Thứ Sáu, 06/01/2023, 14:21 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội

(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 6-1, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang có nhiều ý kiến đóng góp cho các nội dung này.

KIẾN NGHỊ KÉO DÀI THỜI GIAN THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Góp ý đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các đại biểu cho rằng, Nghị quyết số 30/2021/QH15 được ban hành đã thống nhất việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt quyết định triển khai các giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến đối với nghị quyết này. Đại biểu Nguyễn Văn Dương, cho rằng, Mục 3 Nghị quyết 30 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2022, trong khi một số chính sách đã triển khai nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán.

Theo Tờ trình 494/TTr-CP, 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương việc chi trả kinh phí cho một số hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang triển khai, chưa hoàn thành như: Chi chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch Covid-19 là 116 tỷ đồng, kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 khoảng 1.926 tỷ đồng; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19 khoảng 1.200 tỷ đồng.

 Bên cạnh đó, việc thanh toán bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc Covid-19 cũng chưa hoàn thành. Đối với người bệnh Covid-19, nhiều trường hợp không bóc tách được chi phí điều trị Covid-19 và các bệnh khác do người bệnh cũng đồng thời mắc một số bệnh khác hoặc việc mắc Covid-19 làm phát sinh hoặc tăng nặng tình trạng của các bệnh khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

 Ngoài ra, khi Nghị quyết số 30/2021/QH15 hết hiệu lực từ ngày 1-1-2023, một số lượng lớn thuốc, nguyên liệu làm thuốc không được kịp thời gia hạn giấy đăng ký lưu hành (mà việc thực hiện gia hạn đối với các giấy đăng ký lưu hành hết hạn theo quy trình của Luật Dược hiện hành là không khả thi). Đây là vấn đề cấp bách, nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tác động tiêu cực đối với hoạt động cung ứng, sản xuất, kinh doanh thuốc; trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vì vậy, tiếp tục thực hiện một số chính sách của Nghị quyết 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực từ ngày 1-1- 2023 chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược là cần thiết để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc trong thực tiễn phòng, chống dịch của đơn vị, địa phương.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Dương, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cũng góp ý thêm, đại biểu cho rằng, công tác thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch thì chắc chắn sẽ có độ trễ. Lý do là trong thời gian đại dịch Covid-19 chúng ta tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tham gia phòng, chống dịch, cho nên chưa có lực lượng tập trung lo đến các thủ tục.

Ví dụ như thủ tục, hồ sơ pháp lý, việc huy động lực lượng thì chúng ta không có quyết định… Chẳng hạn khi điều động thì có thể có quyết định điều động con người, nhưng khi huy động thì chúng ta cứ kêu gọi để huy động chứ chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền để huy động các lực lượng này, khi rà soát lại thì có một số đối tượng chúng ta có thanh toán các chi phí liên quan tới chính sách, chế độ. Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng còn bỏ sót.

Ngoài ra, một số chính sách, chế độ còn chậm trễ là do những người thực hiện tham gia, có khi họ là những người bị mắc bệnh, có khi họ đi thực hiện cách ly…, tức là có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thanh quyết toán chậm trễ. Do đó, tôi rất đồng thuận việc cho phép thực hiện một số chính sách thực hiện Nghị quyết 30 được kéo dài đến hết năm 2023 theo đề nghị của Chính phủ.

GÓP Ý VIỆC SỬ DỤNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC

Góp ý đối với nội dung cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, Luật Dược 2016 quy định giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc có hiệu lực 5 năm kể từ ngày cấp; khi hết hạn, doanh nghiệp (DN) phải thực hiện việc gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành.

 Tuy nhiên, do dịch Covid-19 kéo dài nên việc chuẩn bị hồ sơ của DN bị kéo dài; nhiều giấy tờ pháp lý phải nộp như giấy chứng nhận GMP, GDP…, giấy phép sản xuất kinh doanh của DN chưa được cấp mới, cấp lại do cơ quan quản lý tại các nước trên thế giới cũng như Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên không kịp thời tổ chức kiểm tra, đánh giá.

Điều này dẫn tới tình trạng gián đoạn sản xuất, lưu hành và cung ứng thuốc do thuốc hết hạn giấy đăng ký lưu hành mà chưa được cấp lại hoặc gia hạn giấy đăng ký lưu hành vì DN phải chờ hoàn thiện các hồ sơ tài liệu này.

Dự kiến đến ngày 31-12-2023, Bộ Y tế sẽ xem xét gia hạn được khoảng 5.000 hồ sơ trên tổng số 10.304 thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành theo Nghị Quyết 12/2021/UBTVQH15. Như vậy, sẽ có trên 5.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong số 10.304 thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành sẽ hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành đồng thời cùng một thời điểm ngày 1-1-2023 (chiếm gần 25% tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực trên thị trường hiện nay), điều này có thể dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, thiếu thuốc cục bộ đối với một số thuốc chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược 2016.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến

Ngoài ra, Bộ Y tế phải tiếp tục thực hiện gia hạn cho khoảng 3.800 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành trong năm 2023 và khoảng 3.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành trong năm 2024. Với nguồn nhân lực hiện có, Bộ Y tế có thể giải quyết tối đa được khoảng 6.000 hồ sơ gia hạn/năm theo quy định tại Luật Dược 2016, như vậy để giải quyết toàn bộ các hồ sơ gia hạn theo quy định tại Luật Dược 2016 gặp khó khăn.

Mặt khác, nhân lực phục vụ cho công tác cấp phép đăng ký lưu hành thuốc (hiện tại chỉ có 25 người) rất hạn chế so với nhân lực của các cơ quan quản lý Dược trong khu vực và trên thế giới (Hàn Quốc 115 người; Malaysia: 75 người; Thái Lan: 100 người). Công tác chậm gia hạn số đăng ký thuốc ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng thuốc cho các cơ sở điều trị. Cụ thể thuốc đã trúng thầu thì chưa được gia hạn lại nên không thể tiếp tục sản xuất để cung ứng. Thuốc tổ chức đấu thầu mới thì nhà thầu không tham dự. Do đó việc xem xét để cho gia hạn đăng ký lưu hành đối với những thuốc không có sự thay đổi và không có vi phạm chất lượng trong thời gian lưu hành trước đây là cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương kiến nghị, sửa Luật Dược 2016 để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho quản lý nhà nước về dược cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh dược bảo đảm cung ứng đủ thuốc chất lượng cho người bệnh. Sửa đổi các quy định liên quan đến đăng ký thuốc: Đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc, giảm bớt các khâu trung gian. Bổ sung các quy định về điều kiện đăng ký lưu hành thuốc trong trường hợp cấp bách làm cơ sở để thực hiện trong trường hợp cần thiết để đáp ứng tính kịp thời nếu như có dịch xảy ra tương tự…

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cũng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tổng thể khách quan về vấn đề sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để đưa ra các giải pháp căn cơ hữu hiệu hơn trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh những hành vi trục lợi từ chính sách phát huy đúng giá trị nhân văn của chính sách...

Ngoài ra, các ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng góp một số ý kiến đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
.