Thứ Bảy, 28/01/2023, 08:52 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 82 năm Ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước

Dấu mốc quan trọng trong lịch sử Đảng và cách mạng Việt Nam

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chỉ sau một thời gian ngắn, Người đã có những quyết định sáng suốt, kịp thời chỉ đạo cách mạng Việt Nam: Xây dựng căn cứ địa cách mạng, thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng và phát triển Khu giải phóng, thành lập lực lượng vũ trang chính quy đầu tiên... Những điểm nhấn này đã tạo nên bước phát triển quan trọng đối với phong trào cách mạng Việt Nam, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 giành thắng lợi trọn vẹn.

Ðầu năm 1938, nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần, lúc này lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang học tập tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở Moskva (Liên Xô), Người luôn theo dõi sát sao tình hình và chuẩn bị kế hoạch trở về nước. Ngày 6/6/1938, Người viết thư gửi một đồng chí trong Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, xin giúp Người được trở về hoạt động. Ý kiến của Người đã được Quốc tế Cộng sản chấp thuận. Tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô. Trong hơn một năm sau đó, Người đã đi qua căn cứ của Ðảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An, làm việc trong Bát lộ quân (đơn vị quân đội của Ðảng Cộng sản Trung Quốc) một thời gian, sau đó di chuyển về Vân Nam sát với biên giới Việt-Trung, tìm cách bắt liên lạc với tổ chức đảng trong nước.

Ðầu năm 1940, tại Côn Minh, Nguyễn Ái Quốc gặp đồng chí Phùng Chí Kiên - phụ trách Ban Công tác hải ngoại của Ðảng. Người đã nghe đồng chí Phùng Chí Kiên báo cáo về phong trào cách mạng trong nước và hoạt động của tổ chức Ðảng ở Côn Minh. Ðược tin Lâm Bá Kiệt (tức Phạm Văn Ðồng) và Dương Hoài Nam (tức Võ Nguyên Giáp) vừa trong nước sang Vân Nam (6/1940), đồng chí Phùng Chí Kiên đã bố trí để hai đồng chí gặp Người tại công viên Thúy Hồ (Côn Minh) và nghe báo cáo về tình hình trong nước.

Ðược tin Chính phủ Pháp đầu hàng phát-xít Ðức, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập cuộc họp cán bộ ở Côn Minh để đánh giá tình hình và bàn việc chuẩn bị về nước. Người phân tích rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa thực dân ở chính quốc và thực dân ở Ðông Dương, đồng thời nhận định: "Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng"(1).

Trong lúc kế hoạch về nước của Nguyễn Ái Quốc còn đang gấp rút chuẩn bị, tháng 9/1940, sự xâm lược của Nhật và sự đầu hàng của Pháp trên toàn cõi Ðông Dương, nhân dân Việt Nam phải chịu ách áp bức "một cổ hai tròng". Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, như: Khởi nghĩa Bắc Sơn, Khởi nghĩa Nam Kỳ... Tất cả các cuộc khởi nghĩa đều thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Ðảng bị địch bắt, hệ thống tổ chức đảng bị địch phá vỡ... Tình hình đó càng thôi thúc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Lúc đầu, Nguyễn Ái Quốc có ý định về nước theo hướng Côn Minh-Lào Cai, cho nên đã phái đồng chí Bùi Ðức Minh, Hoàng Văn Lộc về Hà Khẩu để điều tra và nắm tình hình trong nước và đặt cơ sở liên lạc. Qua tìm hiểu thấy rằng, sau Khởi nghĩa Yên Bái, phong trào cách mạng bị khủng bố trắng chưa kịp hồi phục, cơ sở đảng chưa vững chắc, cầu Hồ Kiều nối liền biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã bị đánh sập ngày 10/9/1940, vì vậy dự định về nước theo hướng Lào Cai không thể thực hiện được.

Với tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định chọn Cao Bằng là điểm dừng chân đầu tiên. Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Từ những năm 1938-1939, Tỉnh ủy Cao Bằng đã chỉ đạo xây dựng căn cứ cách mạng ở vùng Lục Khu-Pác Bó (Hà Quảng), gồm các xã vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ðây là những điều kiện thuận lợi bảo đảm cho việc xây dựng căn cứ địa và phát triển phong trào cách mạng.

