Thứ Hai, 20/02/2023, 08:31 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 80 NĂM RA ĐỜI "ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM" (1943 - 2023)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đề cương về Văn hóa Việt Nam

Ngay từ khi mới thành lập và trong suốt quá trình vận động cách mạng, Đảng ta đặc biệt coi trọng văn hóa, nhất là xử lý mối quan hệ giữa văn hóa với dân tộc, với cách mạng, với thế giới, với đổi mới và phát triển. Năm 1943, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng vận dụng các quan điểm của chủ nghĩa Mác, của Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã soạn thảo Đề cương về Văn hóa Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Đảng ta đưa ra một cương lĩnh văn hóa, mà ở đó nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công.

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa vĩ đại của Việt Nam và cũng là danh nhân văn hóa thế giới. Trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm về văn hóa có vị trí quan trọng, hàm chứa những giá trị to lớn, dẫn dắt, định hướng việc xây dựng, phát triển, nâng cao tầm vóc nền văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học buổi tối của công nhân Nhà máy Ô tô 1-5 năm 1963.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học buổi tối của công nhân Nhà máy Ô tô 1-5 năm 1963.

Cuốn sổ ghi chép những bài thơ sáng tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây, Trung Quốc, sau này được tập hợp thành “Nhật ký trong tù” (1942 - 1943), ở trang cuối, Người viết về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.

Về vị trí, vai trò của văn hóa, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa là 1 trong 4 lĩnh vực quan trọng để phát triển đất nước: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Người đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác: Văn hóa không thể đứng ngoài “mà phải ở trong kinh tế và chính trị” và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm trong văn hóa.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Đến Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội”. Luận điểm này của Người thể hiện tầm nhìn vượt thời đại khi nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của văn hóa trong sự phát triển của mỗi quốc gia.

Để xây dựng nền văn hóa dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 5 điểm lớn: “1 - Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập tự cường. 2 - Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3 - Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4 - Xây dựng chính trị: Dân quyền. 5 - Xây dựng kinh tế”. Đối với mỗi một khía cạnh của văn hóa, Người lại đưa ra những yêu cầu cụ thể: Về giáo dục, Người nhấn mạnh “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” việc xây dựng nền giáo dục mới phải được coi là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, có tác dụng “làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”. Do đó, điều quan trọng trước tiên ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập là mở ngay chiến dịch chống “giặc dốt”.

Năm 1923, nhà báo Xô Viết Osip Mandelstam nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”. 100 năm đã trôi qua, thời gian làm cho lời nhận xét của nhà báo Xô Viết năm xưa càng trở nên thuyết phục, càng trở nên hấp dẫn không phải chỉ đối với dân tộc Việt Nam, mà với nhiều bạn bè quốc tế. Những tư tưởng, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa mãi là kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước ta trong việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên cơ sở đó có thể hội nhập và giao lưu với các nền văn hóa khác trên thế giới, cùng nhau phát triển.

Trong xây dựng nền văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và tiếp thu những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”. Hai quá trình “giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc” và “tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” cùng diễn ra, làm cho nền văn hóa mới ở Việt Nam vừa mang những đặc trưng phản ánh cốt cách, bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với trình độ văn minh tiên tiến, hiện đại của nhân loại. Hơn nữa, cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc khi được phát triển, phát huy hết mức sẽ đạt đến tầm cao nhân loại, trở thành giá trị chung của nhân loại.

Cùng với những tư tưởng sâu sắc về văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương mẫu mực về học tập, bảo tồn vốn cổ, bảo vệ văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, Người rất trân trọng, gìn giữ và làm trong sáng tiếng nói dân tộc để nâng tầm văn hóa Việt Nam: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Đặc biệt quan tâm đến phát triển văn hóa, trước lúc đi xa, Người đã dặn dò: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

 VĂN HÓA - SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC

Đề cương ra đời trong bối cảnh đất nước chưa giành được độc lập, chính vì vậy, một trong những mục tiêu căn bản của việc ban hành Đề cương là dùng văn hóa để trở thành sức mạnh cho dân tộc. Đề cương đã phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân, mang tới một sự thay đổi có tính đột phá về tư tưởng, về văn hóa. Các nội dung được thể hiện trong bản Đề cương có một sự tương đồng vô cùng lớn với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, cho thấy một sự thống nhất về tư tưởng chỉ đạo của Đảng nói chung cũng như của Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò xuất sắc của Người.

Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.
Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.

Nội dung Đề cương đưa ra cách đặt vấn đề với phạm vi: Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; xác định rõ quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc); thể hiện rõ thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa, gồm: Mặt trận văn hóa là 1 trong 3 mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

Ngay từ đây đã cho thấy rõ sự tương đồng về mặt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh khi xác định văn hóa là 1 trong 3 mặt trận cách mạng: Chính trị, kinh tế và văn hóa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội. Văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là lĩnh vực thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Đề cương từ việc nêu lên lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam để chỉ rõ ra nguy cơ văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp. Phân tích rõ để thấy rằng chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp áp dụng với đồng bào ta mang tính phản động. Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”. Từ đó, Đề cương đưa ra các nguyên tắc trong xây dựng nền văn hóa mới bao gồm: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời đã 80 năm nhưng những nội dung đề cập trong đó, những giá trị tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đó là sự thể hiện rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, để văn hóa tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

HỒNG  LÊ

.
.
.