Thứ Tư, 07/12/2022, 09:24 (GMT+7)
.

Trận Ấp Bắc nhìn từ hai phía...

So với nhiều trận đánh khác của Quân giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta, trận Ấp Bắc diễn ra ngày 2-1-1963 tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là trận đánh không lớn, hiệu quả tiêu diệt địch và tiêu hủy các phương tiện chiến tranh không nhiều, giải phóng đất đai và dân cư cũng chưa nhiều. Vậy tại sao Chiến thắng Ấp Bắc lại mang ý nghĩa to lớn và bước đầu làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy? Để có cái nhìn khách quan về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chiến thắng Ấp Bắc, chúng ta thử đọc lại các nhận định từ 2 phía tham chiến.

VỀ PHÍA LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG

Trong tác phẩm Một số Văn kiện của Đảng về chống Mỹ cứu nước, tập I, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, năm 1985, trang 217 nhận định: “... Một điều đặc biệt quan trọng là chúng ta đang làm cho ý chí chiến thắng của địch ngày càng tan rã. Sau Chiến thắng Ấp Bắc của ta, đế quốc Mỹ bắt đầu thấy rằng chúng khó thắng được ta, sau Chiến thắng Bình Giã của ta, chúng thấy rằng chúng có thể bị thất bại. Trong hàng ngũ đánh thuê và quân đội tay sai, ngay trong đám cán bộ cao cấp, tư tưởng thất bại ngày càng lan rộng...”.

Chiến thuật trực thăng vận  của Mỹ trong trận Ấp Bắc. Ảnh Tư liệu
Chiến thuật trực thăng vận của Mỹ trong trận Ấp Bắc. Ảnh Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh là T.L viết bài Tình hình tháng 1-1963 ở miền Nam anh dũng, như sau: “Mồng 1 tháng một năm 1963 - Thầy Ken (tức Tổng thống John Fitzgerald Kennedy) và tớ Diệm chúc nhau: “Năm mới tốt lành”. Trong lúc đó thì tên Ha-kin (Harkens) cùng tướng tá Mỹ bí mật đi bố trí lực lượng.

Mồng hai - hơn 2.000 lính Diệm, do tướng tá Mỹ chỉ huy, có hải quân và không quân giúp sức, ào ạt bao vây Ấp Bắc (ở Mỹ Tho, cách Sài Gòn độ 60 cây số) chúng nhằm tiêu diệt non 200 chiến sĩ du kích ở đây. Kết quả đã xúi quẩy cho Mỹ - Diệm. Trong 15 chiếc máy bay lên thẳng thì 5 chiếc bị bắn rơi, 9 chiếc bị trúng đạn, 3 tên Mỹ chết, 10 tên bị thương, 1 tên tướng Mỹ chết hụt. Độ 300 binh sĩ của Diệm chết, bị thương và đầu hàng...

Xin tạm dừng ở đây để kể chuyện Ấp Bắc. Báo Mỹ và báo thế giới đều nói rằng Mỹ - Diệm đã thua một cách nhục nhã. Nhất là lực lượng Mỹ - Diệm nhiều gấp 10 lần lực lượng tự vệ của nhân dân, lại được Mỹ đặc biệt huấn luyện “chiến thuật chống du kích” hơn một năm trời... Sau thất bại đau xót này, bọn Mỹ - Diệm chửi rủa lẫn nhau. Tổng Ken hoảng hốt ra lệnh điều tra”.

Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam viết thư gửi cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh, như sau: “... Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng được ta, đến trận Bình Giã thì Mỹ thấy sẽ thua ta trong “Chiến tranh đặc biệt”. (Thư vào Nam, Sự Thật, Hà Nội, 1985).

Thượng tướng Trần Văn Trà - Phó Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam viết trong bài tham luận - Luận về trận Ấp Bắc đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chiến thắng Ấp Bắc tổ chức tháng 12-1992 tại tỉnh Tiền Giang: “Trận Ấp Bắc không phải là một trận đánh lớn giữa hai lực lượng lớn vào buổi đầu của chiến tranh. Nhưng nó có tính lịch sử làm cho địch thấy khó thắng ta và ta thấy có khả năng thắng Mỹ”.

Đồng chí Nguyễn Minh Đường - Bí thư Khu ủy Khu 8 (năm 1963) có ý kiến trong Hội thảo khoa học Chiến thắng Ấp Bắc tổ chức tháng 12-1992 tại tỉnh Tiền Giang, như sau: “Chiến thắng Ấp Bắc là một thắng lợi to lớn có ý nghĩa về mặt chiến lược giữa 2 bên.

Chiến thắng Ấp Bắc đã làm náo động nước Mỹ và trên chiến trường miền Nam, đã làm thất bại một bước chiến lược Chiến tranh đặc biệt và đánh bại chiến thuật tân kỳ “trực thăng vận, thiết xa vận bủa lưới phóng lao” mà đế quốc Mỹ cho đó là một chiến thuật hữu hiệu nhất của Mỹ sáng tạo để chiến thắng Việt Cộng dễ dàng... Các nơi đã đập tan quốc sách ấp chiến lược, mở thời kỳ vàng son của các tỉnh trong khu, mở rộng vùng giải phóng và làm chủ”.

Đồng chí Huỳnh Văn Niềm - Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang (năm 1992) viết bài tham luận - Ấp Bắc kết thúc chiến tranh 30 năm đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chiến thắng Ấp Bắc tổ chức tháng 12-1992 tại tỉnh Tiền Giang: “Rất thú vị là Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 8 đã bắt đầu tổ chức cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm tại căn cứ Ấp Bắc và kết thức thắng lợi cuộc chiến tranh cũng tại mảnh đất lịch sử này”...
      
