.

Bà Võ Thị Ánh Xuân làm Quyền Chủ tịch nước

Cập nhật: 18:51, 18/01/2023 (GMT+7)

Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc cho thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Theo Điều 93 của Hiến pháp 2013, trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

a
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại kỳ họp bất thường lần thứ ba, Quốc hội khóa XV

Chiều 18-1, tại kỳ họp bất thường lần thứ 3 để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc cho thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

a
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội thực hiện bỏ phiếu kín về việc phê chuẩn miễn nhiệm

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình, các đại biểu đã về đoàn thảo luận. Tiếp đó, các đại biểu đã bỏ phiếu kín về việc phê chuẩn miễn nhiệm.

Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Kỳ họp bất thường thứ ba của Quốc hội khóa XV cũng đã kết thúc trong chiều nay 17-1. Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo quy định tại khoản 5 Điều 88 Hiến pháp, Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, vì vậy, khi Quốc hội miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước thì đương nhiên thôi chức danh Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh.

Trước đó, 465/482 đại biểu có mặt đã đồng ý miễn chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Nhân sự thay thế cho vị trí này chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình.

Bà Võ Thị Ánh Xuân làm Quyền Chủ tịch nước

a
Bà Võ Thị Ánh Xuân sẽ thực hiện Quyền Chủ tịch nước

Theo Điều 93 của Hiến pháp 2013, trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới. Như vậy, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Bà Võ Thị Ánh Xuân sinh năm 1970 (năm nay 53 tuổi), cử nhân Sư phạm Hóa học, thạc sĩ chuyên ngành quản lý công; quê xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Bà là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Khởi đầu sự nghiệp là giáo viên THPT, sau đó bà làm chuyên viên nghiên cứu tổng hợp, Văn phòng Tỉnh ủy An Giang.

Quá trình công tác, bà từng đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang; Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang; Bí thư Thị ủy Tân Châu, tỉnh An Giang; Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy An Giang.

Tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3 và 4-2021), Quốc hội khóa XIV bầu bà giữ chức Phó Chủ tịch nước. Gần 4 tháng sau, với 483/483 đại biểu Quốc hội khóa XV có mặt tán thành (bằng 96,79% tổng số đại biểu), bà Võ Thị Ánh Xuân tái cử chức Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.