.
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HUỲNH TẤN PHÁT (15-2-1913 - 15-2-2023)

Nhà lãnh đạo mẫu mực, chuyên gia hàng đầu của ngành Kiến trúc Việt Nam

Cập nhật: 09:43, 15/02/2023 (GMT+7)

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989) sinh ra tại làng Tân Hưng, tổng Hòa Quới, quận An Hóa, nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Từ khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3-1945) cho đến khi trở về cõi vĩnh hằng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tuyệt đối trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn. Lý tưởng và tố chất của người cộng sản đã làm cho tài năng và đức độ của đồng chí tỏa sáng.

Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ trong kháng chiến chống Mỹ.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ trong kháng chiến chống Mỹ.

TẤM GƯƠNG TIÊU BIỂU CHO TINH THẦN ĐOÀN KẾT DÂN TỘC, ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ

Khi còn là học sinh Trường Trung học Mỹ Tho, những hoạt động bí mật và ảnh hưởng của các anh như Phạm Hùng và một số anh chị khác tham gia treo cờ búa liềm, rải truyền đơn, cổ vũ phong trào cách mạng; đồng thời, chứng kiến những cảnh khủng bố tàn khốc của địch đã làm xúc động, nhen nhóm ý thức đấu tranh cách mạng, đã nung nấu đồng chí bước vào con đường đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tháng 9-1938, đồng chí tốt nghiệp thủ khoa ngành Kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Năm 1940, đồng chí mở văn phòng kiến trúc sư ở Sài Gòn. Năm 1944, đồng chí là Trưởng ban Cổ động Hội truyền bá Quốc ngữ ở Nam kỳ. Đầu năm 1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát dùng văn phòng làm việc của mình mở lớp huấn luyện bí mật đầu tiên về Chủ nghĩa Mác-Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn.

Ngày 5-3-1945, đồng chí được đồng chí Trần Văn Giàu bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát bước vào một thời kỳ mới. Đồng chí đã quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư đang hoạt động hiệu quả để chuyên tâm vào hoạt động cách mạng.

Suốt cả cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Từ khi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước cho đến khi làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí liên tục được phân công đảm nhiệm công tác vận động quần chúng; vừa là người tổ chức, chỉ đạo, vừa là người trực tiếp làm công tác phong trào.

Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những phong trào vận động quần chúng yêu nước trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8-1945 ở thành phố Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt từ khi đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ 2 từ phải sang) tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986-1990.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ 2 từ phải sang) tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986-1990.

Gần suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã gắn bó với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở các thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn để cùng nhiều đồng chí khác như: Tám Lựu, Hoàng Quốc Tân, Vũ Tùng... vận động trí thức tham gia Mặt trận Liên Việt gây dựng các phong trào đấu tranh chính trị như “đòi hòa bình”, “đòi đế quốc Pháp phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam”...

Ngay cả khi bị bắt, bị giam trong Khám Lớn Sài Gòn, gia đình gặp nhiều khó khăn, đồng chí vẫn kiên định lý tưởng, tuyệt đối tin tưởng cách mạng, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng như: Tổ chức liên đoàn tù nhân, tổ chức lớp học, ra báo vận động tù nhân đấu tranh chống chế độ nhà tù tàn bạo, vận động tù nhân hướng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), đồng chí nhận nhiệm vụ ở lại nội thành Sài Gòn hoạt động cách mạng, trên cương vị là Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn phụ trách công tác vận động quần chúng.

Mặc dù chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt phong trào yêu nước và cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát vẫn hoạt động không mệt mỏi, gây dựng được mạng lưới cơ sở trong giới trí thức và công nhân chính quyền Sài Gòn. Đây là nhân tố cốt cán trong phong trào đấu tranh của nhân dân thành phố đòi thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước.

