Thứ Bảy, 07/01/2023, 21:54 (GMT+7)
.

Khi đất nước yên bình, các anh ra đi không về nữa!

Phóng viên - chiến sĩ, cây bút - cây súng… các cặp từ đó là những ca từ đẹp trong bản nhạc sáng tác về thế hệ làm Báo Ấp Bắc trong kháng chiến chống Mỹ. Những cái tên Vân Lam, Tuấn Ngọc, Châu Hồ, Trần Hưởng, Trần Thọ, Ngọc Thủy… đã ghi tên mình vào danh sách bất tử “Tổ quốc ghi công”. Trong sâu thẳm ký ức, chúng tôi lắng đọng bên di ảnh các chú: Phóng viên - chiến sĩ - liệt sĩ. Những con người ấy, với cây bút - cây súng đã làm rạng ngời truyền thống Báo Ấp Bắc “Trung kiên, đoàn kết, đổi mới vì sự nghiệp báo chí cách mạng”.

Nguyên lãnh đạo, lãnh đạo, công đoàn viên, phóng viên, Chi đoàn kết nghĩa  Báo Ấp Bắc trong một lần đến thăm và tặng quà gia đình nhà báo liệt sĩ Vân Lam tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông.                                                                                                                                                                                                         Ảnh: LÊ PHƯƠNG
Nguyên lãnh đạo, lãnh đạo, công đoàn viên, phóng viên, Chi đoàn kết nghĩa Báo Ấp Bắc trong một lần đến thăm và tặng quà gia đình nhà báo liệt sĩ Vân Lam tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông. Ảnh: LÊ PHƯƠNG



1. Năm 1965, ở Gò Công địch bình định rất ác liệt. Nhà báo Vũ Sương, phóng viên của Báo Ấp Bắc được phân công xuống Gò Công để nắm tình hình, viết bài phản ánh cuộc kháng chiến của quân và dân Gò Công chống địch gom dân lập ấp chiến lược. Nhà báo Vũ Sương thâm nhập vào lực lượng bộ đội đang đóng ở căn cứ xã Kiểng Phước.

Trong lúc đơn vị đang bàn kế hoạch đánh đồn Vàm Láng và thống nhất điều nghiên, lên phương án chọn ngày, giờ sẵn sàng đánh địch, nhà báo Vũ Sương nói: “Phải ra trận mạc mới có chất mà viết”. Đêm 28-10-1965, nhà báo Vũ Sương sắp xếp đồ đạc gọn gàng gồm: Bộ quần áo bà ba đen, chiếc khăn rằn và cây súng carbine để cùng bộ đội ra chiến trường đi tìm “chất liệu” viết bài cho báo.

Trận đánh đồn Vàm Láng diễn ra theo kế hoạch. Đại đội 206 địa phương quân Gò Công nổ súng công đồn lúc trời mưa. Trận đánh diệt gọn đồn bảo an cấp đại đội của địch tại Vàm Láng. Trong lúc ta và địch giao tranh ác liệt, nhà báo Vũ Sương bị thương gãy chân. Khi rút quân, nhà báo lạc ra thớt cá Vàm Láng, bị địch phát hiện bắn nên đã hy sinh.

Địch để nhà báo Vũ Sương một ngày đêm nằm ngoài lộ, nhân dân xót xa tìm mọi cách huy động lực lượng vận động, thuyết phục địch, sau đó chúng mới chịu để bà con đem xác nhà báo Vũ Sương về chôn cất. Nhà báo Vũ Sương - một cây bút đầy nhiệt huyết đã yên nghỉ vĩnh viễn trên đất Gò Công, nhưng những bài viết của nhà báo vẫn lưu truyền mãi trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

2. Tháng 10-1966, Tòa  soạn Báo Ấp Bắc vừa chuyển về đóng ở căn cứ  xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, địch phát hiện, đổ quân mở cuộc càn ở vùng Lung Cá Trê. Khi địch đến các nhà dân bỏ trống để tìm hầm của cán bộ cách mạng. Phát hiện hầm bí mật của anh em làm báo trong nhà, chúng bắn đồng chí Trần Thọ (Sáu Thọ) hy sinh. Đồng chí Trần Thọ hy sinh là tổn thất lớn cho Báo Ấp Bắc, tờ báo mất đi một nhà điêu khắc tài ba.

