.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ẤP BẮC (2-1-1963 - 2-1-2023)

Đảng bộ, quân và dân tỉnh Mỹ Tho, Gò Công phát huy tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc, quyết chiến đến thắng lợi hoàn toàn

Cập nhật: 10:49, 16/12/2022 (GMT+7)

Trong thắng lợi vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Mỹ Tho, Gò Công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mang đậm dấu ấn của tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc!

MỞ RỘNG VÙNG GIẢI PHÓNG

Với khí thế “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết tâm lãnh đạo nhân dân nổi dậy mở “Vùng giải phóng 20 tháng 7” bao gồm 14 xã phía Nam Lộ 4 thuộc 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành. Đây là khu vực đông dân huyện Cai Lậy, Châu Thành, có vị thế quan trọng đối với lực lượng cách mạng và quân Mỹ - ngụy; là nơi diễn ra cuộc tranh chấp quyết liệt giữa “bình định” của giặc và chống phá bình định của cách mạng nhằm giành quyền kiểm soát, giành đất, giành dân.

Xác xe tăng M113 Mỹ bị ta bắn cháy, bỏ xác trải dài theo đường Nguyễn Tri Phương, nay là đường Ấp Bắc trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Vũ Hoài Nam
Xác xe tăng M113 Mỹ bị ta bắn cháy, bỏ xác trải dài theo đường Nguyễn Tri Phương, nay là đường Ấp Bắc trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Vũ Hoài Nam

Để “bình định”, kẻ địch không từ bỏ một thủ đoạn tàn bạo nào hòng khuất phục người dân, buộc họ phải rời bỏ ruộng vườn, nhà cửa vào sống trong “khu trù mật”, “ấp chiến lược”. Thực hiện điều này, Mỹ - ngụy muốn xóa bỏ hạ tầng cơ sở của chiến tranh nhân dân, bao gồm cơ sở chính trị, căn cứ du kích, vùng giải phóng và triệt phá vùng hậu phương - nơi cung cấp quan trọng tiềm lực cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Trong cuộc đấu tranh này, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Mỹ Tho thực hiện phương châm “3 bám”, “một tấc không đi, một ly không rời”, đẩy mạnh 3 mũi giáp công, mở rộng quyền làm chủ ở nông thôn, xây dựng xã, ấp chiến đấu thành vùng hậu phương cho cuộc kháng chiến. Vùng giải phóng “20 tháng 7” thật sự trở thành hậu phương tại chỗ của lực lượng cách mạng, của quân dân du kích, bộ đội địa phương và các đơn vị bộ đội chủ lực quân khu và của miền.

Trong 2 năm (1964 - 1965), tình hình chiến sự diễn ra quyết liệt. Ở Mỹ Tho, Gò Công, quân dân ta thực hiện tiến công liên tục, giành nhiều thắng lợi giòn giã, vẫn giữ thế chủ động trên chiến trường. Thế và lực của cách mạng ngày càng lớn mạnh, vùng giải phóng ở Mỹ Tho, Gò Công ngày càng mở rộng. Các mục tiêu của địch tại TP. Mỹ Tho, thị xã, thị trấn, các điểm quân sự, hậu cứ không còn an toàn như trước.

ĐẾN THẮNG LỢI HOÀN TOÀN

Tháng 3-1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Đây là đỉnh cao của cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ, là giai đoạn cực kỳ gian khổ, ác liệt. Quân và dân ta phải trực tiếp đương đầu với đội quân viễn chinh Mỹ và cũng là giai đoạn mà sức mạnh của cả nước Mỹ huy động vào cuộc chiến tranh xâm lược đến mức cao nhất.

Từ tháng 4 đến tháng 7-1965, quân đội Mỹ chưa trực tiếp tham chiến ở Mỹ Tho nhưng Mỹ tăng cường trang thiết bị, phương tiện chiến tranh hiện đại; cố vấn Mỹ cho các cấp từ tỉnh đến cơ sở và đến từng trung đội bộ binh. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đưa Sư đoàn 7, các đại đội bảo an, biệt kích mở nhiều cuộc hành quân càn quét dọc theo Lộ 4, vùng giải phóng “20 tháng 7”, kinh Nguyễn Văn Tiếp, vùng Hậu Mỹ, huyện Cái Bè bằng bom, pháo với mức độ ác liệt. Quân đội ngụy điều cả Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 7 về Gò Công.

