Tiền Giang: Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
(ABO) Sáng 28-2, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm làm Trưởng đoàn giám sát có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính về việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT).
Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi làm việc. |
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan và đại diện lãnh đạo các Phòng GD-ĐT huyện, thị, thành; lãnh đạo một số trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang...
Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT đã báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện các nghị quyết nói trên, những thuận lợi và khó khăn; đồng thời, kiến nghị với Đoàn ĐBQH về những vấn đề còn bất cập liên quan đến quá trình thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT.
Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. |
Các thành viên Đoàn giám sát đã đặt ra những vấn đề còn bất cập hiện nay như: Cần giải pháp tổng thể, toàn diện, không thể vá víu hay chỉ chú trọng cho khó khăn nào, để rồi khó khăn khác lại nổi cộm lên.
Trong đó, cần tăng cường cơ sở vật chất; có giải pháp thu hút nguồn nhân lực, quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý…; nếu giảm 10% biên chế giáo viên theo quy định của Trung ương thì cần có giải pháp linh hoạt cho ngành Giáo dục để đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình mới; cần xác định lộ trình thực hiện rõ ràng, cụ thể hơn về chuyên môn; việc tổ chức học chuyên đề định hướng nghề nghiệp sao cho hiệu quả…
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh trả lời các ý kiến đại biểu đặt ra tại buổi làm việc. |
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Quang Trí cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT đã tiếp thu, giải trình về một số nội dung thuộc thẩm quyền mà Đoàn giám sát nêu.
Đồng chí Lê Quang Trí cũng thông tin đến Đoàn giám sát một số thông tin về những định hướng lớn của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được tổ chức tại TP. Cần Thơ.
Đồng chí cho rằng, dù rất nỗ lực nhưng nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, trong đó nhiều cái vướng từ cơ chế, chính sách. Việc Đoàn giám sát đến làm việc là cơ hội để ngành GD-ĐT đề xuất, kiến nghị các bất cập vượt ngoài thẩm quyền của tỉnh cần được cấp trên tháo gỡ.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, các ĐBQH, thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo Sở GD-ĐT và các sở, ngành hữu quan đã phân tích, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ những vướng mắc để tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT hiệu quả hơn trong thời gian tới.
HOÀI THU