3. Tối 18-12-1967, tại vùng Đất Sét xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, nơi trụ sở của Tiểu ban Thông tấn - Báo chí đang đóng quân, các đồng chí làm báo cùng nhau làm bữa cơm chia tay, để sáng hôm sau mọi người đi xuống chiến trường tác nghiệp.

Trong lúc đồng chí Thái Phong đang ngồi thổi lửa, đồng chí Năm Hưởng ngồi phía sau, địch bắn pháo về phía xã Mỹ Thiện. Bất chợt địch hướng về phía Hòa Khánh, tiếng pháo nổ sát bên căn cứ, đồng chí Năm Hưởng bị một mảnh pháo ghim vào giữa trán.

Đồng chí ngã xuống, đồng đội quây quần băng bó vết thương. Đồng chí Năm Hưởng không nói được lời nào, nhìn mọi người mà hai dòng nước mắt hòa với máu chảy dài trên mặt. Gần một giờ sau, đồng chí Năm Hưởng đã ra đi trong vô vàn tình yêu thương của mọi người.

41 cán bộ, phóng viên Báo Ấp Bắc hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ

Theo Lịch sử Báo Đảng bộ tỉnhTiền Giang (1930 - 2010), từ năm 1965 -
1975, Báo Ấp Bắc (tỉnh Mỹ Tho) có 41 cán bộ, phóng viên đã anh dũng hy sinh. Có 2 nữ là chị Trần Thị Gấm ở Cai Lậy hy sinh năm 1966 và Đoàn Thị Việt Thủy (Nguyễn Thị Thủy) ở Cái Bè hy sinh năm 1968. Có 3 nhà báo quê ở ngoài tỉnh là: Phóng viên Tuấn Ngọc (Bến Tre) hy sinh năm 1968, phóng viên Trần Công (An Giang) hy sinh năm 1970 và phóng viên nhiếp ảnh Lý Cần ở Cần Thơ hy sinh năm 1967. Trong số các phóng viên hy sinh, nhiều nhất là ở Cai Lậy: 11 đồng chí; Cái Bè và Châu Thành mỗi  nơi 7 đồng chí và hy sinh nhiều nhất là năm 1968 (12 đồng chí), năm 1969 (7 đồng chí) và có 2 đồng chí hy sinh năm 1975 là đồng chí Trần Văn Trí ở Chợ Gạo và Lê Văn Quân ở Cai Lậy.

4. Nhà báo Tuấn Ngọc 26 tuổi đời, 4 tuổi làm báo, quê ở xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Vào làm báo, nhà báo Tuấn Ngọc ra sức học hỏi các bậc đàn anh, các đồng nghiệp, trau dồi nghiệp vụ để tin, bài của mình ngày càng đạt yêu cầu cao.

Nhà báo Tuấn Ngọc sớm nhận thức được rằng cây bút cũng là một thứ vũ khí, phóng viên cũng là chiến sĩ. Không chỉ là vũ khí, chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, thông tin qua tin, bài của mình, mà còn là chiến sĩ trực tiếp cầm súng, cầm lựu đạn đánh địch. Nhà báo Tuấn Ngọc thường tay bút, tay súng đến các địa bàn ta và địch tranh chấp ác liệt để lấy tin, viết bài.