Chúng mở nhiều cuộc càn quét, cho máy bay B-52 ném bom và rải chất độc hóa học xuống nhiều vùng rừng ven biển Gò Công hòng phá hủy căn cứ, đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn Gò Công. Cùng với hoạt động quân sự, Mỹ và chính quyền tay sai còn đẩy mạnh bình định bằng chiến tranh tâm lý, dồn dân vào vùng chúng kiểm soát, cách ly nhân dân với cách mạng hòng làm suy yếu lực lượng ta.

Quân Mỹ cho xây dựng ở Mỹ Tho một căn cứ quân sự có quy mô lớn mang tên là Đồng Tâm. Trên chiến trường sông nước tỉnh Mỹ Tho, Mỹ xây dựng lực lượng đặc nhiệm thủy - bộ trên sông mà thành phần nòng cốt là lực lượng Lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ. Như vậy, Mỹ Tho trở thành nơi thí điểm chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” để đối phó với quân chủ lực và chiến tranh du kích.

Triển khai chiến thuật mới, quân Mỹ đưa Lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9 tổ chức nhiều cuộc hành quân vào các xã Cẩm Sơn, Long Trung, Long Khánh (Cai Lậy), xã Bàn Long (Châu Thành), xã Tân Hưng (Cái Bè). Chúng mở nhiều cuộc hành quân càn quét với cường độ hỏa lực, bom đạn, phi pháo rất ác liệt, nhằm tiêu diệt Lực lượng vũ trang của ta.

Với phương châm “Bám lấy thắt lưng địch mà đánh”, ta thành lập mặt trận vành đai diệt Mỹ ở Bình Đức nhằm tấn công địch ngay tại căn cứ Đồng Tâm. Phong trào “Thi đua diệt Mỹ” của quân dân vành đai phát triển mạnh mẽ, sôi nổi với nhiều cách đánh mưu trí và sáng tạo. Hàng ngàn lính Mỹ đền tội, làm lung lay ý chí xâm lược của binh lính Mỹ.

Quần chúng còn tiến hành các cuộc đấu tranh chính trị chống địch bắn pháo, đốt nhà, phá hoại mùa màng, giết hại dân thường, hãm hiếp phụ nữ...; vận động, thuyết phục binh lính Mỹ phản chiến. Chiến thắng nổi bật nhất lúc này là Chiến thắng Ba Rài (Cẩm Sơn, Cai Lậy) ngày 15-9-1967. Trận Ba Rài được coi là trận Ấp Bắc đối với quân Mỹ ở Mỹ Tho.

Nếu như Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963) đã đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ và quân đội Sài Gòn thì Chiến thắng Ba Rài mở đầu cho sự phá sản chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ sử dụng ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần mở ra phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” của quân dân miền Nam.

Với những thắng lợi trong năm 1967, quân dân Mỹ Tho, Gò Công bước vào cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) với khí thế mạnh mẽ, sôi nổi. Đêm 29-1-1968 (tức đêm Mùng 1 Tết), quân dân Mỹ Tho, Gò Công đồng loạt tiến công địch trên toàn địa bàn, tập trung vào các ấp chiến lược, căn cứ quân sự, thị trấn và thị xã, mà trọng điểm là TP. Mỹ Tho. Ở Mỹ Tho, địch bị đánh bất ngờ, địch choáng váng và chịu nhiều tổn thất. Sau đó, quân dân ta còn mở liên tiếp 2 đợt tiến công và nổi dậy vào tháng 5 và tháng 9, gây cho địch những thiệt hại nặng nề.

Cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân Mỹ Tho, Gò Công góp phần quan trọng trong việc làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc bọn chúng phải tuyên bố “Phi Mỹ hóa” chiến tranh, thừa nhận sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chịu đến hội nghị Paris để bàn việc chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam.

Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực thi hành, địch huy động quân đội, triển khai chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”, “Bình định áp đảo” ở Mỹ Tho và “Bình định củng cố” ở Gò Công. Quân dân tỉnh Mỹ Tho, Gò Công kiên quyết giáng trả những cuộc hành quân lấn chiếm của địch và chủ động mở các cuộc tiến công vào căn cứ quân sự của chúng, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng.

Từ đây, quân dân Mỹ Tho, Gò Công cùng với quân dân miền Nam bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Với tư tưởng tiến công, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, Gò Công vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương Đảng vào thực tiễn địa phương, phát động và tổ chức quần chúng tạo nên sức mạnh tổng hợp, từng bước vận dụng phương pháp đấu tranh thích hợp giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.