Thứ Năm, 29/12/2022, 11:30 (GMT+7)
.

Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Ấp Bắc vẫn còn nguyên giá trị (*)

Cách nay 60 năm, ngày 2-1-1963, tại Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Tân Phú, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội khắp 2 miền Nam - Bắc, chấn động cả nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Đây là điểm mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Tiền Giang, là một trong những sự kiện lịch sử vẻ vang và hào hùng của quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhân dịp Hội thảo khoa học “Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, cho phép tôi được thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang xin trân trọng chào mừng, chúc sức khỏe và cảm ơn các đồng chí ở các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; các nhà khoa học, quý vị đại biểu, khách quý và các đồng chí đã đến dự Hội thảo. Chúc buổi Hội thảo thành công tốt đẹp.

Tiền Giang nằm ở cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 2.510,6 km2, chiếm 0,76% diện tích cả nước và 6,2% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dân số hơn 1,7 triệu người. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Long An và TP. Hồ Chí Minh, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long, phía Nam giáp tỉnh Bến Tre, phía Đông giáp Biển Đông. Trung tâm hành chính của tỉnh cách TP. Hồ Chí Minh 70 km và cách TP. Cần Thơ 90 km.

Trên địa bàn tỉnh có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua; đường thủy có sông Tiền chảy dài khoảng 120 km, cùng với kinh Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch nối các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh; về đường biển, có biển Gò Công với 32 km bờ biển, dễ dàng nối tuyến với biển Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh và biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Tiền Giang một vùng đất phì nhiêu và tươi đẹp; có nhiều sông ngòi, kinh rạch đan xen nhau, tạo nên nhiều cù lao trên sông và những cánh đồng lúa, vườn cây ăn trái xanh tươi bốn mùa, với những sản vật nổi tiếng như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, quít Cái Bè, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công.

Không những thế, Tiền Giang còn là vùng đất văn hóa, giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng với 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; trong đó, có các di tích nổi tiếng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành, Lăng Trương Định, Lăng Hoàng Gia, Đền thờ Thủ Khoa Huân, Đình Long Hưng, Chùa Vĩnh Tràng... cùng các lễ hội dân gian như Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Kỳ Yên, lễ hội kỷ niệm các anh hùng dân tộc và Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Có được diện mạo như hôm nay, tỉnh Tiền Giang đã trải qua quá trình phát triển lâu dài, với sự lao động cần cù, sáng tạo của các thế hệ nối tiếp nhau để xây dựng và bảo vệ vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Chính từ mảnh đất này, biết bao tên đất, tên người đã trở thành bất tử như: Rạch Gầm - Xoài Mút đánh tan quân Xiêm xâm lược; Đám Lá Tối Trời của nghĩa quân Trương Định; Long Hưng trong khởi nghĩa Nam kỳ; Cổ Cò, Giồng Dứa, Kinh Bùi… trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Ấp Bắc, Ba Rài, Vành đai Bình Đức, Ngã sáu Bằng Lăng... trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963 lẫy lừng là một trong số những chiến công đó.

Đại biểu thắp hương tại Khu mộ 3 “Chiến sĩ Gang thép” tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2013).
Đại biểu thắp hương tại Khu mộ 3 “Chiến sĩ Gang thép” tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2013).

Chiến thắng Ấp Bắc đã đánh bại 2 chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của địch, mà 2 chiến thuật đó gắn liền với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Chúng ta thắng lợi về mặt chiến thuật cũng đồng thời thắng lợi về mặt chiến lược, mở ra một bước ngoặt to lớn của phong trào cách mạng miền Nam như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Với Chiến thắng Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta trong Chiến lược chiến tranh đặc biệt”.

Âm vang của Chiến thắng Ấp Bắc đã chứng minh truyền thống yêu nước, quật cường, trí thông minh, sáng tạo, tài thao lược của quân dân ta trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Ấp Bắc vẫn còn nguyên giá trị không chỉ trong chiến tranh giải phóng dân tộc, mà còn có ý nghĩa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Năm tháng qua đi, nhưng Chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 vẫn luôn in đậm trong lòng người dân Tiền Giang và người dân cả nước. Tỉnh Yên Bái có Trường Quân sự Ấp Bắc; tỉnh Nam Định có Cống Ấp Bắc, là cống ngăn mặn có quy mô lớn tại cửa biển Nam Điền được xây dựng từ năm 1963 và còn sử dụng cho đến ngày nay. Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đặt tên Ấp Bắc cho những công trình công cộng, như tên trường học, tên đường phố. Không những thế, Ấp Bắc còn được đặt tên cho một ngôi làng ở nước Cộng hòa Cuba anh em, cách Việt Nam nửa vòng trái đất.

Diễu hành tại Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Ấp Bắc.
Diễu hành tại Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Ấp Bắc.

