Di tích Trại Davis: Phục dựng để nhắc nhớ thế hệ sau
Nếu như hơn 4 năm 8 tháng ròng rã đàm phán để ký kết được Hiệp định Paris được xem là một đỉnh cao của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, thì quãng thời gian đấu tranh để buộc các bên phải thi hành hiệp định cũng có ý nghĩa quan trọng không kém.
Và nhắc tới việc đấu tranh thi hành Hiệp định Paris, không thể không nhắc tới Trại Davis - trụ sở của Ban Liên hợp quân sự 4 bên, sau đó là 2 bên cho đến ngày đất nước thống nhất.
Bốn bên trong thi hành Hiệp định Paris gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ, Việt Nam Cộng hòa. Sau khi Ban Liên hợp quân sự 4 bên hết hạn, Trại Davis còn lại hai phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong khi phía ta thi hành nghiêm túc Hiệp định Paris để sớm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên đất nước, thì đối phương ra sức trì hoãn, phá hoại, vi phạm những nội dung đã ký kết.
Một cuộc họp 4 bên tại trại Davis. Ảnh: TTXVN |
Chính quyền Sài Gòn bố trí trụ sở Ban Liên hợp quân sự ở Trại Davis. Nơi đây nguyên là một trại lính của quân đội viễn thám Hoa Kỳ, nằm sát phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất. Ban đầu cũng có những băn khoăn, nhưng chính quyền Sài Gòn cho rằng không thể bố trí được ở nội thành. Thực tế, việc bố trí phái đoàn ở đây một phần là để dễ bề kiểm soát, thậm chí đàn áp, tiêu diệt hai phái đoàn ta khi tình hình biến động.
Bao quanh phía ngoài là sân bay Tân Sơn Nhất được canh phòng cẩn mật, máy bay cất cánh hạ cánh gầm rú suốt ngày đêm. Người ta đã tìm thấy trên bàn làm việc của tướng Sài Gòn Cao Văn Viên một kế hoạch, khi viên tướng này đã tháo chạy khỏi Sài Gòn: “Chỉ thị cho cấp dưới được quyền sử dụng các biện pháp sau đây với Trại Davis mà không cần xin ý kiến của bộ tổng tham mưu, chỉ cần phát hiện có tiếng súng từ Trại Davis bắn sang sân bay: 1/ Bắn pháo và cối vào Trại Davis. 2/ Cho xe tăng và bộ binh tấn công. 3/ Ném bom. 4/ Rải chất độc hóa học với điều kiện gió không thổi về phía thành phố”.
Kế hoạch ấy không được thực thi, nhưng những cán bộ trong trại thì lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Ngay giữa vòng vây quân địch, chúng ta tự đào giếng lấy nước sinh hoạt. Khi tình hình căng thẳng, có chủ trương đưa lực lượng ta ra ngoài, nhưng mọi người đều quyết tâm bám trụ, bí mật đào hầm khi quân địch phía bên ngoài vẫn ngày đêm canh phòng cẩn mật…
Suốt 823 ngày đêm, các chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao quân sự đã kiên quyết đấu tranh buộc đối phương phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris. Tại đây đã diễn ra 125 cuộc họp cấp trưởng đoàn cả hai thời kỳ, hơn 500 cuộc họp cấp tiểu ban (Quân sự, Trao trả, Triển khai thủ tục, Thay thế vũ khí) và Tổ Liên hợp quân sự 4 bên.
Tại đây cũng đã diễn ra hơn 100 cuộc họp báo vào sáng thứ bảy hàng tuần, thu hút phóng viên của 77 hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới dự đưa tin. Phái đoàn của ta đã gửi hàng trăm bức công hàm tố cáo đối phương vi phạm hiệp định, yêu cầu ủy ban quốc tế điều tra. 9 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được hai chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn kéo lên, là một trong những lá cờ sớm nhất được kéo lên tung bay trên nền trời Sài Gòn ngày 30-4 lịch sử. Hai phái đoàn đại biểu quân sự của ta tại Trại Davis đã được ví như “cánh quân thứ sáu” trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nửa thế kỷ dần trôi qua, năm 2017, Trại Davis được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Những người từng sống trong Trại Davis năm nào vẫn đau đáu việc gìn giữ chứng tích một thời đấu tranh ngoan cường, lưu dấu lịch sử.
Theo sggp.org.vn