Thứ Hai, 16/01/2023, 09:50 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3-2-1930 - 3-2-2023)

Đoàn kết - bài học vô giá của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang

Xây dựng khối đoàn kết toàn dân là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đây là nhiệm vụ then chốt hàng đầu đặt nền móng vững chắc cho mọi thành công của cách mạng.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.                                                                                          Ảnh: THỦY HÀ
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ảnh: THỦY HÀ

LÀ QUAN ĐIỂM NHẤT QUÁN, LÀ PHƯƠNG CHÂM CHIẾN LƯỢC

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề có tính chiến lược, quyết định mọi thành công của cách mạng. Mỗi khi nội bộ chưa thống nhất về chính trị tư tưởng, về chủ trương, về lợi ích thì không thể có sự đoàn kết nhất trí cao, là sự bất ổn và tạo nên lực cản kìm hãm sự phát triển chung của tổ chức Đảng. Thấm nhuần quan điểm Đoàn kết của Đảng và tư tưởng Đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang luôn “lấy dân làm gốc”, đó là quan điểm nhất quán, là phương châm chiến lược của cách mạng qua các giai đoạn cách mạng. Mọi chính sách, chủ trương của Đảng đều xuất phát từ nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng.

Trải qua một thời gian dài thực hiện 2 nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, các thế hệ cư dân Tiền Giang đã hình thành mối quan hệ cố kết cộng đồng bền chặt, gắn bó trên nhiều phương diện như văn hóa, xã hội, kinh tế, trở thành sức mạnh đoàn kết toàn dân. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến đổi sâu sắc, Đảng bộ quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với từng đối tượng cụ thể, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân từng bước đổi mới theo hướng tập trung về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của nhân dân, củng cố khối đoàn kết trong nhân dân, các tôn giáo ở địa phương.

Mặt khác, chú trọng giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân ngay từ cơ sở, ngăn chặn kẻ xấu kích động, lôi kéo quần chúng làm điều sai trái; phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng có thể làm mất ổn định chính trị, gây chia rẽ khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Luôn quan tâm tìm hiểu đặc điểm, tâm lý, tập quán của từng vùng. Cử cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết theo chính sách của Đảng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào: Thi đua yêu nước, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trong những năm qua, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai để kích động, lôi kéo nhân dân gây mất ổn định chính trị ở một số địa phương, nhưng ở Tiền Giang vẫn giữ được sự ổn định, không có xung đột, mâu thuẫn giữa các tôn giáo. Tuy vậy, trong tình hình hiện nay vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố có thể dẫn tới gây bất ổn định chính trị xã hội không thể xem thường.

NÊU CAO TINH THẦN GƯƠNG MẪU, TRÁCH NHIỆM

Để xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, đòi hỏi các cấp ủy và mỗi đảng viên cần nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đoàn kết nội bộ và bảo vệ chính trị nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau; quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, về ý chí và hành động. Đây là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, chăm lo củng cố tình đồng chí trong Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân. Phát hiện sớm và tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết từ khi những biểu hiện này mới manh nha hình thành.

Để tạo được sự đoàn kết thống nhất cao về ý chí và hành động trong Đảng bộ, trách nhiệm đầu tiên là thuộc về các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; sau đó là của cán bộ, đảng viên và nhân viên, phải nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, vừa tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và tổ chức, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức thực tiễn cho cán bộ, đảng viên.

Tạo sợi dây liên kết chặt chẽ giữa cấp ủy - chính quyền, đoàn thể và cán bộ, đảng viên của tổ chức, từng bước xây dựng tập thể thành khối đoàn kết vững chắc, cùng hành động để đạt được mục tiêu, lý tưởng và nhiệm vụ cách mạng đặt ra trong tình hình mới. Người đứng đầu đơn vị cần phải đảm bảo quản lý điều hành trên cơ sở chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với quy định của tập thể, cơ quan, đơn vị; đồng thời, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ và sự đồng thuận về ý chí, hành động mục tiêu chung; thường xuyên có sự phối hợp hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực công tác nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đặc biệt, cán bộ quản lý các bộ phận cũng như của đơn vị phải là trung tâm đoàn kết, không ngừng hoàn thiện mình để trở thành thủ lĩnh của đơn vị, tổ chức; xây dựng tốt các mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong các tổ chức; khoan dung, độ lượng, tương thân, tương ái, thương yêu, tin cậy lẫn nhau, tạo bầu không khí ấm áp tình đồng chí, đồng nghiệp; luôn đi đầu gương mẫu trong mọi lĩnh vực và là trung tâm gắn kết từng cán bộ, đảng viên. Đây là một vấn đề tuy không mới, song rất khó, nó đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng khối đoàn kết, xác định đúng mục tiêu và có biện pháp phù hợp từ công tác chính trị tư tưởng đến tổ chức và cán bộ.

93 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào cách mạng ở Tiền Giang diễn ra liên tục có lúc sôi nổi, phát triển thành cao trào cách mạng, song cũng có lúc bị khủng bố. Những lúc phong trào cách mạng gặp khó khăn, Đảng bộ càng đoàn kết và kiên quyết lãnh đạo nhân dân đấu tranh để giữ vững cơ sở và phong trào. Có lúc Đảng bộ bị đánh phá tổn thất nặng nề, nhiều cán bộ, đảng viên hy sinh nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi chỉ còn vài tổ chức cơ sở đảng, vài đảng viên, vẫn giữ ngọn cờ cách mạng của Đảng, tuyên truyền, vận động, tổ chức phong trào đấu tranh theo mục tiêu của Đảng đề ra. Nhờ vậy, phong trào cách mạng ở tỉnh Tiền Giang lập được nhiều chiến công có ảnh hưởng đến phong trào cách mạng ở Nam bộ và cả nước.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.