Đối với nhân dân Tiền Giang, tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc đã trở thành truyền thống bất khuất, anh hùng, thấm sâu vào máu thịt, trở thành ý chí, quyết tâm và là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, Lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần tự hào từ Chiến thắng Ấp Bắc oanh liệt, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, gần đây là ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19; với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang đã khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch; hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2022, tỉnh thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết và tăng so với cùng kỳ năm 2021, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 7,02%; thu nhập bình quân đầu người 63,2 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu 3,85 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 41.843 tỷ đồng; thu ngân sách 10.665 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 6.008 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới 920 doanh nghiệp; thu hút 33 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 32.000 tỷ đồng, tăng 6 lần so với năm 2021.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả thiết thực; hiện toàn tỉnh có 136/142 xã nông thôn mới, 34 xã nông thôn mới nâng cao; 3/3 đô thị (2 thị xã, 1 thành phố) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 3/8 huyện nông thôn mới. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước cải thiện; quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Cầu Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) đầu tư xây dựng hoàn thành năm 2020.
Cầu Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) đầu tư xây dựng hoàn thành năm 2020.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng cao; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể được chú trọng. Những kết quả đó là cơ sở, là tiền đề phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Nhân dân Ấp Bắc - Mỹ Tho năm xưa đã quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, lập nên những chiến công vang dội, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước; thì nhân dân Ấp Bắc - Tiền Giang ngày nay tiếp tục phát huy tinh thần hào hùng của Chiến thắng Ấp Bắc, với nghị lực và niềm tin tất thắng, quyết tâm chính trị cao để tạo nên những thành quả quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, hiện đại và văn minh.

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-2023), Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức lễ kỷ niệm với quy mô cấp tỉnh bao gồm cả phần lễ và phần hội. Chương trình lễ sẽ được thực hiện vào lúc 20 giờ ngày 31-12-2022 tại Khu Di tích Ấp Bắc, xã Tân Phú, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và được phát trực tiếp trên kênh VTV Nam bộ và được Đài Truyền hình các tỉnh, thành phố hỗ trợ tiếp sóng và phát lại.

Trong thời gian từ ngày 26-12-2022 đến ngày 2-1-2023 sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Hội thảo khoa học Chiến thắng Ấp Bắc; Đoàn cán bộ lãnh đạo của Bộ Quốc phòng và của tỉnh đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách; họp mặt truyền thống cựu chiến binh tham gia trận đánh Ấp Bắc, đại diện cựu chiến binh Tiểu đoàn Ấp Bắc II tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và cựu thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước; trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật gắn với sự kiện lịch sử Chiến thắng Ấp Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ của Đảng bộ, nhân dân Tiền Giang; trưng bày hình ảnh thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh Tiền Giang sau 36 năm đổi mới; trưng bày sản vật nông nghiệp, thủy sản; Giải Việt dã Báo Ấp Bắc lần thứ 38 năm 2023; hội trại thanh niên; hội thi làm bánh dân gian; hội thi các môn thể thao dân tộc; hội thi và trưng bày hoa lan cây cảnh; chương trình nghệ thuật: Liên hoan ca khúc cách mạng, đờn ca tài tử, chiếu phim lưu động, ca múa nhạc tổng hợp.

Hội thảo hôm nay là dịp để các đại biểu và các đồng chí trao đổi, ôn lại truyền thống, tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Ấp Bắc; bồi đắp thêm niềm tin và lòng tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại; tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của dân tộc ta; về ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mọi kẻ thù xâm lược; quyết tâm cao, nỗ lực lớn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng là dịp để tỉnh giới thiệu với các đại biểu về mảnh đất, con người Tiền Giang trong lịch sử và hiện tại luôn đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình và mến khách.

Tôi tin tưởng rằng, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Quốc phòng, các nhà khoa học, các vị khách quý, quý đại biểu các tỉnh, thành bạn và các đồng chí, buổi Hội thảo khoa học hôm nay sẽ thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa sâu rộng trong tỉnh và cả nước.

Trên tinh thần cầu thị và tiếp thu, mong rằng trong thời gian lưu lại tỉnh nhà, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, quý đại biểu, các vị khách quý và các đồng chí trao đổi, chia sẻ thêm thông tin về trận đánh Ấp Bắc để tỉnh cập nhật, bổ sung nguồn tư liệu lịch sử của địa phương; tìm hiểu thêm về vùng đất và con người Tiền Giang, qua đó có hỗ trợ, đóng góp ý kiến cho định hướng phát triển của tỉnh xứng tầm với vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa ở Nam bộ, là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và là một trong những nơi hình thành đô thị đầu tiên ở Nam bộ.

Kính chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý, nhà khoa học và các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.


NGUYỄN VĂN DANH
(Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu
Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang)

(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt

.
.
.