Thứ Năm, 16/03/2023, 20:56 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi về tình hình hoạt động của ngành Tòa án

(ABO) Chiều 16-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang có buổi làm việc với Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Tiền Giang trao đổi các vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành Tòa án phục vụ hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới. Tham dự có Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm; các ĐBQH tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Năm 2022, TAND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo TAND hai cấp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử các loại án, không để quá hạn luật định; hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan.

Quang cảnh buổi làm việc
Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, trong thời gian qua, mặc dù số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý và giải quyết là rất nhiều, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng Tòa án đã chủ động nắm bắt tình hình, triển khai thực hiện tốt các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng xét xử nên hoạt động của Tòa án tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và đã khắc phục nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc của những năm trước đây.

Cụ thể, trong năm 2022, TAND hai cấp thụ lý 15.647 vụ việc các loại, đã giải quyết được 13.854 vụ việc, tỷ lệ giải quyết chung 88,54%. So với năm 2021, thụ lý tăng 2.511 vụ việc các loại, giải quyết tăng 4.611 vụ việc các loại, tỷ lệ giải quyết tăng 18,18% (số liệu được tính từ ngày 1-10-2020 đến ngày 30-9-2021).

Tổng số các bản án bị hủy, sửa của TAND hai cấp là 25,5 vụ, chiếm tỷ lệ 0,18%, giảm 0,01% so với cùng kỳ. Trong đó: Án hủy, sửa cấp tỉnh 9 vụ, tỷ lệ 0,9%, giảm 0,27% so với cùng kỳ; án hủy, sửa cấp huyện 15,5 vụ, tỷ lệ 0,12%, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ án bị hủy, sửa thấp hơn nhiều so với quy định của TAND Tối cao đề ra là 1,5%.

Ngoài ra, không có các bản án, quyết định tuyên không rõ gây khó khăn cho công tác thi hành án. Với kết quả nêu trên, Tòa án hai cấp hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu do TAND Tối cao giao trong năm 2022; trong đó, Tòa án nhân dân tỉnh được tặng Cờ thi đua của Chính phủ...

ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Các ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi, ngành Tòa án cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trước diễn biến tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, tinh vi. Điều kiện biên chế làm việc, cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, chưa đáp ứng thời đại công nghệ hiện nay; biên chế còn thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kiểm sát, xét xử. 

Một số văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, khó khăn cho các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

TAND tỉnh đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến với Quốc hội rà soát tổng thể cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai, sở hữu nhà, quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng… qua các thời kỳ để đảm bảo việc áp dụng, hướng dẫn pháp luật được thống nhất trong hệ thống pháp luật chuyên ngành và pháp luật về tố tụng, tạo điều kiện cho ngành Tòa án tỉnh thực thi nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác xét xử trong thời gian tới.

Đồng thời, kiến nghị được lắp đặt hệ thống thiết bị trực tuyến phiên tòa với 12 điểm cầu trung tâm (1 điểm cầu tại Tòa án nhân dân tỉnh, 11 điểm cầu tại Tòa án nhân dân cấp huyện) đảm bảo theo cấu hình của Quyết định 50 ngày 14-3-2022 của TAND Tối cao về trang bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của TAND các cấp.

Ngoài ra, ngành Tòa án đề xuất UBND tỉnh và UBND cấp huyện hỗ trợ bố trí quỹ đất sạch để TAND  tỉnh xin kinh phí xây dựng trụ sở mới cho Tòa án nhân dân hai cấp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới...

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các ĐBQH và lãnh đạo các ban, ngành tỉnh đã trao đổi, phân tích với lãnh đạo ngành Tòa án tỉnh về những khó khăn, bất cập; đồng thời, đề xuất các giải pháp tháp gỡ thuộc thẩm quyền địa phương.

Đối với những kiến nghị của TAND tỉnh, đặc biệt là những bất cập trong cơ chế chính sách, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tổng hợp và sẽ có ý kiến ở những diễn đàn của các bộ, ngành liên quan để được xem xét tháo gỡ trong thời gian tới.  

THU HOÀI

.
.
.