VỀ PHÍA MỸ - NGỤY

Để mọi người có dịp so sánh, đối chiếu tài liệu 2 bên tham chiến nhìn nhận về trận Ấp Bắc, Nhà Xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh xuất bản sách Trận Ấp Bắc nhìn từ 2 phía, năm 1992 đã trích dẫn lại toàn bộ chương 3 trong quyển sách Sự lừa dối hào nhoáng của Nhà báo người Mỹ Neil Sheehan. Với bút pháp tài tình và trung thực, nhà báo Neil Sheehan đã để tự bản thân các chi tiết trong trận Ấp Bắc chứng minh một cách hùng hồn rằng: Mỹ và quân đội Sài Gòn đã thất bại thảm hại trong trận Ấp Bắc.

Thật kỳ lạ, khi ta đọc các chi tiết trong chương 3 Sự lừa dối hào nhoáng của Neil Sheehan và các chi tiết ghi lại trong Nhật ký của đồng chí Đặng Minh Nhuận tức Nguyễn Bảy (Bảy Đen), người Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 Khu 8 chỉ huy trận Ấp Bắc trùng hợp nhau, như giờ nổ súng, các hướng tấn công của quân địch, thời gian trực thăng đổ quân, thời gian xe M.113 xuất kích, số trực thăng bị bắn rơi, số bị trúng đạn, số phiên hiệu của bộ đội ta, số phiên hiệu của địch trong trận đánh... Tính khách quan trong ghi chép của Neil Sheehan và của đồng chí Nguyễn Minh Nhuận (Bảy Đen) về trận Ấp Bắc làm cho 2 tác phẩm có giá trị lịch sử và tính nhân văn sâu sắc của người cầm bút.

Tờ Thời báo Nữu Ước ra ngày 5-1-1963, viết: Với trận Ấp Bắc đã có thêm bằng chứng là cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam chắc sẽ lâu dài, gian khổ với kết quả cuối cùng không rõ rệt. Vụ thất bại này (Ấp Bắc) và việc mất nhiều máy bay lên thẳng là một điều đau đớn nhưng cần thiết để giảm bớt cái tư tưởng lạc quan do những lời tuyên bố chính thức quá lạc quan của Hoa Thịnh Đốn gây ra...”.

Tờ Thời báo Nữu Ước ra ngày 12-1-1963, viết: “Khi tới Sài Gòn, Đô đốc Han-ri Phen nói là ông cho rằng cuộc chiến đấu tại Ấp Bắc là “một thắng lợi của chính phủ” (tức của Mỹ - Diệm). Nhưng những quan chức ở đây nói rằng trong những cuộc trò chuyện riêng thì ông lại nói đây là một thất bại hoàn toàn”.

CÁC HÃNG TIN PHƯƠNG TÂY

Hãng tin Roi-tơ (Reuters) số ra ngày 3-1-1963, viết: “Hôm nay quân chính phủ đã kết thúc một cách thảm hại trận đánh bằng cách pháo kích vào quân đội mình. 3 người chết và khoảng 12 người bị thương. Sau đó, các sĩ quan ở Tân Hiệp nói rằng tấn bi kịch đó là lỗi lầm nghiêm trọng của pháo binh, có lẽ vì lính phụ trách súng đã ngắm quá cao khi máy bay quan sát chỉ điểm... Các nhà quan sát quân sự coi kết quả của trận đánh tại Ấp Bắc này là một thất bại của quân chính phủ.

Họ chỉ rõ rằng quân chính phủ đã dùng một quân đội lớn hơn nhiều so với du kích trên 2.000 người, lại được trang bị những vũ khí hiện đại và được các hỏa lực lớn yểm trợ, họ lại là phía chủ động mở cuộc càn quét này”.

Hãng tin AFP (Agence France-Presse) số ra ngày 3-1-1963, viết: “Trận đánh ở Mỹ Tho diễn ra ngày hôm qua được các giới quân sự Mỹ xem là một thất bại của lực lượng chính phủ (Diệm)... Việt Cộng đã vũ trang mạnh, nấp trong những công sự chiến đấu dọc theo một con kinh, đã để cho đợt máy bay lên thẳng đầu tiên thả quân xuống mà không động tĩnh gì cả. Họ đã nổ súng rất mạnh vào lúc đợt máy bay thứ hai đến và sửa soạn thả quân xuống ngay bên cạnh vị trí của họ”.

Hãng tin UPI (United Press International) số ra 6-1-1963, viết: “Hôm nay ngày 4-1-1963, người phát ngôn chính phủ (Diệm) cho biết trận đánh dữ dội kéo dài 2 ngày với du kích Việt Cộng ở cái ấp nhỏ bé chỉ cách Sài Gòn 30 dặm, là trận đánh hao người tốn của lớn thứ hai đối với quân chính phủ (Diệm). Người phát ngôn cho biết có 65 quân chính phủ bị giết và 100 người khác bị thương.

Một lực lượng khoảng 200 du kích đã thoát khỏi vòng vây của khoảng 2.000 quân chính phủ. Quân đội chính phủ đã bị một trong những thất bại nhục nhã nhất từ trước tới nay trước lực lượng du kích nhỏ hơn mình nhiều. Ngoài ra, quân chính phủ lại còn bị một tai họa chẳng may nữa là pháo binh của quân mình nã vào lính mình”...      

60 năm đã trôi qua, nhưng những nhận định về trận Ấp Bắc (2-1-1963) từ 2 bên cho thấy một điều rằng: Lực lượng cách mạng ở miền Nam giành thắng lợi vẻ vang, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đồng thời, cũng khẳng định: Đây là thất bại nhục nhã của Mỹ - ngụy trong quá trình thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, bước đầu làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ đối với nước ta.    

LÊ VĂN TÝ

                                                                                                                         

.
.
.