Khi thâm nhập vào các đơn vị bộ đội, du kích, nhà báo Tuấn Ngọc đều được bộ đội, du kích yêu mến; bởi vì, họ vừa được tăng cường tay súng, vừa được động viên qua những bản tin, bài báo của anh phóng viên - chiến sĩ Tuấn Ngọc. Lúc ở căn cứ, Tuấn Ngọc là chiến sĩ bảo vệ gài lựu đạn đánh ngăn chặn địch, canh gác, theo dõi địch... Lúc đi cơ sở, Tuấn Ngọc luôn được cán bộ cơ sở và nhân dân yêu mến.

Trung tuần tháng 4-1968, ở Gò  Công địch liên tiếp mở nhiều cuộc càn quét bao vây căn cứ Bình Xuân hòng tiêu diệt Tiểu đoàn 514B của tỉnh. Nhà báo Tuấn Ngọc được phân công xuống tỉnh Gò Công để viết bài cho Báo Ấp Bắc và Tập san Văn nghệ tỉnh Mỹ Tho.

Vào buổi chiều của tháng 4-1968, sau chuyến đi thâm nhập Tiểu đoàn 514B về, nhà báo Tuấn Ngọc từ xã Tân Bình Điền (nay là xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) đang gói hành trang, ba lô, súng đạn và những bài báo mới viết xong, chuẩn bị theo giao liên về căn cứ Báo Ấp Bắc (đang đóng ở huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), thì có tin địch càn vào xã.

Từ xóm nhà đồng bào ngoài đồng trống, nhà báo Tuấn Ngọc cùng đồng đội chạy về hướng biển, nơi có một vạt rừng để tránh cuộc càn của địch. Trên đường đi, nhà báo bị máy bay trinh sát “đầm già” của địch phát hiện, chúng lao xuống bắn rốc két liên hồi. Nhà báo Tuấn Ngọc hy sinh. Đêm hôm đó, má Tư và đồng bào tại chỗ làm lễ truy điệu và chôn cất nhà báo Tuấn Ngọc tại nghĩa địa xã Tân Bình Điền, ven biển Gò Công.

5. Đầu năm 1969, thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam về tiếp tục đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên cả 3 vùng, Tỉnh ủy Mỹ Tho, Gò Công và TP. Mỹ Tho chỉ đạo toàn quân, toàn dân khẩn trương chuẩn bị kế hoạch tiến công - nổi dậy năm 1969.

Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho cử 3 đồng chí trong Tiểu ban Thông tấn - Báo chí đi dự lớp báo chí theo thư chiêu sinh của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, gồm: Hoài Dũng, Hồng Nhan và Việt Thủy. Sau khi lớp bế giảng, các đồng chí trở về địa phương tiếp tục nhận nhiệm vụ. Trên đường đi về, Sư đoàn 9 ngụy kết hợp địa phương quân mở cuộc càn vào căn cứ cách mạng. Địch bắn xối xả vào trận địa, trong trận đầu, đồng chí Việt Thủy bị thương nặng, được đồng đội đưa về tuyến sau để điều trị.

Địch tiếp tục đổ quân càn vào khu vực xã Hậu Mỹ, đồng chí Việt Thủy được đưa xuống hầm bí mật nhưng do địch ngâm quân dài ngày, vết thương quá nặng, không đủ điều kiện chăm sóc, đồng chí trút hơi thở cuối cùng tại lòng đất xã Hậu Mỹ. Gần một năm hoạt động trong ngành báo chí, Việt Thủy đã để lại trong lòng đồng chí, đồng đội nhiều tình cảm và ấn tượng khó phai.

6. Ngày 30-6-1970, địch mở cuộc càn vào xã Long Trung. Chúng chia làm 2 cánh: Cánh nổi và cánh chìm. Cánh nổi có xe tăng, tàu biệt kích và bom, pháo; cánh chìm thì bí mật nằm im phục kích. Khi địch càn vô căn cứ, đồng chí Châu Hồ báo với anh em trong Tiểu ban Thông tấn - Báo chí và Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho: “Nó tới rồi, chạy đi”. Đồng chí chạy trước, lọt vào ổ phục kích của địch. Chúng nổ súng và đồng chí đã hy sinh.

H.L

.
.
.