.

Thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam

Cập nhật: 10:10, 27/01/2023 (GMT+7)

Ngày 27-1-1973, sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết, kết thúc cuộc đàm phán lâu nhất, khó khăn nhất, phức tạp nhất và thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, mở ra cánh cửa hòa bình cho đất nước sau nhiều năm chiến tranh ác liệt.

KHẲNG ĐỊNH TRÍ TUỆ CỦA NỀN NGOẠI GIAO CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Cách đây 50 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược. Hiệp định đã mở ra một cục diện mới với thế mạnh áp đảo của Việt Nam trên chiến trường, tạo tiền đề vững chắc cho quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Quang cảnh của buổi Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27-1-1973.
Quang cảnh của buổi Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27-1-1973.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris đã phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự, phát huy thắng lợi trên các chiến trường, giữ vững thế chủ động trong đàm phán, liên tục tiến công. Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, các hoạt động tranh thủ dư luận quốc tế tại Hội nghị Paris làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa sáng ngời của cuộc chiến tranh giải phóng và thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam; vạch trần những thủ đoạn, mưu đồ đen tối, tính chất phi nghĩa, tàn bạo của cuộc chiến tranh xâm lược của địch, đã góp phần quan trọng tạo nên phong trào nhân dân thế giới rộng lớn chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam - một phong trào mang tính lịch sử và thời đại, tiêu biểu cho lương tri của loài người, đã tác động rất lớn tới dư luận tiến bộ Mỹ, thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 - 27-1-2023), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Hội thảo nhằm nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với tiến trình lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; đúc kết những bài học kinh nghiệm vận dụng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đó cũng chính là thể hiện sự chỉ đạo chiến lược, phương châm hành động chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả 3 mặt trận chính trị, chiến trường và ngoại giao. Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, thắng lợi của Hiệp định Paris cho chúng ta bài học kinh nghiệm: Chúng ta phải kiên định, kiên trì vì chúng ta có chính nghĩa. Khi có chính nghĩa chúng ta đề ra đường lối đấu tranh, đàm phán; kiên trì với mục tiêu đó mới đi đến thắng lợi.

Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam: Thắng lợi của Việt Nam tại cuộc đàm phán Paris là minh chứng sinh động nhất về sự đúng đắn, sáng tạo của đường lối và sách lược của nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu không có Tết Mậu Thân 1968, không có cuộc giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt xung quanh Thành cổ Quảng Trị, không có trận “Điện Biên Phủ trên không”, không có miền Bắc - Hậu phương lớn hỗ trợ cho tiền tuyến lớn miền Nam thì không có Hội nghị Paris về Việt Nam, không thể có Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Bên cạnh đó, không thể không kể đến hàng triệu, hàng triệu người trên thế giới ở các châu lục, phong trào phản chiến ở Mỹ, bằng nhiều hình thức đã góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam.

DẤU ẤN CỦA NHỮNG NHÀ NGOẠI GIAO TÀI BA

Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành tột bậc của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Sau gần 5 năm với “201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam,” ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa các bên tham gia, là một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là thắng lợi hết sức to lớn trên mặt trận ngoại giao, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Hoa Kỳ buộc phải rút quân về nước là điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của Hiệp định Paris cho thấy rõ nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn người và dụng người rất đúng. Bác đã chọn 2 nhân vật: Đồng chí Xuân Thủy, nguyên là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là người vững vàng nhưng rất sách lược, uyển chuyển làm trưởng đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác chọn thêm một nhân vật chủ chốt nữa của Đoàn đàm phán là đồng chí Lê Đức Thọ. Đồng chí vừa là nhà chính trị, nhà quân sự đồng thời là nhà ngoại giao rất giỏi dù chưa qua một trường lớp ngoại giao nào và cũng chưa lúc nào đảm nhiệm chức vụ ngoại giao.

Trong đàm phán, Bác Hồ chọn một người rất mềm dẻo, sách lược, uyển chuyển và thu hút sự quan tâm của dư luận là đồng chí Xuân Thủy. Trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris với 201 phiên họp công khai, 500 cuộc họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn, đồng chí Xuân Thủy đều nói lên chính nghĩa và tinh thần quyết chiến của Việt Nam để giành độc lập, tự do và sự phi nghĩa xâm lược của Mỹ.  Đặc biệt, đồng chí đã vận dụng sáng tạo sách lược “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, phối hợp chặt chẽ giữa hai miền Bắc - Nam trong quá trình đàm phán hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Nói về Cố vấn đặc biệt Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris là đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên chia sẻ: “Tôi khâm phục ông Lê Đức Thọ. Trên thế giới tôi chưa thấy nhà đàm phán nào nói những lời lẽ rất nặng nề dành cho đối phương của mình mà khiến đối phương phải ngồi nghe một cách thuyết phục. Ông có thói quen khi nói về đầu bút chì. Sau này phía Mỹ có nói lại: Khi chúng tôi thấy ông Thọ vê vê đầu bút chì là chúng tôi biết sẽ “ăn đòn” với ông. Mặc dù vậy ông Lê Đức Thọ không làm cho người Mỹ ghét mà lại nể phục. Chúng ta nhìn thấy ở ông toát lên một con người trí tuệ, con người biết “lúc nào cứng, lúc nào mềm”. Do vậy Kissinger thán phục Lê Đức Thọ. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger từng chia sẻ trong hồi ký rằng: “Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện bên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ”.

Trong thời kỳ đó, chúng ta còn thấy những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh. Đồng chí chính là người ở trong nước chuẩn bị nội dung cho các cuộc đàm phán ở Paris. Bác Hồ phân công rất rõ ràng, một người đấu tranh ở trên bàn đàm phán, một người ở nhà soạn thảo sách lược, chiến lược. Ngoài ra, khi nói đến đồng chí Lê Đức Thọ, chúng ta cũng phải nhắc đến vai trò của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Với tư cách là trợ lý cho Cố vấn Lê Đức Thọ, đồng chí đã thể hiện là một nhà ngoại giao tài ba, khôn khéo, sắc sảo trên bàn đàm phán, đã đưa ra những nhận định, những ý kiến xác đáng làm cho đối phương phải nể trọng.

Một nữ tướng trên bàn đàm phán là đồng chí Nguyễn Thị Bình, một trí thức lớn lên từ phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam. Bác đã chọn người phụ nữ được đào tạo chính quy, có tri thức, nói tiếng Pháp rất giỏi. Khi họp báo đồng chí nói trực tiếp bằng tiếng Pháp nên rất thu hút báo giới, được nhiều bạn bè quốc tế quý mến. Nữ Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là niềm tự hào của cách mạng Việt Nam.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.