Đoàn kết hình thức, xuôi chiều - mối nguy làm suy yếu tổ chức đảng
Một trong những vấn đề tồn tại dai dẳng nhưng được “ngụy trang” rất tinh vi ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng hiện nay là tình trạng đoàn kết hình thức, xuôi chiều, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Đây là một trong những căn nguyên sâu xa làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đồng thời là một trong những tác nhân khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Đoàn kết xuôi chiều thực chất là đoàn kết giả tạo
Gần đây, trong một cuộc hội thảo khoa học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có diễn giả đề nghị cần gọi đoàn kết xuôi chiều bằng đúng bản chất của nó là “đoàn kết giả tạo”. Cái sự “giả” có thể thấy ở những người không bao giờ đưa ra chính kiến rõ ràng, chuyên nói dựa ý kiến lãnh đạo, chuyên dẫn lời của những vị có “tầm ảnh hưởng” để nói ý đồ cá nhân. Ở nhiều nơi hiện nay tuy được xem là “đoàn kết” nhưng thực chất vẫn có tình trạng cán bộ, đảng viên, nhân viên cấp dưới rất ngần ngại khi phát biểu trung thực, thẳng thắn, sợ nêu chính kiến, sợ mất lòng cấp trên và nhiều nỗi sợ vô hình khác.
Thái độ khách quan, khoa học là khi luận chứng, giải thích về một vấn đề nào đó thì phải dùng sự thật để chứng minh. Sẽ không thuyết phục khi dùng quan điểm của người khác để chứng minh cho quan điểm của mình. Khi gọi đúng tên sự thật sẽ nhìn nhận, phân tích nó một cách đầy đủ, khoa học và có giải pháp khắc phục rốt ráo, triệt để hơn.
Trong loạt bài “Những việc cần làm ngay”, sau này trở thành một chuyên mục trọng tâm trên Báo Nhân Dân (từ số đầu ngày 25-5-1987 đến số cuối cùng ngày 29-9-1990), tác giả NVL (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) đã nói về tình trạng đoàn kết xuôi chiều là một sự “im lặng đáng sợ”. Đó là một trong những biểu hiện của căn bệnh hình thức kéo dài trong Đảng. Tác giả NVL viết: “Tính Đảng, tính nguyên tắc, tình thương yêu đồng chí đã bị thay thế bằng tính nể nang, thiếu thẳng thắn đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ việc đúng, người tốt”.
Tình trạng nể nang, thiếu thẳng thắn mặc dù được chỉ ra từ rất lâu rồi nhưng thật khó sửa. Qua các cuộc kiểm tra của các đoàn kiểm tra, giám sát từ Trung ương xuống cơ sở, hầu như cuộc nào cũng nói tới cái sự “mũ ni che tai” cho khỏi phiền đến mình. Không ít tổ chức đảng và người đứng đầu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, không thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, đội ngũ cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần đấu tranh với những hành vi sai trái, vi phạm của đồng chí mình.
Đáng lưu ý, việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ-một nguyên tắc cơ bản của Đảng-lại thường có gốc rễ từ bệnh độc đoán, quan liêu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Người viết bài này từng có dịp đi viết bài điều tra về tình trạng mất đoàn kết kéo dài ở một số địa phương. Khi tiếp xúc với các cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền, họ có chung một nhận xét, tình trạng mâu thuẫn nội bộ đến mức chia phe, chia nhóm “đánh” nhau thì dễ nhận biết, sinh hoạt phê bình tuy có căng thẳng nhưng khi sai phạm được làm rõ thì giải pháp cũng cụ thể hơn, chỉ cần xử lý kỷ luật, thay thế một vài vị trí chủ chốt, thế là yên ổn.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Đáng sợ nhất là tình trạng “mất đoàn kết ngầm”. Ở một cơ quan nọ, người có trách nhiệm về công tác nhân sự gặp riêng người cánh hẩu, dặn rằng: "Tôi thì không thể không bầu, nhưng các chú thì... tùy". Chữ “tùy” là “mật mã” vô cùng lợi hại. Để rồi trong cuộc họp người ta tâng bốc nhau lên tận mây xanh, nhưng ra ngoài thì chê bai, dựng chuyện, nói xấu nhau. Khi giới thiệu để lấy phiếu tín nhiệm quy hoạch, bổ nhiệm, họ không tiếc lời khen, nào là bằng cấp đầy mình, nào là chuyên môn giỏi giang, nhưng khi cầm lá phiếu thì chính họ “gạch rách cả giấy”. Ban lãnh đạo mười người thì cả mười đều khen, nhưng phiếu giới thiệu thì không quá bán. Thế là phát sinh những quả tù mù có “khói độc”.
Những hệ lụy tai hại
Đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh do nhiều nguyên nhân, từ những ảnh hưởng của nếp nghĩ cũ, sợ rằng “sự thật mất lòng” nên không dám nói điều phải trái; từ trình độ, nhận thức không đồng đều trong một tập thể; từ môi trường công tác, làm việc. Có những nơi vì thủ trưởng gia trưởng, không muốn nghe những điều trái tai dẫn đến tình trạng dù có nhiều ý kiến nhưng vẫn là chủ kiến của cấp trên. Có thủ trưởng tỏ ra dân chủ, trong cuộc họp, ông nêu vấn đề và bảo: “Các đồng chí cứ tranh luận thoải mái”, nhưng người dự họp thừa biết tính ông, nếu tranh cãi thì trước sau cũng sẽ bị định kiến, trù dập. Khi có đại biểu cấp trên dự các buổi sinh hoạt phê bình, kiểm điểm, thì chuyện nội bộ luôn được giữ kín, “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Xem ra hai chữ “xuôi chiều” luôn có cái lý của nó, cái lý của phép thần thông biến tảng đá thành hột bấc. Lâu dần các sinh hoạt tập thể đều như một cái khuôn, toàn là ý kiến minh họa chủ tọa, theo kiểu “Mỗi ngày một cuộc giao ban/ Lại bàn những chuyện đã bàn hôm qua”(!).
Không phải đến bây giờ chúng ta mới đề cập tới những hệ lụy, những tác hại không nhỏ của đoàn kết xuôi chiều. Cách đây hơn 80 năm, trong tác phẩm “Tự chỉ trích” viết năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nêu rõ: “Nếu “đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương”(*).
Gần đây, phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng tổ chức tại Hà Nội ngày 9-12-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng”.
Đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức là căn bệnh mãn tính, gây hại không kém gì so với mất đoàn kết nội bộ. Không ngại nói quá khi coi những người luôn nói theo hoặc giữ thái độ im lặng là đã suy thoái trong nhận thức và hành động. Tuy không gây nguy hiểm ngay, nhưng nó phá hoại sức mạnh của Đảng, sức mạnh của các tổ chức, cơ quan, đơn vị một cách thầm lặng. Nó là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cơ hội tiếp tục phát triển. Nó khiến cho đúng-sai, phải-trái nhập nhòa. Nó khiến cho quy trình công tác cán bộ nhiều khi làm đúng nhưng kết quả cuối cùng là người được bổ nhiệm thì sai, làm nản lòng những người chân chính.
Kiên trì đấu tranh, đẩy lùi tình trạng đoàn kết xuôi chiều
Trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng đoàn kết xuôi chiều và dân chủ hình thức.
Hội nghị lần thứ 4 của các nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và XIII của Đảng ta, Trung ương đều ra Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, trong đó trọng tâm là chống tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đánh giá rất cụ thể, rõ ràng về nguyên nhân, tác hại và những giải pháp khắc phục tình trạng “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”.
Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm”.
Cụ thể hơn, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bổ sung một số quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, điều thứ 3 quy định đảng viên “không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.
Mới đây là Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Trong các tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm, quy định nêu cụ thể về việc đánh giá “ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình”. Như vậy, những người dĩ hòa vi quý, né tránh đấu tranh sẽ không nhận được sự tín nhiệm của tập thể.
Tuy nhiên, dù có bao nhiêu quy định, quy chế cũng không thể bao trùm lên tất thảy mọi hoạt động của Đảng và các cơ quan nhà nước, đoàn thể. Do vậy, không thể không nhắc một điều tưởng như đã quá quen thuộc, đó là, mỗi tổ chức đảng, đảng viên phải luôn nhận thức sâu sắc và hành động nhất quán theo Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến, cùng tập thể xây dựng nghị quyết. Phải chống bằng được thói bàng quan, chiếu lệ trong sinh hoạt đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quan tâm đến tập thể, khiêm tốn, lắng nghe ý kiến, tôn trọng đồng chí, đồng nghiệp. Những điều này tưởng như ai cũng thuộc nhưng làm cho đúng, cho thực chất mới khó. Một danh nhân từng nói đại ý: Tôi từng nghĩ, người khác tôn trọng tôi là vì tôi xuất sắc. Dần dần tôi hiểu ra điều này, người khác tôn trọng tôi là vì họ rất xuất sắc.
Cần nhấn mạnh vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Thủ trưởng phải công tâm, công bằng, thật sự là trung tâm, hạt nhân đoàn kết, quy tụ được người tài, người thẳng thắn, có ý kiến khác mình. Không có thắng lợi chung chung, thành tựu chung chung. Muốn tập thể giành thắng lợi thì mỗi cá nhân phải làm tốt công việc của mình, phải dám chịu trách nhiệm. Đã cùng nhau đẩy thuyền thì phải đẩy thật, đừng “dô hò” là chính. Được như thế chính là tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, vì “chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác nhất” như Bác Hồ căn dặn.
(Theo qdnd.vn)