Thứ Năm, 08/12/2022, 21:05 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Những điểm sáng trong năm 2022

(ABO) Bên cạnh các chỉ tiêu đạt và vượt như: Sản xuất công nghiệp; hoạt động thương mại - dịch vụ; xuất khẩu; thu ngân sách, thu hút đầu tư… thì công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực và việc thực hiện các chính sách tín dụng cũng là những điểm sáng góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế tỉnh Tiền Giang phát triển.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PCTN

Trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác PCTN năm 2022 gắn với chương trình phát triển toàn diện về KT-XH trên địa bàn tỉnh; trong đó, một số mục tiêu trọng tâm được tập trung chỉ đạo thực hiện là nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, nâng cao mức độ tín nhiệm của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước các cấp.

Thủ trưởng các cơ quan, tố chức, đơn vị, UBND các huyện, thành, thị đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng một cách công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuấn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng kế hoạch chuyên đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Công tác thanh tra, kiểm tra đã được tích cực triển khai theo kế hoạch và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Bị cáo Trần Thị Cẩm Nhung (34 tuổi, ngụ xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước) về tội
Bị cáo Trần Thị Cẩm Nhung (34 tuổi, ngụ xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước) về tội "Tham ô tài sản" xảy ra tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tân Phước.

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh khóa X, Chánh Thanh tra tỉnh Tiền Giang Hồ Hữu Nghị cho biết: Qua công tác thanh tra hành chính, toàn ngành triển khai thực hiện 83 cuộc thanh tra; trong đó, có 67 cuộc triển khai trong kỳ, 16 cuộc kỳ trước chuyển sang; 72 cuộc theo kế hoạch và 11 cuộc đột xuất.

Đã ban hành 64 kết luận thanh tra đối với 151 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 66,1 tỷ đồng và 53,2 m2 đất. Kiến nghị xử lý vi phạm gồm: Thu hồi nộp ngân sách 23,1 tỷ đồng và 53,2 m2 đất, kiến nghị xử lý khác 43 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 28 tổ chức và 342 cá nhân…

Đồng thời, đã thực hiện 3.010 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; trong đó, 4 cuộc kỳ trước chuyển sang (2.299 cuộc thường xuyên, 591 cuộc theo kế hoạch và 120 cuộc đột xuất), đã báo cáo kết quả kiểm tra 2.984 cuộc đối với 2.853 tổ chức, cá nhân, có 875 trường hợp vi phạm, tổng số tiền vi phạm 9,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,1 tỷ đồng; ban hành 807 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 14,2 tỷ đồng, xử phạt bằng hình thức khác 38 tổ chức, 31 cá nhân; buộc bơm trả lại lòng sông tại vị trí vi phạm 95,43 m3 cát; tịch thu 107,827 m3 khoáng sản, 1 phương tiện sắt và 2 phương tiện gỗ trị giá 338 triệu đồng; kiểm điểm rút kinh nghiệm 6 cá nhân. Qua thanh tra chưa phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, tiêu cực.

Chánh Thanh tra tỉnh Hồ Hữu Nghị Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Chánh Thanh tra tỉnh Hồ Hữu Nghị báo cáo kết quả thực hiện công tác PCTN năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác PCTN còn nhiều hạn chế như: Việc xây dựng thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; việc xác minh tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích; công tác kiểm tra chấp hành pháp luật, tự kiểm tra nội bộ chưa phát huy hiệu quả; một số giải pháp đã được triển khai thực hiện nhưng vẫn còn hạn chế, sai sót cần phải được tiếp tục chấn chỉnh để nâng cao hiệu quả phòng ngừa.

Theo Thanh tra tỉnh Tiền Giang, thời gian tới, ngành sẽ tăng cường hoạt động quản lý nhà nước và hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực, nhất là việc theo dõi, đánh giá công tác PCTN; chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin theo quy định.

Quang cảnh kỳ họp thứ 7
Quang cảnh Kỳ họp thứ 7.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, điều tra, tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực (đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư; tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức...); phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối họp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Cùng với đó là phối hợp với các ngành chức năng tiến hành các cuộc kiểm tra chuyên đề về thực hiện công tác PCTN.

CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG HỖ TRỢ PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN

Báo cáo tại kỳ họp cho thấy, năm 2022, cùng với các ngành, các cấp, ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi phát triển KT-XH tỉnh.

Theo đó, công tác huy động vốn, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được giữ ổn định. Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh Covid-19 ở trong nước cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường.

Nhìn chung, lãi suất tiết kiệm và mặt bằng lãi suất cho vay tại hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng so với thời điểm đầu năm. Đến cuối tháng 10-2022, lãi suất cho vay phổ biến ờ mức trên  4,5% - 9%/năm đối với ngắn hạn, trên 11% - 13%/năm đối với trung dài hạn.

Các NHTM chấp hành nghiêm mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN là 4,5%/năm. Tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm phù hợp với cân đôi vĩ mô, đáp ứng nhu câu vốn cho phát triển kinh tế của tỉnh gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ; ước đến cuối năm 2022, vốn huy động đạt 87.438 tỷ đồng, tăng 7.949 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang làm việc với ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của ngành kinh tế như: Cho vay thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, cho vay xuất khẩu, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ người dân, thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như: Cơ cấu lại nợ, cho vay mới, miễn giảm lãi, phí; triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng... đạt hiệu quả. Ước đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đạt 82.316 tỷ đồng, tăng 10.424 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Nợ xấu, tăng trưởng dư nợ trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh. Tích cực xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11-10-2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính nên tỷ lệ nợ xấu của ngành Ngân hàng tỉnh vẫn nằm ở mức an toàn (dưới 3%). Dự kiến cuối năm, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,9% trên tổng dư nợ với số dư 725 tỷ đồng, giảm 14,7% so năm 2021.

Lãnh đạo một số ngân hàng trên đại bàn tỉnh phát biểu về những khó khăn trong thực hiện một số chủ trương, chính sách của Trung ương.
Lãnh đạo một số NHTM trên đại bàn tỉnh phát biểu về những khó khăn trong thực hiện một số chủ trương, chính sách của Trung ương, đề nghị tháo gỡ để ngành Ngân hàng thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng, góp phần thúc đẩy KT-XH tỉnh Tiền Giang phát triển.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng, trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng (tín dụng thương mại và tín dụng chính sách) phù hợp với định hướng phát triển KT-XH tỉnh, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng.

Trong đó: Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, các chương trình tín dụng ưu tiên, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục triển khai xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của cấp trên về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính.

Chủ động điều hòa lượng tiền mặt của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, duy trì dự trữ hợp lý nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt cho lưu thông cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá, đẩy mạnh công tác an toàn kho quỹ. Bám sát diễn biến thu, chi tiền mặt tại các tổ chức tín dụng.

Phấn đấu nguồn vốn huy động trong năm 2023 tăng trưởng khoảng 8% so với năm 2022, với số dư là 92.716 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 14% so với năm 2021, với số dư là 93.431 tỷ đồng, phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

THU HOÀI - TUẤN LÂM

 

.
.
.