Ban Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Huỳnh Tấn Phát phụ trách đã tác động lớn đến sự hình thành của các phong trào nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định thời gian này, các phong trào trong giáo giới nội đô, lực lượng quốc gia tiến bộ và sự hình thành lực lượng thứ ba, nhất là tổ chức liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch năm 1968…

Các phong trào đô thị đã giáng cho địch một đòn chính trị chí tử, lột trần bản chất phi pháp, phi nhân, phi nghĩa của cuộc xâm lược và chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ. Và hơn thế là đã củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc chung quanh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam mà đồng chí là một trong những thành viên chủ chốt, quy tụ mọi giới bằng uy tín và đức độ của mình.

Cùng với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những cống hiến nổi bật trong sự nghiệp tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến thắng lợi tại khu Sài Gòn - Gia Định và trên toàn miền Nam Việt Nam, có công lớn trong việc hình thành và củng cố, mở rộng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; trong việc giúp đỡ để hình thành và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, trong nhiệm vụ điều hành Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ sau khi thành lập đến khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

KIẾN TRÚC SƯ ĐẦY TÀI NĂNG, NHIỆT HUYẾT

Năm 1940, đồng chí Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc và năm 1941, đoạt giải Nhất Cuộc thi Thiết kế khu trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương, dự kiến xây dựng ở vườn Ông Thượng Sài Gòn, do Toàn quyền Pháp Decoux tổ chức. Với tài năng của mình, trong thời gian từ năm 1938 đến năm 1943, đồng chí đã thiết kế nhiều công trình được xây dựng tại Sài Gòn, Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt…

Bảo tàng Hồ Chí Minh do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế 1979 - 1985 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.
Bảo tàng Hồ Chí Minh do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế 1979 - 1985 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.

Các công trình kiến trúc đều thể hiện tư duy sâu sắc về văn hóa Á Đông, về năng lực sáng tạo thể hiện qua những hình khối kiến trúc được bố cục chặt chẽ, hiện đại, nhưng khoáng đạt, cởi mở và hài hòa với cảnh quan nhiệt đới phương Nam, đã gây nên sự chú ý đặc biệt trong giới trí thức Nam kỳ và cả sự ngưỡng mộ của người Pháp.

Trong suốt những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược gian khổ, với bao nhiệm vụ nặng nề, nhưng đồng chí Huỳnh Tấn Phát vẫn dành thời gian hiếm hoi để thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình trong chiến khu, mà nổi bật là Hội trường Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, Hội trường Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I.

Tuy các công trình được dựng hoàn toàn bằng tre, gỗ, nứa lá nhưng thiết kế rộng rãi, khang trang, đẹp nằm ẩn mình kín đáo dưới vòm lá xanh của rừng già chiến khu, đã làm xúc động các đại biểu về dự Đại hội. Và nhiều phác thảo kiến trúc, quy hoạch các công trình dự định xây dựng tại Lộc Ninh, Thủ đô Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt đã thể hiện tầm nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai, khả năng sáng tạo tuyệt vời, tư duy thông tuệ của một kiến trúc sư tài năng, một nhà văn hóa lớn.

Sau ngày đất nước thống nhất, trên các trọng trách như: Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Trưởng Ban Quy hoạch đô thị, Chủ nhiệm Đồ án Thiết kế xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 1976; Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam năm 1983, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô Hà Nội và nền kiến trúc Việt Nam.

Đồng chí đã để lại những công trình, tác phẩm xuất sắc như: Bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1981, Bảo tàng các Vua Hùng, Nhà hát Hòa Bình TP. Hồ Chí Minh. Riêng bản thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh 1979 - 1985 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Ngoài ra, đồng chí còn chỉ đạo và góp ý kiến nhiều dự án thiết kế quy hoạch các đô thị lớn trong cả nước như: Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn. Nhiều công trình kiến trúc để lại như: Sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cung thiếu nhi Hà Nội… đã góp phần xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Là một nhà cách mạng yêu nước, đồng chí được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm trao giữ nhiều trọng trách trong cả giai đoạn chiến tranh và sau giải phóng: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí cũng từng kiêm nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

 

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.