Việc chuẩn bị về nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được bí mật chuẩn bị khẩn trương, hạ tuần tháng 12/1940, Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ chuyển về làng Tân Khư, thuộc Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây) và đã gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Ðảng ra báo cáo tình hình trong nước và đề nghị Người nên về nước theo hướng Cao Bằng.

Ngày 28/1/1941 (mồng hai Tết Tân Tỵ), sau 30 năm xa Tổ quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam-Trung Quốc về đến bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Giây phút thiêng liêng đó cũng là điểm mốc thời gian mở ra giai đoạn phát triển mới cho cách mạng Việt Nam.

Trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẩn trương triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám (5/1941) của Ðảng. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp bách nhất của cách mạng Việt Nam khi đó: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"(2).

Hội nghị đề ra nhiệm vụ xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Ðảng; kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ðảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, Ban Thường vụ Trung ương. Ðồng chí Trường Chinh được bầu là Tổng Bí thư. Cũng trong Hội nghị, ngày 19/5/1941, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời với quyết tâm "1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do", Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Hội nghị Trung ương 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì (5/1941) nhận định: "Cuộc cách mạng Ðông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang..."(3). Dưới chỉ đạo trực tiếp của Người, trong những năm 1941-1944, những đội du kích, đội tự vệ được xây dựng ở nhiều xã, nhiều huyện thuộc tỉnh Cao Bằng. Những trung đội cứu quốc quân 1, 2, 3 - lực lượng vũ trang cách mạng được duy trì sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tiếp tục được củng cố. Lực lượng này là nòng cốt hỗ trợ cho phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng đang dâng cao, đặc biệt trong các tỉnh thuộc khu giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên.

Ðầu tháng 12/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp xúc tiến thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những kinh nghiệm xây dựng Mặt trận Việt Minh và lực lượng vũ trang ở Cao Bằng là cơ sở quan trọng để mở rộng lực lượng cách mạng thành Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao-Bắc- Lạng-Hà-Tuyên-Thái nối liền với nhau. Từ đó chủ trương "khởi nghĩa từng phần" để khi thời cơ đến, tiến hành tổng khởi nghĩa giành thắng lợi đã được hiện thực hóa.

Tại căn cứ địa Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo mở nhiều lớp huấn luyện chính trị-quân sự ngắn hạn để đào tạo cán bộ, tổ chức các đội du kích vũ trang đầu tiên. Người chỉ đạo biên soạn Mười điều kỷ luật và Chiến thuật cơ bản của du kích, làm tài liệu giáo dục, huấn luyện du kích. Ðồng thời Người còn trực tiếp chỉ đạo các đoàn thể cứu quốc của Cao Bằng tổng kết, rút kinh nghiệm, để mở rộng Mặt trận Việt Minh ra cả nước(4).
Việc lựa chọn Cao Bằng làm điểm dừng chân và xây dựng căn cứ địa cách mạng thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trí tuệ và tư duy biện chứng của Người trong việc nhìn nhận mối quan hệ giữa phong trào cách mạng một địa phương với toàn quốc, giữa phong trào cách mạng một vùng với phong trào cả nước; đồng thời khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo về phương pháp cách mạng và nhận thức sắc bén của Người về thời cuộc, về dự báo triển vọng phát triển của cách mạng Việt Nam.
 
Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ðảng ta đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống đoàn kết và khát vọng đấu tranh giành độc lập, tự do của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở châu Á, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Ðảng và cách mạng Việt Nam. Những bài học từ khi Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Ðó là bài học về công tác xây dựng Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất rộng rãi...

(Theo nhandan.vn)

(1) Vũ Anh: Những ngày gần Bác (sách: Bác Hồ về nước, Nxb Hội Văn học-Nghệ thuật Cao Bằng, 1986, tr.15).

(2), (3) Ðảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Ðảng Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7.

(4) Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.105.

 

 

 

.
.
.