM