Tổng Biên tập Báo Nhân Dân chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số tại Đà Nẵng
Ngày 19/2, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đến thăm, làm việc với Đảng ủy, Ban Biên tập và thuyết trình, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số với cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên
Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên báo Đà Nẵng nghe thuyết trình về chuyển đổi số. |
Đi sâu phân tích về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số, trong quá trình phát triển tất yếu của xã hội hiện nay, đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng, trong tương lai, máy móc sẽ thay thế con người ở nhiều lĩnh vực. Theo đó, dự báo năm 2025, máy móc sẽ viết được bài luận trong cấp trung học, tự sáng tác nhạc, dịch ngoại ngữ; thậm chí, dự đoán đến gần năm 2050, thiết bị máy móc sẽ viết được các tác phẩm tự luận và đến khoảng năm 2056 sẽ tự phẫu thuật trong ngành y...
Đối với sự phát triển của báo chí, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những tác động rất lớn. Trong báo chí hiện đại, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rõ qua hình thái “Chatbot” và các tòa soạn lớn trên thế giới đều đã dùng hình thái này.
Ở Việt Nam, Vietnam Plus của Thông tấn xã Việt Nam ra mắt “Chatbot” vào năm 2018. Tuy nhiên, một số công việc cụ thể liên quan lĩnh vực báo chí thì máy móc chưa thể làm được. Thí dụ như khi xảy ra một vụ tai nạn giao thông, phóng viên có thể liên hệ để phỏng vấn, tìm hiểu thông tin thì máy móc không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, vấn đề đạo đức khi sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng chưa được đề cập đến.
Chuyển đổi số, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào báo chí là quá trình không thể cưỡng lại. |
Theo Tổng Biên tập Lê Quốc Minh, với báo chí trước đây “nội dung là vua”, nhưng hiện nay “công nghệ là hoàng hậu”. Báo chí hiện nay không chỉ có cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với 7 tỷ kênh trên mạng xã hội của cả thế giới nên cần phải tạo ra phong cách đa dạng, khác biệt, hấp dẫn hơn.
Trong khoảng 1 thập kỷ nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong tòa soạn, giúp các nhà báo lên lịch họp, phát hiện điểm khác thường trong dữ liệu và lùng sục thông tin hữu ích trong hồ sơ… Quan trọng hơn, các công cụ AI sẽ giúp nhà báo tạo nội dung riêng cho từng độc giả. Phóng viên sẽ chọn đúng thông tin để chia sẻ nhưng trí tuệ nhân tạo sẽ xem độc giả muốn gì để tạo ra câu chuyện hoàn hảo cho từng người dùng.
Tới đây, các tòa soạn sẽ có rất nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo và các nhà báo sẽ sử dụng nhuần nhuyễn các cỗ máy thông minh trong công việc hằng ngày. Bởi vậy, trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành một phần không thể tách rời của các tòa soạn, giống như sự cần thiết của internet hoặc thậm chí là điện. Hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục phát triển, dù có hay không sự can thiệp của nhà báo. Lãnh đạo các cơ quan báo chí phải quyết định chờ đợi và quan sát tương lai hình thành, hoặc tích cực tham gia ngay từ bây giờ…
Tại buổi trao đổi kinh nghiệm, cán bộ lãnh đạo, phóng viên Báo Đà Nẵng nêu những băn khoăn, khó khăn, vướng mắc về trí tuệ nhân tạo và tác động của nó đối với đời sống xã hội cũng như hoạt động báo chí.
Vấn đề này, theo đồng chí Lê Quốc Minh thì thế giới có nhiều xu hướng, trong đó có xu hướng phản đối về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo muốn hay không thì nó đang trực tiếp tác động, ảnh hưởng và phục vụ đời sống của chúng ta và đây là xu thế không thể cưỡng lại được. Nhiều chuyên gia dự báo trí tuệ nhân tạo ra đời sẽ gây ảnh hưởng đến công việc của con người, nguy cơ máy móc làm thay cho con người. Đồng thời dự báo của chuyên gia thì đến năm 2136, máy móc sẽ làm các công việc của con người. Do đó, chúng ta phải đón nhận trong hướng tích cực.
Thay mặt Ban Biên tập Báo Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng bày tỏ cảm ơn những chia sẻ mới mẻ, bổ ích của Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên tổ chức công việc, sử dụng tốt công nghệ vào hoạt động báo chí.
Theo nhandan.vn