Phát động Cuộc thi Viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ ba
(ABO) Sáng 1-2, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng Sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động Cuộc thi Viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ ba, năm 2023, với hình thức trực tiếp tại Trung tâm Học viện kết hợp với các điểm cầu trực tuyến tại các Trường Chính trị, Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chủ trì buổi họp báo phát động.
Đại biểu dự họp báo tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. |
Tại điểm cầu Trường Chính trị Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Thị Uyên Trang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, cùng Ban Giám hiệu, cán bộ, viên chức Trường Chính trị Tiền Giang tham dự hội nghị trực tuyến.
Đồng chí Nguyễn Thị Uyên Trang cùng Ban Giám hiệu, cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang tham dự hội nghị trực tuyến. |
Cuộc thi là sự tiếp nối thành công của 2 Cuộc thi Viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” năm 2021, 2022 và tiếp tục có sự mở rộng về quy mô tổ chức, thành phần tham gia và thể loại tác phẩm dự thi.
Theo Ban Tổ chức, mục đích của cuộc thi là tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Về chủ đề tác phẩm dự thi cần bám sát vào những vấn đề trọng tâm, nòng cốt về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, như: Giá trị khoa học, cách mạng và thời đại của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những đề xuất bổ sung, phát triển; bảo vệ, lan tỏa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay; nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và thực tiễn, kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở các ngành, địa phương, lĩnh vực.
Toàn cảnh dự họp báo trực tuyến tại điểm cầu Tiền Giang. |
Đối tượng dự thi có sự mở rộng gồm người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, người nước ngoài có bài viết chính luận phù hợp với tiêu chí của cuộc thi.
Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Chính trị cấp huyện, Trường Cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; giảng viên, học viên, sinh viên các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; thành viên, đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên của Ban Chỉ đạo 35 các cấp; sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang; cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương; đoàn viên, thanh niên của các tổ chức Đoàn ở Trung ương và địa phương.
Các tác phẩm thể loại bài viết, mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 2 tác phẩm tham gia dự thi gồm: 1 bài viết chính luận loại hình tạp chí (tạp chí in hoặc tạp chí điện tử) và 1 bài viết chính luận loại hình báo (báo in hoặc báo điện tử). Mỗi bài viết gửi tham gia dự thi gồm bản in (khổ A4) và file mềm (định dạng Microsoft Word).
Các tác phẩm thể loại âm thanh, hình ảnh, mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 3 tác phẩm dự thi: 1 tác phẩm loại hình báo nói (phát thanh); 1 tác phẩm loại hình báo hình (truyền hình) và 1 tác phẩm dưới dạng video clip. Mỗi tác phẩm dự thi gồm file âm thanh/hình ảnh và bản in kịch bản văn học (định dạng Microsoft Word).
Thời gian nhận tác phẩm dự thi bắt đầu từ khi phát động cuộc thi (ngày 1-2-2023) cho đến hết ngày 31-7-2023 (tính theo dấu bưu điện).
Buổi họp báo được tổ chức kết nối trực tuyến với các Trường Chính trị tỉnh, Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương. |
Sau buổi phát động, Ban Tổ chức cuộc thi nói chung, cùng cơ quan, đoàn thể tỉnh Tiền Giang nói riêng cùng nhau lan tỏa, phát động cuộc thi đến với đông đảo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, trong và ngoài nước, người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam để tiếp tục thể hiện nhận thức, tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị thời gian tới.
LÊ NGUYÊN