Madam Bình - Bình là hòa bình…
Bàn đàm phán bốn bên tại Hội nghị Paris 1973 (Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa), giới truyền thông và người dân yêu chuộng hòa bình thế giới không khỏi thán phục trước bản lĩnh kiên cường, sắc sảo nhưng cũng đầy thuyết phục của “Madam Bình” (tên mà truyền thông quốc tế gọi bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris 1973).
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris vào ngày 17-1-2023. Ảnh: QUANG PHÚC |
Từ cuộc đàm phán lịch sử năm ấy, cục diện mới mở ra trang sử mới trong lịch sử dân tộc, để Bắc - Nam sum họp một nhà, hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Điều ấy như niềm mong ước mà thế hệ hôm qua nỗ lực và gửi gắm ngay trong chính tên bà - Nguyễn Thị Bình. “Đồng chí Nguyễn Văn Đức, một trong những đồng chí lãnh đạo Ban Thống nhất, gợi ý tôi lấy tên là Bình, Bình là hòa bình, đi quốc tế dễ tranh thủ cảm tình và tên cũng dễ đọc. Từ đó tên Yến Sa, bí danh của tôi suốt thời kháng chiến chống Pháp, được đổi thành Nguyễn Thị Bình”, bà Nguyễn Thị Bình từng viết trong hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước.
Trong những ngày kỷ niệm này, hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 - 27-1-2023) do Bộ Ngoại giao tổ chức khiến chúng tôi không khỏi xúc động, bởi những con người đã góp phần làm nên trang sử hôm qua như bà đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, và thời gian cũng không cho phép lớp người năm ấy còn đủ mặt để có thể kể về ký ức.
Sức khỏe không cho phép bà Nguyễn Thị Bình trò chuyện nhiều, những chi tiết của cuộc đàm phán lịch sử năm ấy cũng không thể nào trọn vẹn hết trong trí nhớ của người đã ngoài 95 tuổi, nhưng niềm tự hào về hai tiếng Việt Nam trên chính trường quốc tế, tinh thần đoàn kết dân tộc vẫn vẹn nguyên trong bà. “Có thể nói, sự đoàn kết và ủng hộ hết sức mạnh mẽ của thế giới đã đem lại thêm sức mạnh cho Việt Nam ở trên chiến trường cũng như ở trên bàn đàm phán”, bà Nguyễn Thị Bình nói tại lễ kỷ niệm.
Trong hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, bà Nguyễn Thị Bình từng chia sẻ: “Tôi ra đi với bao nhiêu cảm xúc trong lòng, nhưng tâm niệm phải làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin cậy của lãnh đạo. Tài liệu tôi mang theo là cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, một số tài liệu về các phương án đấu tranh và lời dặn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh do các đồng chí Ban Thống nhất truyền đạt lại. Đó là trong đấu tranh phải luôn luôn giữ vững lập trường nguyên tắc: “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Và tôi nghĩ hai đoàn đàm phán Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) đã thực hiện đúng lời chỉ bảo đó”.
Và dẫu là thế hệ nào đi chăng nữa, lớp người chứng kiến giai đoạn chiến tranh khốc liệt để bảo vệ Tổ quốc hay thế hệ 9X, gen Z như chúng tôi, lớp trẻ hiểu lịch sử qua từng trang sách, đều mang những tự hào riêng của thế hệ mình, khi nhắc nhớ về lịch sử. Ở thế hệ nào cũng vậy, độc lập, tự cường và toàn vẹn non sông là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Hãy nhớ những bài học lịch sử quý giá của ông cha, đặt lợi ích chung lên trên, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, kiên trì đi theo con đường đã lựa chọn, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc của đất nước sẽ là hạnh phúc của con em chúng ta Bà NGUYỄN THỊ BÌNH |
Theo sggp.org.vn