Thứ Sáu, 03/02/2023, 07:25 (GMT+7)
.

Đảng và sứ mệnh đổi mới

Trong suốt chiều dài lịch sử 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đổi mới để phát triển, mà dấu mốc rõ nét nhất là đổi mới đất nước tại Đại hội VI của Đảng (năm 1986).

a
Quang cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: VIẾT CHUNG

Yêu cầu đổi mới tiếp tục được đặt ra liên tiếp ở các kỳ đại hội liền sau đó, và Đại hội XIII (năm 2021) thông qua nội dung: “Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”. Cụ thể hóa nội dung đó, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

1. Đảng ta luôn đòi hỏi về nhiệm vụ đổi mới trong phương thức lãnh đạo, nhằm tạo ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết và khắc phục những trở ngại trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Trong đó, Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”. Đến đây đã xuất hiện một khái niệm: “phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”.

Thực tế, không phải chỉ khi xuất hiện khái niệm “phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng” thì Đảng Cộng sản Việt Nam mới quan tâm đến việc thực hiện vai trò cầm quyền của Đảng. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Điều lệ Đảng được Đại hội X của Đảng thông qua cũng khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền”. Song, một khi xác lập rõ vai trò “lãnh đạo, cầm quyền” sẽ giúp Đảng xác định rõ hơn, cụ thể hơn các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ.

Hiểu một cách thông dụng nhất, lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện, còn cầm quyền là nắm giữ chính quyền. Khác với nhiều chính đảng ở các nước trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện chức năng lãnh đạo trước khi cầm quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, và từ đó lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành được chính quyền năm 1945. Sau 15 năm ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức trở thành đảng cầm quyền.

Như vậy, trước khi có chính quyền, phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng là tuyên truyền, vận động nhân dân (thông qua các tổ chức đảng và đảng viên) thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Khi có chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua các cơ quan Nhà nước, đảng viên của Đảng trong các cơ quan Nhà nước thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng. Trong phương thức cầm quyền, ngoài tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục như trước, Đảng lãnh đạo chính quyền thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện.

2. Ngay sau khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra những nguy cơ đối với đảng cầm quyền. Trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” vào tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 6 “lỗi lầm rất nghiêm trọng” mà cán bộ, đảng viên có nguy cơ mắc phải như: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Trong đó, “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”. “Hủ hóa - Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ… Thậm chí, lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...”. “Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài”…

Cũng trong thư, Người đã nghiêm khắc cảnh báo: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Không chỉ là nguy cơ mà những “lỗi lầm” ấy vẫn hiển hiện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Vì thế, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị luôn được Đảng ta quan tâm, đẩy mạnh, đổi mới. Đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, nhằm nâng cao, thể hiện tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ trong xử lý cán bộ sai phạm, tha hóa, biến chất, kịp thời thay thế những cán bộ không còn đủ năng lực, uy tín.

Đảng là một thực thể sống, nên không thể không có sai lầm. Vấn đề là Đảng đã dũng cảm nhận ra sai lầm và sửa chữa. Nhìn lại lịch sử 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam và người sáng lập Đảng, là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã luôn luôn tự vượt lên chính mình, khắc phục những sai lầm, đổi mới để phát triển. Một trong những dấu mốc đánh dấu rõ nét nhất chính là đổi mới đất nước được thông qua tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986).

Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền, gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

3. Đại hội XIII của Đảng xác định phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát;... Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan Nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Hiện nay, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là rất to lớn, nặng nề và có nhiều nội dung mới. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới cũng như cụ thể hóa văn kiện Đại hội XIII, Nghị quyết 28-NQ/TW đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đặc biệt, 5 nhóm trong 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp đó đều đề cập đến yêu cầu “đổi mới”. Đó là “Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng” (1); “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động (2); “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ (3); “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát” (4) và “Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” (5), “Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở” (6).

Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức vô cùng lớn và đông đảo, với gần 5,5 triệu đảng viên. Người dân nhìn Đảng qua lăng kính của mình bằng việc khi là đảng cầm quyền, chính sách, pháp luật của Nhà nước có đáp ứng được nhu cầu, lợi ích chính đảng của nhân dân và đội ngũ đảng viên của Đảng, nhất là các đảng viên giữ các trọng trách trong các cơ quan Nhà nước, có thật sự gương mẫu hay không. Đó chính là thước đo lòng dân đối với Đảng và cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.