Thứ Ba, 21/02/2023, 20:26 (GMT+7)
.
Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang:

Giám sát việc đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa

(ABO) Chiều 21-2, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm làm Trưởng đoàn giám sát đã đến làm việc tại Trường THCS Nguyễn Thị Bảy, huyện Gò Công Tây về việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT).

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan và đại diện lãnh đạo các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện Gò Công Tây.

Thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT, hầu hết các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Gò Công Tây đều có bước chuẩn bị tốt về các điều kiện triển khai. Theo đó, nhà trường thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 theo đúng lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT); thực hiện đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Sở VHTTDL
Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo Chương trình GDPT năm 2018 đã có những chuyển biến tích cực như: Học sinh mạnh dạn trình bày ý kiến trước lớp, việc học tập dưới hình thức nhóm trong lớp ngày càng có hiệu quả. Việc đổi mới chương trình, SGK GDPT bước đầu đã chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong việc chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển cả về phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Học sinh nắm được các kiến thức cơ bản của môn học, được trang bị phương pháp, lĩnh hội được bài học thông qua rèn luyện kỹ năng thực hành, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực. Giáo viên làm việc có kế hoạch, biết tổ chức hệ thống công việc để hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, tự khám phá, tránh làm thay, hiểu thay và nói thay...

Lãnh đạo các trường phát biểu ý kiến
Lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn huyện Gò Công Tây phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội vẫn còn một số khó khăn như: Đội ngũ giáo viên hiện nay chưa đáp ứng đủ về số lượng để thực hiện các nội dung môn học, nhất là đối với các môn Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương; giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng chính quy. Bên cạnh đó, việc dạy môn Khoa học tự nhiên tiến hành theo logic thứ tự SGK rất khó khăn trong việc phân công chuyên môn, xếp thời khóa biểu đặc biệt là đối với các trường có quy mô nhỏ, số lượng giáo viên ít. Mặt khác, các trường hiện đang thực hiện cả 2 chương trình nên khó tập trung, đầu tư vào thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Cùng với đó, trang thiết bị dạy học khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 nhiều khối lớp chưa được trang bị…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đặt nhiều vấn đề trao đổi các nội dung với lãnh đạo và thầy cô giáo các trường như: Công tác bồi dưỡng hỗ trợ của ngành Giáo dục cho thầy cô giáo trong thay SGK thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy; số lượng SGK đưa về trường có đủ để thầy cô giáo nghiên cứu, giảng dạy; cách thức tổ chức tuyên truyền về đổi mới chương trình SGK; cơ sở vật chất có đảm bảo theo yêu cầu của từng môn học; SGK chương trình mới có phù hợp với vùng nông thôn…

Đại diện các thầy cô giáo phát biểu về những khó khăn trong thực hiện đổi mới chương trình GDPT
Đại diện các thầy cô giáo phát biểu về những khó khăn trong thực hiện đổi mới chương trình GDPT.

Phát biểu tại buổi làm việc, nhiều thầy cô giáo cho rằng, Chương trình GDPT mới tích hợp nhiều cái hay, giúp phát huy năng lực, khả năng chủ động sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên,quá trình giảng dạy gặp nhiều khó khăn, các thầy cô rất vất vả do vừa nặng về chuyên môn vừa thiếu cơ sở vật chất. Đặc biệt về chương trình giảng dạy, SGK được biên soạn còn nhiều nội dung chưa phù hợp với học sinh; một số nội dung cách viết quá ngắn gọn làm học sinh khó hiểu và giải thích vấn đề; một số bài quá dài không kịp trong thời gian 1 tiết nên giáo viên rất áp lực; tài liệu giáo dục địa phương còn chậm phát hành… Mặt khác, ở vùng nông thôn nhiều học sinh còn khó khăn không có điều kiện mua máy vi tính và kết nối Internet nên không thể tự lên mạng nghiên cứu thêm để hiểu bài…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những ưu điểm, hạn chế trong triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội; đồng thời, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương quan tâm tháo gỡ những vướng mắc để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT hiệu quả hơn trong thời gian tới.

đồng chí Tạ Minh Tâm kết luận buổi làm việc
Đồng chí Tạ Minh Tâm kết luận buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tạ Minh Tâm cho biết: Việc giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT nhằm ghi nhận những thuận lợi, khó khăn, nhất là những vướng mắc trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT trong thời gian qua. Đồng chí ghi nhận các kiến nghị của thầy cô giáo, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây. Sau giám sát, Đoàn sẽ tham vấn thêm ý kiến của chuyên gia cũng như lãnh đạo ngành Giáo dục về những vấn đề các thầy cô đặt ra, từ đó có kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ trong thời gian tới. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, Đoàn sẽ gửi báo cáo giám sát đến UBND tỉnh xem xét tháo gỡ trong thời gian tới.

HOÀI THU

.
.
.