Thứ Hai, 05/12/2022, 09:18 (GMT+7)
.

Ý nghĩa của Chiến thắng Ấp Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Chiến thắng Ấp Bắc đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta như một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa to lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng và mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ xâm lược.

Chiến thắng Ấp Bắc để lại nhiều bài học quý báu và ý nghĩa lịch sử cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam trước đây cũng như trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Ba chiến sĩ hạ lính dù nhiều nhất trong trận Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu
Ba chiến sĩ hạ lính dù nhiều nhất trong trận Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu

Thứ nhất: Chiến thắng Ấp Bắc tạo nên tiếng vang lớn, giáng một đòn mạnh mẽ vào chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ - ngụy, góp phần phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam, mở ra phong trào “Thi đua Chiến thắng Ấp Bắc giết giặc lập công”.

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa III, tháng 12-1963 chỉ rõ: Sau những thất bại nặng nề của kế hoạch Xtalây - Taylo, nhất là sau Chiến thắng Ấp Bắc của quân và dân miền Nam, đế quốc Mỹ đã bắt đầu không tin là chúng sẽ thắng. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, viết: “Với Chiến thắng Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta trong chiến lược chiến tranh đặc biệt”.

Ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Ấp Bắc là đã cụ thể hóa sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam tại Hội nghị ngày 7-9-1962 thành cách đánh hiệu quả của lực lượng vũ trang cách mạng trong đối phó với các chiến thuật “tân kỳ” mà Mỹ - ngụy thực hiện ở chiến trường miền Nam.

Đó là cách đánh không phân tán, không né tránh địch, mà phải trụ lại, chuẩn bị công sự vững chắc, bám chặt công sự và không thoát ly khỏi công sự, kiên cường phòng ngự theo phương châm “Phòng ngự công sự điểm tựa vòng tròn” để đánh địch tấn công theo lối “bủa lưới bao vây”, khi thời cơ thuận lợi, tích cực phản kích để giành chiến thắng; trong đó, bao gồm hoàn thiện kỹ - chiến thuật, nhất là cách bắn máy bay trực thăng và xe thiết giáp, chuẩn bị tốt công tác tư tưởng chiến đấu cho bộ đội và du kích. Địch “bủa lưới, phóng lao” thì ta phải “trụ lại, phá lưới, bẻ lao”.

Cách đánh của bộ đội ta tại Ấp Bắc sau này nâng lên thành kinh nghiệm vô cùng quý báu trong đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam: “Bao vây, bức rút, bức hàng. Đứng lại đánh càn, giải phóng nông thôn”.  

 Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng và báo hiệu sẽ đánh thắng các chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng, xe thiết giáp của Mỹ - ngụy; đồng thời, nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.

Chiến thắng Ấp Bắc là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam. Sau Chiến thắng Ấp Bắc, Trung ương Cục miền Nam, Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn miền Nam, tiến tới đánh bại hoàn toàn các chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” được quân dân cả nước hưởng ứng nhiệt liệt trong thế chiến lược tiến công, giành thắng lợi ngày càng to lớn trên chiến trường miền Nam; hăng say lao động, sản xuất giỏi ở hậu phương lớn miền Bắc.

Thứ hai: Chiến thắng Ấp Bắc khẳng định sự phát triển mới của nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh cách mạng của Đảng ta, đánh dấu sự phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân. Chiến thắng Ấp Bắc trở thành điển hình của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến công địch trên cả hai mặt: Chính trị và Quân sự; kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công: Chính trị, binh vận, vũ trang để đánh thắng kế hoạch bình định, dồn dân, lập ấp chiến lược của địch.

Đây còn là điển hình của phương thức tác chiến chiến tranh nhân dân, xây dựng vùng căn cứ, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng xã, ấp chiến đấu; kết hợp chặt chẽ hai chân: Chính trị và Quân sự, ba mũi: Chính trị, binh vận, vũ trang trong phong trào đấu tranh chống địch càn quét, bình định, dồn dân, lập ấp chiến lược.

Bằng sự ngoan cố và điên cuồng, địch gây cho lực lượng vũ trang giải phóng nhiều khó khăn và tổn thất. Do đó, đề ra chiến thuật mới đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ -  ngụy là yêu cầu cấp bách của quân dân miền Nam. Ngày 7-9-1962 tại căn cứ xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành (nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), Đoàn cán bộ của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, do Phó Bí thư Võ Chí Công làm trưởng đoàn họp với Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn chiến trường, đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo chống địch càn quét như sau: “Quy luật chiến tranh của địch là càn quét, ta phải chống càn quét; và chống càn quét phải theo đường lối chiến tranh nhân dân, phải kết hợp ba mũi giáp công (chính trị, vũ trang và binh vận), phải kết hợp ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích) trên thế xã chiến đấu để đánh địch.

Lực lượng vũ trang tập trung phải đứng lại đánh càn tiêu diệt địch mà tồn tại, đánh cả với trực thăng và xe bọc thép, không thể tránh càn mà tồn tại... Do đó, các địa phương phải đề ra chủ trương cho bộ đội đứng lại đánh càn, còn đánh như thế nào thì anh em bộ đội tự tính được”.

Có được sự chỉ đạo đúng đắn của Ban Thường vụ Trung ương Cục, Quân giải phóng miền Nam đã đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch, thu nhiều thắng lợi to lớn, tiêu biểu nhất là Chiến thắng Ấp Bắc. Chiến thắng Ấp Bắc đã khẳng định sự phát triển về chất, sự giác ngộ chính trị, tinh thần quyết tâm, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, sáng tạo và trình độ kỹ thuật, tác chiến ngày càng hoàn thiện của lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam.

Qua đó, khẳng định lực lượng tập trung của ta tuy không nhiều, nhưng nếu được huấn luyện tốt, được trang bị vũ khí tiêu diệt máy bay và biết tổ chức đánh xe thiết giáp, nhất là có thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, biết căng kéo địch và nghệ thuật kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang thì hoàn toàn có khả năng đánh bại các cuộc càn quét với binh lực lớn, với phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ - ngụy.

Thứ ba: Chiến thắng Ấp Bắc góp phần củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cổ vũ, động viên toàn dân quyết tâm tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Chiến thắng Ấp Bắc làm cho đồng bào cả nước phấn khởi, tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng, tin tưởng vào sự chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy của Chỉ huy Ban Quân sự, mở đường cho việc đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến thắng Ấp Bắc là điển hình sống động về bài học quý giá “lấy ít thắng nhiều”, “lấy yếu thắng mạnh”, “công tác vận động quần chúng”, “thế trận chiến tranh nhân dân”... khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta là đúng đắn; cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là chính nghĩa và nhất định sẽ giành thắng lợi hoàn toàn.

Chiến thắng Ấp Bắc là một chiến công đặc biệt quan trọng, không chỉ vì đó là một thắng lợi lớn về quân sự, mà điều quan trọng hơn nữa là chiến công đó mở ra một cục diện mới, tạo ra một điển hình mới, nâng niềm tin cho bộ đội và đồng bào miền Nam tiến lên giành thắng lợi từng bước, đi đến thắng lợi cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến thắng Ấp Bắc trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Tiền Giang, là một sự kiện lịch sử to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.

LÊ VĂN TÝ
 

.
.
.