Thứ Ba, 03/01/2023, 21:46 (GMT+7)
.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12-2022:

Điều chỉnh hợp lý giá điện, phấn đấu kết thúc điều tra vụ Việt Á trong quý I-2023

Chiều 3-1, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại họp báo, đại diện một số bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo liên quan nhiều vấn đề đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm.

a
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12-2022. (Ảnh: VGP)

Tính toán điều chỉnh hợp lý giá điện

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, liên quan câu hỏi của báo chí về đề nghị cơ chế điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đối với giá xăng dầu, theo Nghị định số 95/2021/NQ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, hiện nay giá xăng dầu được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày, vào ngày 1, 11 và 21 hằng tháng.

Theo ý kiến của người tiêu dùng, doanh nghiệp, các chuyên gia và lãnh đạo các cấp, Bộ Công thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83, trong đó có tính đến phương án điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ ngắn hơn (dưới 10 ngày) và lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng liên quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.

Liên quan kiến nghị của EVN, tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện trong năm, theo đó, hằng quý EVN cập nhật chi phí phát điện của quý trước liền kề, dự kiến thông số đầu vào của khâu phát điện của các quý còn lại trong năm để tính toán lại giá bán lẻ điện bình quân.

Nếu thông số đầu vào trong khâu phát điện thay đổi, làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Như vậy, quy định hiện hành đã có cơ chế bảo đảm giá điện theo sát với giá đầu vào, bảo đảm phản ánh biến động giá trên thị trường vào giá bán lẻ điện bình quân. Tuy nhiên, giá điện có đặc trưng khác với giá xăng dầu. Chi phí sản xuất kinh doanh điện có sự phụ thuộc cao vào các mùa trong năm là mùa mưa và mùa khô.

Vào giai đoạn mùa mưa, lượng nước về các hồ thủy điện nhiều, các nhà máy thủy điện (có chi phí phát điện thấp) được huy động điều độ phát nhiều, dẫn đến tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện thấp hơn so trong mùa khô khi phải huy động nhiều hơn các nguồn nhiệt điện có giá đắt hơn do nhà máy thủy điện không có đủ lượng nước để phát nhiều, bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và nhu cầu của người dân.

Chính vì vậy, trong Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg đã quy định rất rõ thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, để phản ánh sự biến động khách quan của chi phí nêu trên. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, lần điều chỉnh giá điện gần nhất vào ngày 20-3-2019. Như vậy, đến tháng 3/2023 sẽ là 4 năm giá điện chưa được điều chỉnh.

Ngoài ra, do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, nên việc điều hành giá điện cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ tác động. Tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định rõ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

Trong giai đoạn vừa qua, thế giới chứng kiến sự biến động khó lường của giá năng lượng, giá điện tăng cao ở nhiều nước trên thế giới, một số quốc gia đã phải cắt giảm điện luân phiên. Bên cạnh đó, tác động cộng hưởng của căng thẳng địa chính trị tại châu Âu, biến động tỷ giá giữa đồng USD và nhiều đồng tiền khác, áp lực của lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh điện nói riêng và chi phí sản xuất kinh doanh nói chung trên toàn cầu, đã tác động mạnh làm giá điện tăng cao ở nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, tại một số quốc gia, giá điện đã tăng gấp nhiều lần.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, số liệu thống kê cho thấy giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện bình quân 10 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 150% so bình quân năm 2021, giá than trộn trong nước cho đến hết quý III năm 2022 của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã tăng so đầu năm khoảng hơn 50%. Những điều này đã làm cho chi phí sản xuất và mua điện tăng cao so dự kiến đầu năm.

Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý phương án đề xuất của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện trên cơ sở đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, đầy đủ tác động đến lạm phát và đặc biệt là đời sống người dân đang còn gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua và trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường trong thời điểm hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương sẽ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định để việc điều chỉnh giá điện hợp lý, hạn chế tác động ở mức thấp nhất đến kinh tế-xã hội và đời sống người dân khi điều chỉnh.

Phấn đấu kết thúc điều tra vụ Việt Á trong quý I/2023

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết, đối với vụ Việt Á, cơ quan điều tra sẽ cố gắng phấn đấu để kết thúc điều tra trong quý I-2023. Về con số, đối với Việt Á, hiện nay đã khởi tố 29 vụ với 102 bị can và đối với vụ giải cứu công dân là 39 bị can. Số tiền đã kê biên, phong tỏa, các bị can nộp để khắc phục hậu quả thì vụ Việt Á hiện nay là 1.670 tỷ đồng và vụ giải cứu là 80 tỷ đồng. Nhiều khả năng là sẽ còn bị can, số bị can sẽ tăng trong thời gian tới.

Loại bỏ “virus Việt Á” trong kiểm định phương tiện giao thông

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, mấy tuần vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Phan Rang và chắc sẽ còn thêm nữa.

Riêng Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra lệnh khám xét 12 Trung tâm kiểm định, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can cho các tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác. Các trung tâm kiểm định này bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra hoặc cho thuê phụ tùng thay thế, các phụ tùng không bảo đảm quy chuẩn.

Chẳng hạn, xe vào kiểm định lốp mòn quá thì thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận khác, chỉ nộp tiền xong là bảo đảm tiêu chuẩn. Rồi sử dụng phần mềm để can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi các thông số kiểm định và tính chất vi phạm. Thí dụ, trong máy tính có 2 đầu đọc thì chỉ cắm 1 đầu, còn bỏ 1 đầu, như vậy xe vẫn đạt tiêu chuẩn.

Sơ bộ ước tính có khoảng hơn 70 nghìn phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật như thế này, và các trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, và thu lợi hàng chục tỷ đồng.

Một số trung tâm đăng kiểm này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới.

Thí dụ, quy định phải có 3 kiểm định viên thì họ không có ai; thậm chí có giám đốc một trung tâm kiểm định không viết được, không biết chữ, không đọc được. Hỏi ra thì khai mới học hết lớp 3 cách đây 50 năm. Đó là giám đốc Trung tâm kiểm định 50-17D Nhà Bè.

Những hành vi như trên làm cho việc giám sát chất lượng, số lượng phương tiện an toàn giao thông bảo vệ môi trường bị ảnh hưởng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu cho xã hội, gây nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân.

Bộ Công an coi những hành vi trên là những "virus Việt Á" trong lĩnh vực kiểm định phương tiện giao thông, và Bộ Công an đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn virus này trên phạm vi toàn quốc. Số bị can chắc sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Theo nhandan.vn


 

 

.
.
.